Sử dụng đúng cách những bài văn mẫu

Giáo viên không chỉ tham khảo nhiều bài văn mẫu mà còn cần đọc kĩ tất cả những bài văn của nhiều đối tượng học sinh khác nhau ngay chính lớp mình phụ trách. Đây là điều kiện cần và đủ để giáo viên đủ bản lĩnh, đủ khả năng xoay trở trong việc hướng dẫn và xử lý tình huống sáng tạo của trẻ.

Giáo viên cần đọc bài văn mẫu để thấy được những phát kiến, những ý tưởng trẻ thơ, phong phú hơn vốn từ ngữ ngây thơ của trẻ, thấy được cách đặt câu, hiểu hơn sự suy diễn, liên tưởng mà các em nhận ra, các em cho là hay, là đẹp, là mới lạ, thu hút,…

Từ sự góp nhặt đó, giáo viên dễ dàng điều chỉnh, hướng các em đến cái đúng, cái đẹp trong văn chương. Hãy chọn lọc những ý tưởng, cách nói, sự sáng tạo của những tâm hồn trong sáng ấy để làm mẫu.

Tuyệt đối không làm mẫu cả bài, không khuyến khích học sinh lấy nguyên văn những câu mẫu để viết vào bài của mình. Hãy khuyến khích các em miêu tả xác thực với đối tượng được quan sát.

Đối với học sinh, tham khảo để hiểu được trình tự làm bài, trình tự quan sát, biết cách liên tưởng, so sánh, nhân hoá. Biết cách lựa chọn ngôn từ, chỉnh sửa câu nói cho phù hợp với sự vật, sự việc, hoàn cảnh, đối tượng,…

Khi quan sát, các em biết cảm nhận bằng tất cả các giác quan. Cũng qua đó, các em mạnh dạn nêu lên chính kiến của mình, biết quan sát, lắng nghe và nhận xét những ý kiến của bạn.

Không cần văn mẫu, giáo viên vẫn hướng dẫn học sinh làm được những bài văn hay

Dạy nói để hành văn

Vậy khi không sử dụng văn mẫu thì làm thế nào để học sinh tự tin hoàn thành bài văn của mình đạt được yêu cầu như mong muốn?

Một kiểu bài làm văn trong chương trình phân môn Tập làm văn khối lớp 4, lớp 5 thường bắt đầu bằng bài: Cấu tạo bài văn….

Tiết học này, học sinh được đọc bài văn mẫu có sẵn trong sách giáo khoa, các em tiến hành phân tích tìm hiểu để biết được cấu tạo của kiểu bài.

Từ cấu tạo đó, các em tập sự lập dàn ý cho một bài văn miêu tả theo một yêu cầu mới ở tiết học thứ 2.

Cũng nhờ tiết học này các em biết quan sát chọn lọc những chi tiết nổi bật, ấn tượng.

Tiết học thứ 2 này với tôi rất cần thiết vì nó giúp học sinh có được trình tự quan sát, các em tinh tế hơn khi nhìn đối tượng, các em nhìn nhận đối tượng miêu tả một cách toàn diện hơn.

Ở tiết học này, giáo viên cần chủ động, linh hoạt gợi mở khi quan sát cũng như tìm ý để kích thích sự tìm tòi, khám phá tăng thêm hứng thú cho các em.

Chẳng hạn: Khi tả sân trường, học sinh quan sát theo trình tự như thế nào? Cần quan sát bằng giác quan nào? Chi tiết đó em gợi tả bằng từ ngữ gì? Em cảm nhận hay có suy nghĩ gì về chi tiết này?

Lúc này đòi hỏi người giáo viên phải tập trung cao độ, theo sát từng nhóm đối tượng, quan sát từng cá nhân để cá thể hoá học sinh. Tạo điều kiện cho nhiều em được nói, được thể hiện ý kiến của mình.

Đây là lần học sinh được tập nói đầu tiên, các em chỉ nói từ ngữ, nói không cần thành câu, yêu cầu cần đạt là dùng từ phù hợp, sát với chi tiết miêu tả.

Tất nhiên, những từ ngữ học sinh chọn có thể chưa phù hợp với chi tiết, chưa làm cho chi tiết chọn tả nổi bật.

Vai trò dẫn dắt, hướng dẫn, nhận xét, điều chỉnh của giáo viên lúc này rất cần thiết. Giáo viên có thể nêu gương những em năng khiếu, sáng tạo, để phát huy năng lực, có thể phong chức “trợ giảng viên” cho giáo viên, chính các em này giúp học sinh rụt rè thụ động có thêm vốn từ ngữ để nói được, nói mạnh dạn, tự tin hơn.

Tiết học thứ 3 có thể nói là tiết học trọng tâm vì học sinh được quan sát tỉ mỉ, sâu sắc hơn, nhận biết được các cách nói nhân hoá, so sánh từ những bài văn mẫu; thật sự được tập nói tròn câu, được viết thành đoạn văn.

Đây không phải là việc làm dễ. Học sinh phải đảm bảo cấu trúc đoạn; phải biết lựa chọn câu chủ đề, biết triển khai, phát triển ý từ câu chủ đề đã nêu. Bấy nhiêu chưa đủ, các em còn cần phải làm cho đoạn văn sáng tạo, sinh động,… càng nói càng thấy khó.

Tôi đã tháo gỡ những khó khăn đó như sau: Để học sinh tự chọn đoạn văn mình thích và lưu ý học sinh cùng nhóm sở thích để mời gọi tập nói và nhận xét, giáo viên có thể sắp xếp các em ngồi thành nhóm càng tốt.

Có thể nhóm này chọn đoạn tả bao quát, nhóm kia chọn tả chi tiết, nhóm chọn tả sự ảnh hưởng, ích lợi,… Mỗi nhóm đã có sẵn những chi tiết, vốn từ ngữ mà các em đã lập được từ tiết học trước. Khi ổn định, giáo viên giúp học sinh xây dựng ngay câu chủ đề rồi mới tập nói từng chi tiết trong đoạn văn.

Những câu nói này với học sinh rất quen thuộc, các em thường được nghe, được nói. Nhưng khi yêu cầu các em nói câu mở đoạn các em lại thấy rất xa lạ, khó khăn vô cùng.

Khi nhiều học sinh nói lên như vậy, giáo viên kết luận: tất cả câu nói của các em đều có thể làm câu mở đoạn. Chắc chắc các em sẽ reo lên: Sao dễ thế và hưng phấn và hăng say hơn. Lúc này giáo viên tiếp tục giao việc: Hãy nói một câu về chi tiết thứ nhất.

Có học sinh sẽ chọn chi tiết thứ nhất là tuổi mẹ, có học sinh chọn chi tiết thứ nhất là hình dáng, cách ăn mặc, làn da,… Việc lựa chọn này giáo viên cũng không nên dập khuôn nhất nhất học sinh phải theo trình tự nào.

Nói trước hay nói sau không quan trọng, miễn sao các chi tiết mạch lạc, cách nói hợp lí là được. Giáo viên thấy chi tiết nào cần nói trước để suôn sẻ, hay thì có thể nhẹ nhàng khuyến khích các em, nhưng tốt nhất để học sinh chủ động sắp xếp sẽ phong phú hơn.

Ví dụ chọn tuổi: Mẹ em đã 35 tuổi. Mẹ em đã ngoài 30 tuổi. Mẹ em chỉ 30 tuổi nên trẻ hơn ba em nhiều. Mẹ em chưa tròn 30 tuổi nên vẫn còn trẻ trung lắm,… Nhiều học sinh thi nhau nói lên ý nghĩ của mình.

Khi đó giáo viên tổ chức sửa chữa nhanh bằng câu hỏi: Câu văn nào của bạn hay? Câu nào của bạn có hình ảnh so sánh hay nhân hoá?,…

Giáo viên cần nhận xét cụ thể từng câu nói của học sinh trên tinh thần khuyến khích học sinh tiếp tục suy nghĩ, tranh nói với nhau; thầy cô không được phớt lờ hay nhận định cho câu nói các em là sai, là dở.

Có thể dùng những câu nói khích lệ như sau: Câu văn của em khi sử dụng từ ngữ này sẽ hay hơn; câu văn của em phải có thêm hình ảnh so sánh, nhân hoá,… thì hay biết mấy; Câu văn của em thêm từ ngữ này sẽ rất rõ ý,….

Tất cả học sinh đã nói tốt, giáo viên tổ chức trò chơi “Thách đố”. Cũng chi tiết đó em nào nói được 2 câu, rồi 3 câu,…? Đây được xem là đỉnh cao trong văn chương của học sinh tiểu học.

Khả năng tìm tòi, khám phá, nhận định đối tượng được phát huy ngay lúc này. Học sinh thi đua nói câu, giáo viên cùng các em lắng nghe, nhận xét, điều chỉnh, bổ sung những từ ngữ chưa hợp, hình ảnh so sánh chưa đúng đối tượng, cách nói chưa sinh động khéo léo,…

Chi tiết thứ 2, thứ 3 và các chi tiết tiếp theo không cần thực hiện theo tiến trình như trên, chắc chắn các em sẽ tự mình nói về chi tiết ấy nhiều câu hơn chứ không phải một câu đơn điệu như chi tiết thứ nhất.

Và với cách làm đó học sinh sẽ viết được một đoạn văn rồi tiếp tục 2 đoạn, 3 đoạn và làm được bài tập làm văn đúng theo mục tiêu đã đặt ra.

ThS Tô Ngọc Sơn – GV Trường tiểu học Chu Văn An (Cao Lãnh, Đồng Tháp)/ Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/