Một câu chuyện về cơ hội thứ hai cho những đứa trẻ trong môi trường giáo dục. Quả thật là câu chuyện rất cần quan tâm và suy ngẫm. KỸ NĂNG CẦN BIẾT chia sẻ lại câu chuyện “Nơi những luật lệ không quan trọng bằng sự tử tế”. Mời mọi người cùng tham khảo!
Ai xứng đáng với một cơ hội thứ 2?
Nếu một kỳ thi quan trọng tới độ sẽ quyết định tương lai của học sinh thì trong trường hợp nào các cháu nên được trao cơ hội thứ hai?
Năm học vừa qua, con gái tôi học lớp 9 tại một trường phổ thông cơ sở công của Pháp. Trong năm học này, các cháu sẽ đối mặt với hai kỳ thi quan trọng: kỳ thi vào trường cấp III và kỳ thi tốt nghiệp cấp II. Ngược đời ở chỗ, các cháu sẽ thực hiện và biết kết quả kỳ thi vào cấp III trước cả khi tốt nghiệp cấp II.
Tôi gọi tạm đó là kỳ thi vào cấp III để độc giả dễ hình dung, nhưng không hẳn là đúng, vì tại Pháp, các học sinh có thể tiếp tục học phổ thông trung học nếu muốn và không cần thi cử gì cả, kể cả khi không tham dự kỳ thi tốt nghiệp cấp II. Kỳ thi vào cấp III này chỉ dành cho những học sinh muốn đăng ký vào những lớp đặc biệt trong hệ thống trường công của Pháp. Những lớp đặc biệt này có thể là chuyên toán, chuyên tin, chuyên Anh, chuyên mỹ thuật, chuyên âm nhạc. Mỗi trường công có thể có 1, 2 lớp đặc biệt như vậy.
Kỳ thi được tổ chức làm 2 vòng: ở vòng đầu tiên, các cháu nộp hồ sơ (trong đó có thư trình bày nguyện vọng và bảng điểm của mấy năm cấp II). Khi qua được vòng hồ sơ, các cháu sẽ được mời tham gia phỏng vấn, chủ đề của bài thi được gửi vào email của bố mẹ 1 ngày trước khi thi. Từ dạo có Covid, kỳ thi phỏng vấn được chuyển qua hình thức trực tuyến.
Vì thi trực tuyến nên chúng tôi rất lo lắng về chất lượng đường truyền và máy móc. Ngày thi của con, vợ chồng tôi đều nghỉ tại nhà, chuẩn bị máy tính, tai nghe sẵn sàng cho con, thậm chí cả máy tính dự phòng nữa. Kỳ phỏng vấn của con tôi trôi qua êm đẹp, nhưng bạn của con tôi thì không. Máy tính của cháu đã gặp vấn đề về âm thanh, cuộc phỏng vấn kéo dài 20 phút nhưng cháu đã mất 10 phút không hình không tiếng. Cháu đã rất thất vọng vì cháu vốn là một học sinh giỏi và cô giáo cấp II đã nhiệt tình khuyến khích cháu học trường này.
Nhưng cháu không bỏ cuộc. Cháu gọi điện ngay cho hội đồng chấm thi, không ai nhấc máy. Cháu tiếp tục viết thư trình bày lý do và hoàn cảnh để xin hội đồng thi trao cho cháu cơ hội thứ hai. Hội đồng chấm thi đã hồi đáp không lâu sau đó và sắp xếp cho cháu một buổi thi khác. Cháu đã được nhận vào trường.
Phải nói thêm, đây là một kỳ thi cực kỳ cạnh tranh vì lớp học đặc biệt tại trường này được xếp hạng số 1 của cả bang. Những học sinh tốt nghiệp cấp III trường này phần lớn sau đó đều vào học tại những trường đại học lớn ở Pháp. Đây được xem như bước đệm cho một tương lai tươi sáng. Nếu như người bạn của con tôi nản chí vội bỏ cuộc, nếu hội đồng chấm thi cứng nhắc thì cháu đã mất đi một cơ hội mà cháu hoàn toàn xứng đáng.
Con tôi không đỗ kỳ thi này, nhưng câu chuyện của người bạn của con được chúng tôi nhắc đến nhiều lần, như một bài học về tính cách không bỏ cuộc, cũng như tính nhân văn của những người thầy cô giáo chấm thi hôm đó.
Một lớp học ở Pháp. Ảnh: AFP
Nhân văn hay dễ dãi?
Đối với một nền giáo dục, những bài học không chỉ nằm ở bài giảng trên lớp hằng ngày, mà còn ở cách con người đối xử với nhau trong môi trường đó nữa. Những trải nghiệm tại trường học trong suốt nhiều năm sẽ góp phần đáng kể trong việc hình thành nhân cách của các học sinh. Khi đó, những bài học về sự tử tế sẽ theo các cháu trong suốt cuộc đời.
Trong suốt 9 năm con gái học tại Pháp, chúng tôi đã không ít lần chứng kiến những câu chuyện khác biệt về thầy cô giáo tại đây.
Câu chuyện kỳ cục nhất là khi có học sinh ngủ trong lớp.
Trong suốt năm học, các học sinh luôn có những kỳ nghỉ kéo dài 2 tuần (nghỉ thu, đông, xuân…). Sau mỗi kỳ nghỉ, hiện tượng ngủ gật trong lớp tăng lên đáng kể. Nguyên nhân là do các cháu vẫn giữ thói quen đi ngủ muộn, và trường học ở Pháp không có giờ ngủ trưa. Các thầy cô giáo chẳng những không đánh thức học sinh dậy, không mắng mỏ vì tội ngủ gật trong lớp mà còn nhắc cả lớp nói bé lại để cho bạn ngủ. Nhưng sau đó, họ sẽ có lời nhắn tới phụ huynh, đề nghị các bậc cha mẹ cho con đi ngủ sớm hơn để đảm bảo sức khỏe và việc học tập ở trường.
Mức lương khởi điểm của một giáo viên phổ thông tại Pháp (tính từ mẫu giáo tới cấp III) là 1.451 euro/tháng (sau khi đã trừ thuế và bảo hiểm xã hội). Trong khi đó, mức lương cơ bản tại Pháp hiện nay là 1.329,05 euro/tháng.
Giáo viên phổ thông ở Pháp thường phải trải qua 3 năm đại học và 1 năm thạc sĩ trước khi bắt đầu công việc. Để trở thành giáo viên cơ hữu, được xem như là công chức nhà nước, họ phải trải qua kỳ thi lấy chứng chỉ sư phạm được tổ chức hằng năm.
Câu chuyện thứ hai là kéo dài giờ kiểm tra.
Khi còn ở cấp tiểu học, các cháu thỉnh thoảng phải làm bài kiểm tra đánh giá nhưng giáo viên không quy định về thời gian làm bài. Học sinh nào xong trước thì nộp bài rồi ngồi đọc sách, cháu nào chưa xong cứ bình tĩnh làm tiếp.
Lên tới cấp II, giáo viên bắt đầu quy định giờ làm bài kiểm tra. Nhưng học sinh nào làm chưa xong thì vẫn kiên quyết ngồi làm tiếp, mặc cho giáo viên giục giã. Con tôi kể, nhiều khi thầy cô giáo cứ phải “van xin” hãy nộp bài đi, sắp hết giờ ra chơi rồi, thầy/cô còn phải dạy lớp khác nữa.
Trên hết, và ấn tượng với tôi nhất, vẫn là câu chuyện về lòng bao dung của người giáo viên.
Lúc con tôi học lớp 7, con có bài trình bày về tác phẩm văn học yêu thích nhất. Con tôi vốn là một cô bé nhút nhát, trước đám đông luôn cúi gằm mặt và nói lí nhí. Hôm đó cháu quá lo lắng nên không thể hoàn thành tốt bài trình bày của mình. Cô giáo cháu đã cho phép cháu thuyết trình lại vào một buổi khác. Cô nói với con tôi: “Ai cũng xứng đáng với một cơ hội thứ hai”.
Một lần khác, khi con học lớp 9, mặc dù đã “chiếm” thêm của cô giáo 10 phút giờ ra chơi để làm bài kiểm tra toán nhưng con tôi vẫn cảm thấy không hài lòng về bài làm của mình. Con vừa nộp bài cho cô vừa rơm rớm nước mắt. Cô giáo hỏi con tôi lý do con khóc, rồi đề nghị cháu có thể xem cô chấm bài và đồng thời giải thích cách giải của mình cho cô nghe.
Đó là bài kiểm tra trước kỳ nghỉ đông và phải 2 tuần sau con tôi mới biết kết quả. Nhưng ngay buổi tối hôm đó, cháu đã nhận được điểm, kèm theo lá thư của cô giáo. Trong thư, cô giáo động viên con tôi rằng một lần điểm kém cũng không sao cả, vì phía trước còn có nhiều thử thách khó khăn hơn và không chắc lần nào con cũng có thể thành công. Chính vì thế, điều quan trọng hơn cả là con cần học cách làm chủ được cảm xúc của mình.
Con tôi không phải là một học sinh xuất sắc để được xem như “trò cưng” của các thầy cô giáo; chúng tôi cũng không phải là những phụ huynh tận tụy để thầy cô giáo “ưu ái” con hơn. Cháu chỉ là một học sinh bình thường như biết bao học sinh đồng trang lứa khác trên khắp nước Pháp. Sự ân cần và bao dung của những thầy cô ấy đã giúp chúng tôi thấy rằng lòng nhân ái/sự tử tế quan trọng hơn những quy tắc và luật lệ cứng nhắc, trong giáo dục điều ấy lại càng quan trọng hơn.■
Mức lương của giáo viên được tăng theo mức thâm niên: năm thứ 1 là 1.451 euro/tháng, năm thứ 2 là 1.640 euro/tháng, năm thứ 4 được nâng lên thành 1.666 euro/tháng. Sau 30 năm đi dạy, mức lương của họ là 2.503 euro/tháng, tức gần gấp đôi mức lương cơ bản. Ngoài ra, hằng năm giáo viên phổ thông được nhận một vài khoản hỗ trợ công tác, dao động từ 400-2.200 euro/năm.
Mỗi lớp học ở cấp phổ thông của Pháp thường dao động từ 25-30 cháu/lớp ở tất cả các cấp. Trường tiểu học thường có số lượng lớp học rất ít, trung bình từ 1,5-2 lớp mỗi khối. Trường cấp II, do gom từ nhiều trường tiểu học nên số lớp học tăng lên, có thể từ 5-8 lớp mỗi khối.
Theo TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN