Nhà giáo ưu tú chia sẻ cách khen thưởng học sinh tiểu học

Trước những dư luận ồn ào về việc khen thưởng học sinh trong nhà trường hiện nay, tôi cảm thấy rất buồn và không thể không suy nghĩ.

Những ngày cuối năm học này, việc khen thưởng học sinh đã và đang ít nhiều gây xôn xao với phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô trong ngành giáo dục. Đồng thuận hay không với việc khen thưởng học sinh trong nhà trường đã khiến không ít thầy cô và các nhà lãnh đạo, quản lý của ngành phải trăn trở. 

Đã có hàng chục năm gắn bó với nghề dạy, tôi vẫn luôn nhớ những khoảnh khắc ấn tượng, sâu sắc và có thể nói là rất đẹp trong sự nghiệp giáo dục mà tôi đã đi qua. 

Phương châm dạy học của tôi là “Lớp học phải vui, vui để học”. Chính vì vậy không khí lớp học của tôi không bao giờ trầm lắng mà luôn vui nhộn, ồn ào. Học sinh phải năng động và mạnh dạn trao đổi ý kiến với bạn, với thầy. 

Trong mỗi giờ học, tất cả các em phải được phát biểu ít nhất một lần, và lời phát biểu của các em chưa bao giờ bị tôi đánh giá là sai hay buồn cười. 

Chính vì vậy, học sinh của tôi luôn tự tin, học tập mỗi ngày một tích cực hơn, và kết quả tiến bộ rõ nét.

Ngoài những lời động viên, tôi còn luôn dành những món quà nhỏ, gọi là phần thưởng, để khen tặng khi các em có những biểu hiện tích cực trong tiết học. 

Việc làm này đã mang lại những kết quả không nhỏ đối với tôi trong hành trình đến với bục giảng mỗi ngày. 

Trong nhiều năm giảng dạy tại miền quê tỉnh An Giang – Trường Tiểu học B Tây Phú, huyện Thoại Sơn – với cách làm đó, tôi đã gặt hái không ít thành tích cho trường từ sự nỗ lực của học sinh. Và thường hơn nửa lớp học của tôi đạt kết quả từ khá giỏi trở lên. 

Tôi vẫn luôn nhớ các em Nguyễn Anh Khương, Nguyễn Thị Thuỳ Lan là học sinh lớp 5 trong những năm học 2000–2003. Từ lớp 1 đến lớp 4, các em chỉ là học sinh trung bình. Nhưng lên lớp 5, các em đã tiến bộ không ngừng, liên tục nhận phần thưởng học sinh giỏi cấp trường, cấp xã, cấp huyện.

“Bí quyết” ở đây là mỗi tuần, Khương và Lan đều được nhận một ngôi sao may mắn tôi cắt từ giấy màu làm phần thưởng tặng cho sự nỗ lực của các em. 

Đến năm học 2005–2006, khi tôi tiếp nhận lớp 5/5 tại Trường Tiểu học Chu Văn An, thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp thì em Trần Trọng Trí là một học sinh trung bình.

Tôi biết Trí lên lớp 5 nhờ thi lại lần 2, và em được mệnh danh là con chim ngủ ngày, lười học. 

Quả thật, ngồi trong lớp học mà Trí như đang ngồi một mình ngoài sân vậy. Em đã hổng kiến thức, không biết gì nên chán học – tôi hiểu điều này. 

Sau đó, suốt thời gian nửa học kì I, tôi luôn chăm chút, tìm cách động viên khen ngợi, nên em đã quen dần với việc học. 

Sơ kết giữa học kỳ I, tôi dành một phần thưởng riêng là 2 quyển vở, gói và trang trí cẩn thận. Tôi tuyên bố trước lớp đó là phần thưởng đặc biệt dành tặng cho sự tiến bộ trong học tập mà em Trí đã đạt được trong thời gian qua. 

Tôi không ngờ phần thưởng ấy Trí không bỏ vào cặp mà ôm suốt bên người, kể cả khi ra chơi. Tan học, em chạy như bay về khoe với mẹ phần thưởng đã nhận được. 

Tôi cũng không ngờ Trí như một nguồn động lực tiếp sức thêm cho cả lớp. Cuối năm học, lớp tôi không có học sinh trung bình, hơn 80% học sinh khá giỏi, trong đó em Trí đạt kết quả trung bình hơn 8,0.

Hay như năm 2008–2009, em Nguyễn Đức Tâm là học sinh lớp 5/3 Trường Tiểu học Chu Văn An từ một học sinh khá giỏi bình thường (không có thành tích) đã trở thành một học lớp 5 giỏi nhất tỉnh Đổng Tháp. Lý do là vì em nhận được những bảng danh dự sau mỗi tháng miệt mài học tập do tôi dành tặng. 

Bên cạnh đó, các em Nguyễn Đức An, Cao La Phương Đồng, Nguyễn Minh Anh cũng đã trở thành học sinh giỏi cấp tỉnh nhờ những bảng danh dự – phần thưởng lớn đối với các em khi đó…

Tôi xin chia sẻ lại những câu chuyện này, mong rằng tích góp được một phần nhỏ nào đó trong muôn ngàn phương cách mang lại giá trị thực cho giáo dục.

Tôi nghĩ rằng khen thưởng kịp thời cho sự tiến bộ đáng kể từng năng lực, phẩm chất dành cho học sinh là việc rất cần thiết. 

Khi học sinh được tiếp thêm động lực, các em sẽ tự sản sinh năng lượng và sẽ mang đến cho giáo dục những giá trị đích thực, bất ngờ. 

Vậy nên, đừng vì những chỉ tiêu hay áp lực mà làm mất đi sự tự chủ của giáo viên. Hãy cởi mở và khích lệ để giáo viên mạnh dạn đánh giá nhận xét, động viên, khen thưởng tâm huyết hơn nữa với học sinh – những đứa trẻ mà họ vẫn luôn coi là “đứa con” thân yêu của mình.

Nhà giáo ưu tú Tô Ngọc Sơn

Nguồn: Vietnamnet

KỸ NĂNG CẦN BIẾT – NỘI DUNG KHÔNG THỂ BỎ QUA