Môn Tiếng Việt tiểu học: Mục tiêu bài dạy là chìa khóa vạn năng

Mục tiêu bài dạy là chìa khoá vạn năng giúp giáo viên chọn lựa con đường ngắn nhất đưa học sinh đến kho tàng tri thức một cách nhanh gọn và hiệu quả nhất.

Mục tiêu bài dạy trong các phân môn Tiếng Việt ở Tiểu học giúp giáo viên có những định hướng tốt cho việc hoạch định kế hoạch giảng dạy của mình khi đúng lớp. Mục tiêu bài dạy không những giúp giáo viên đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng mà còn giúp giáo viên lựa chọn, vận dụng đúng phương pháp, hình thức tổ chức trong quá trình giảng dạy. Từ đó, học sinh chiếm lĩnh kiến thức một cách nhẹ nhàng, hiệu quả và chuẩn xác nhất.

Thế nhưng thực tế hiện nay, việc xác định mục tiêu bài dạy vẫn còn rất nhiều giáo viên bỡ ngỡ, thiếu tự tin.

Căn cứ vào đâu để xác định mục tiêu? Mục tiêu bài dạy cần đảm bảo giúp học sinh đạt được những gì? Xác định mục tiêu bài dạy để làm gì?… Xoay quanh vấn đề này, nhiều câu hỏi rất hay được đặt ra. Những điều cần biết này đã giúp cho nhiều thế hệ nhà giáo thành công trong “sự nghiệp trồng người” của mình.

Cũng từ việc xác định đúng mục tiêu bài dạy đã làm phong phú hơn trong cách nghĩ, đa dạng hơn trong cách làm của nghề dạy học. Thầy cô sáng tạo, học trò sẽ tự tin, năng động.

Mục tiêu môn Tiếng Việt ở Tiểu học

Mục tiêu bài dạy cần đảm bảo đủ các nội dung: kiến thức, kĩ năng và thái độ. Để xác định được mục tiêu của một bài dạy, tiết dạy, trước hết giáo viên phải nắm thật vững mục tiêu của môn học.                                          

Theo Chương trình Giáo dục phổ thông cấp Tiểu hiện hành, môn Tiếng Việt ở cấp Tiểu học có 3 mục tiêu:

Hình thành và phát triển ở học sinh các kĩ năng sử dụng tiếng Việt (đọc, viết, nghe, nói) để học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi.

Thông qua việc dạy học tiếng Việt, góp phần rèn luyện các thao tác tư duy. Cung cấp cho học sinh những kiến thức sơ giản về tiếng Việt; về tự nhiên, xã hội và con người; về văn hoá, văn học của người Việt Nam và nước ngoài.

Bồi dưỡng tình yêu tiếng Việt và hình thành thói quen giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt; góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa cho học sinh.

Một số lỗi thường gặp khi thực hiện mục tiêu môn Tiếng Việt ở Tiểu học

Dạy phân môn chính tả hay luyện từ và câu, giáo viên chọn lựa và áp dụng những phương pháp tích cực như chia nhóm để học sinh giải quyết vấn đề, tìm ra kiến thức. Đây là việc làm đúng và phù hợp với xu thế hiện nay, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Nhưng đến khi tổ chức trình bày kết quả, giáo viên chỉ chọn lựa đại diện một hoặc hai nhóm nêu, các nhóm khác chỉ ngồi nghe. Trong khi mục tiêu chính của bài dạy, tiết dạy là luyện nói. 

Khi dạy phân môn Tập đọc giáo viên tổ chức cho học đọc theo vai hoặc tổ chức sắm vai khi học sinh đọc chưa đúng, chưa thành thạo, lưu loát. Cách tổ chức vội như thế không những không củng cố được kĩ năng đọc cho học sinh mà còn làm cho học sinh có thể hiểu sai lệch nội dung bài dạy. Nếu nhớ rõ mục tiêu chính của phân môn tập đọc là luyện đọc thì giáo viên đã không tổ chức sắm vai mà tăng thời lượng luyện đọc cá nhân để tất cả học sinh được đọc tốt.

Hay đối với phân môn Học vần, nếu giáo viên nắm được mục tiêu quan trọng nhất của phân môn này là rèn kĩ năng đọc thì khi gặp những bài có vần học sinh đọc còn khó khăn thì giáo viên cần giảm ngay thời gian luyện viết, luyện nói. Tăng thời gian luyện phát âm, đọc vần, tiếng, từ nhiều hơn sẽ giúp các em đọc tốt hơn.

Trong phân môn tập làm văn, giáo viên thường bỏ qua một hoạt động rất quan trọng là giúp học sinh luyện nói. Tiết tập làm văn thường chỉ yêu cầu các em viết rồi nộp bài, giáo viên chấm bài và sửa bài. Chúng ta đã bỏ quên đi mục tiêu chính là luyện nói rồi mới luyện viết. Học sinh được nói, giáo viên rất dễ dàng nhận ra cách dùng từ, hành văn của học sinh, các em sẽ được trao đổi, sửa chữa kịp thời, giáo viên hướng các em đến những ý tưởng đúng. Nói đúng sẽ viết đúng và đọc tốt.

Mục tiêu trọng tâm các phân môn Tiếng Việt ở Tiểu học

TTPhân mônMục tiêu trọng tâm nhất
1Học vần (lớp 1)Rèn kĩ năng đọc. 
2Tập đọc(lớp 1 – 5)Rèn kĩ năng đọc (đọc đúng: Đọc đúng từ, mạch lạc, thông thạo, trôi chảy; đọc hiểu: hiểu từ, câu, đoạn, bài; đọc hay – lớp 4, 5 – yêu cầu bước đầu đọc diễn cảm).
3Tập viết(lớp 1 – 3 )Rèn kĩ năng viết (viết đúng mẫu chữ, kiểu chữ, cỡ chữ, độ cao, liền nét, khoảng cách,…
4Chính tả(lớp 1 – 5)Rèn kĩ năng nghe, viết (viết đúng chính tả, đẹp, đảm bảo tốc độ) – kĩ năng viết là chính.
5Kể chuyện(lớp 1 – 5)Rèn kĩ năng nghe, nói.
6Luyện từ và câu (lớp 2 – 5)Rèn kĩ năng nói, viết (dùng từ, đặt câu. …)
7Tập làm văn (lớp 2 – 5)Rèn kĩ năng đọc, viết (viết đoạn văn bắt đầu từ lớp 2, viết bài văn bắt đầu từ lớp 3), nghe, nói.

Quy trình xác định mục tiêu 1 bài dạy, 1 tiết dạy

Mục tiêu nói trên đã được cụ thể hoá ở từng bài, từng khối lớp. Nếu giáo viên dạy học sinh đạt được mục tiêu của từng tiết học, bài học, học sinh sẽ đạt được mục tiêu của phân môn. Mục tiêu của từng phân môn góp phần hoàn thành mục tiêu của cả môn Tiếng Việt. Môn Tiếng Việt giúp giải mã và nâng chất các môn học khác.

Khi xác định mục tiêu cho 1 bài dạy, 1 tiết dạy, giáo viên lưu ý:

Cần thay đổi thói quen viết mục tiêu giảng dạy “cho thầy” bằng mục tiêu học tập “cho trò”. 

Những bài tập giáo viên được quyền lựa chọn, nên chọn lựa bài tập phù hợp với đặc điểm tình hình lớp học, địa phương trước khi xác định mục tiêu bài dạy, tiết dạy.

Kỹ năng học sinh cần cần đạt phải bao gồm việc vận dụng kiến thức Tiếng Việt học được vào lời nói giao tiếp thầy cô, bạn bè, … cả trong đời sống.

Xin giới thiệu một số bước mang tính gợi ý thực hiện quy trình xác định mục tiêu bài dạy, tiết dạy như sau:

Bước 1: Giáo viên căn cứ vào lịch báo giảng chi tiết của tổ khối chuyên môn xem tiết dạy, tên bài dạy.

Bước 2: Xem nội dung chính của bài trong SGK thuộc chủ điểm nào trong chương trình.

Bước 3: Đối chiếu Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp tiểu học.

Bước 4: Đối chiếu Chuẩn kiến thức, kĩ năng để xác định mục tiêu bài dạy, lựa chọn bài tập phù hợp với tình hình thực tế học sinh, với địa phương.

Bước 5: Căn cứ vào mục tiêu chính của bài để chọn các hoạt động dạy và học (nội dung, phương pháp, kĩ thuật dạy và học, hình thức tổ chức,…) phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện của lớp và xác định mục tiêu của từng hoạt động dạy và học để học sinh có thể đạt được mục tiêu chung của bài học.

Giáo viên chưa xác định đúng mục tiêu bài dạy thì rất khó khắc sâu được kiến thức, kĩ năng trọng tâm cho học sinh. Xác định đúng mục tiêu bài dạy môn Tiếng Việt Tiểu học phát huy tính tích cực học tập của nhiều học sinh, đảm bảo cho nhiều em được làm việc, được rèn luyện, học tập..

Tóm lại, đảm bảo và thực hiện tốt mục tiêu bài dạy là sự thành công tiết dạy. Chất lượng tiết dạy là sự chuyên nghiệp của một tay nghề, một giáo viên tích cực, một nhà giáo giỏi. Chắc chắn rằng khi xác định đúng mục tiêu bài dạy thì sau mỗi bài học, học sinh sẽ nhận ra rằng kiến thức không phải đâu xa vời, các em thật sự thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

NGƯT Tô Ngọc Sơn/ Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/