Luật Giáo dục mới nhất năm 2023 là Luật nào? Các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục mới nhất năm 2023?

Hiện nay rất nhiều người đặt câu hỏi Luật giáo dục mới nhất năm 2023 là Luật nào? Những văn bản được quy định mới nhất hướng dẫn luật Giáo dục?

Ngày 14/06/2019, Quốc hội ban hành Luật số 43/2019/QH14 (gọi chung là Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ 01 tháng 7 năm 2020.

Luật Giáo dục 2019 được xây dựng với 09 Chương – 115 Điều luật quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục.

Tính đến nay, chưa có quy định nào về việc sẽ có Luật giáo dục mới nhất thay thế Luật Giáo dục 2019.

Do vậy, năm 2023 tới đây vẫn chưa có Luật giáo dục mới nhất, Luật Giáo dục 2019 sẽ tiếp tục được áp dụng.

Những văn bản nào được sử dụng để hướng dẫn thi hành Luật giáo dục 2019?

Hiện nay, một số Nghị định được sử dụng để hướng dẫn thi hành Luật giáo dục 2019, bao gồm:

– Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

– Thông tư 23/2022/TT-BGDĐT về Điều lệ trường cao đẳng sư phạm do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

– Thông tư 20/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

– Nghị định 103/2022/NĐ-CP quy định về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân

– Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

– Thông tư 10/2022/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học viên học Chương trình xóa mù chữ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

– Nghị định 86/2021/NĐ-CP quy định về việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật

– Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

– Nghị định 24/2021/NĐ-CP quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập

– Thông tư 51/2020/TT-BGDĐT sửa đổi Chương trình Giáo dục mầm non kèm theo Thông tư 17/2009/TT-BGDĐT đã được sửa đổi bởi Thông tư 28/2016/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

– Thông tư 47/2020/TT-BGDĐT quy định việc lựa chọn đồ chơi, học liệu được sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

– Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non

– Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

– Nghị định 84/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giáo dục

– Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định về lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở

Mục tiêu giáo dục được quy định như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật Giáo dục 2019 quy định mục tiêu giáo dục như sau:

Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp. Có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Chương trình giáo dục phải đảm bảo những yêu cầu nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Luật Giáo dục 2019 quy định chương trình giáo dục phải đảm bảo những yêu cầu như sau:

– Chương trình giáo dục thể hiện mục tiêu giáo dục; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của người học; phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục; phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục; cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp học, mỗi cấp học hoặc các môn học, mô-đun, ngành học đối với từng trình độ đào tạo.

– Chuẩn kiến thức, kỹ năng, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực người học quy định trong chương trình giáo dục phải được cụ thể hóa thành sách giáo khoa đối với giáo dục phổ thông; giáo trình và tài liệu giảng dạy đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Sách giáo khoa, giáo trình và tài liệu giảng dạy phải đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục.

– Chương trình giáo dục được tổ chức thực hiện theo năm học đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ hoặc kết hợp giữa tín chỉ và niên chế đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.

– Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc thực hiện chương trình giáo dục và việc công nhận về giá trị chuyển đổi kết quả học tập trong đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp quy định tại Điều 8 Luật Giáo dục 2019

Nguồn: Thư viện Pháp Luật

Trả lời