Hướng dẫn lập dự toán tạo nguồn cải cách tiền lương năm 2022

Thủ tướng ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 23/7/2021 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. KỸ NĂNG CẦN BIẾT chia sẻ đến quý đọc giả Hướng dẫn lập dự toán tạo nguồn cải cách tiền lương năm 2022.

Theo đó, việc lập dự toán tạo nguồn cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu (phần NSNN đảm bảo), điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công như sau:

– Các bộ, cơ quan trung ương lập dự toán chi tạo nguồn cải cách tiền lương từ tiết kiệm chi thường xuyên và một phần thu sự nghiệp theo quy định của Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII) về thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Riêng các cơ quan, đơn vị hành chính ở Trung ương đang áp dụng cơ chế đặc thù theo phê duyệt của cấp thẩm quyền tự cân đối nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2022 theo Nghị quyết 27-NQ/TW, NSNN không hỗ trợ thêm.

– Các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW và Nghị định 60/2021/NĐ-CP, trong đó phải tự đảm bảo phần tiền lương tăng thêm phù hợp với mức tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên của đơn vị.
– Các địa phương tổng hợp, báo cáo dự toán chi tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII), trong đó:

Tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) và nguồn cải cách tiền lương lũy kế đến hết năm 2021 chuyển sang để thực hiện (bao gồm nguồn 70% tăng thu thực hiện của NSĐP năm 2021 chưa sử dụng hết – nếu có); sử dụng một phần nguồn thu của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP.

Xem thêm nội dung tại Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 23/7/2021.

Châu Thanh/ Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/

Trích nội dung chủ yếu của Chỉ thị 20/CT-TTg

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KTXH NĂM 2022

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương căn cứ yêu cầu tại mục I phần A, xây dựng báo cáo Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 với các nội dung chủ yếu, gồm:

1. Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2021

Trên cơ sở tình hình, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức đánh giá và ước thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2021 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý. Nội dung đánh giá phải đầy đủ, thực chất, chính xác các kết quả đạt được (đặc biệt nêu rõ thành tựu nổi bật của năm 2021), những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, trong đó có đánh giá các tác động của thiên tai, dịch bệnh như đại dịch Covid-19. Cụ thể:

a) Các bộ, cơ quan trung ương đánh giá theo các nhiệm vụ được giao tại Kết luận số 91-KL/TW ngày 22/10/2020 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 và các nghị quyết khác của Chính phủ về phát triển KTXH năm 2021. Trong đó, báo cáo đầy đủ việc thực hiện các chỉ tiêu đã được giao tại các Nghị quyết nêu trên theo mẫu tại Phụ lục kèm theo.

b) Các địa phương đánh giá theo các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2021.

2. Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022

Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 xây dựng trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, ảnh hưởng tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Kinh tế và thương mại toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Cạnh tranh chiến lược, căng thẳng thương mại giữa các nước diễn biến phức tạp. Thiên tai, dịch bệnh ngày càng gia tăng về cả tác động và cường độ… Tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa là thời cơ, vừa là thách thức.

Trong nước, tình hình chính trị – xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng lên,… Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế do chưa hoặc chậm được khắc phục cũng như về già hóa dân số, chênh lệch giàu nghèo, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn,…

Trong bối cảnh đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiên cứu, xác định các vấn đề cơ bản của Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

a) Bối cảnh xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, bao gồm nhận định, phân tích những cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro của bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH.

b) Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022.

c) Mục tiêu chủ yếu và một số cân đối lớn.

d) Các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiên cứu, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2022 bảo đảm thống nhất với mục tiêu chung, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương và những định hướng lớn, gồm:

– Thực hiện bằng được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Quyết tâm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Phấn đấu tiêm vắc-xin để đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022.

– Kế thừa và phát huy những kết quả công tác, khí thế thời gian qua; không chủ quan, tự mãn với thành tích đã đạt được; quán triệt, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực một cách hiệu quả và không hình thức, trước hết là trong hệ thống hành chính nhà nước; kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

– Tiếp tục xây dựng Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ đi đối với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bám sát thực tiễn, hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực thi trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động; tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước.

– Thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết, quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển KTXH 10 năm 2021-2030 và 5 năm 2021-2025. Chú trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh bằng các giải pháp phù hợp; chủ động xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng kéo dài.

– Quán triệt chủ trương phát triển kinh tế đi đối với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển KTXH. Quan tâm hơn nữa đến công tác an sinh xã hội và đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; bảo đảm mọi người dân đều có cơ hội tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển KTXH của đất nước. Tăng cường phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; ổn định chính trị – xã hội và an toàn, an ninh cho nhân dân; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; giữ vững độc lập, chủ quyền; tiếp tục xây dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.