Xét danh hiệu NGND, NGƯT: Cần bổ sung quy định để khuyến khích tài năng sư phạm

Là Nhà giáo ưu tú, tâm huyết với giáo dục, thầy Tô Ngọc Sơn (Trường ĐH Champasak, Lào) chia sẻ những đề xuất trong xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.

Cần bổ sung thêm nội dung để khuyến khích tài năng sư phạm

Đây là những đề xuất từ trải nghiệm của thầy Tô Ngọc Sơn qua nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục ở nhiều “vai”: Giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An (Cao Lãnh, Đồng Tháp); chuyên viên của phòng GD&ĐT; sở GD&ĐT Đồng Tháp; từng hướng dẫn sinh viên thực tập, chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy cho sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp; và hiện nay công tác tại một cơ sở giáo dục ĐH ở nước bạn Lào.

Nội dung đầu tiên được thầy Tô Ngọc Sơn đề xuất là tiêu chuẩn danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” cần bổ sung thêm nội dung để khuyến khích tài năng sư phạm. Cụ thể, trong thời gian xét tặng danh hiệu, nhà giáo hay cán bộ quản lý giáo dục có ít nhất 10 bài viết về chuyên môn, hoặc nội dung liên quan đến ngành được đăng tải trên tạp chí, những tuần báo chính thống của quốc gia hay nước ngoài.

Có thể quy đổi nội dung chủ trì 2 sáng kiến hoặc 2 đề tài nghiên cứu khoa học đã được áp dụng có hiệu quả trong giảng dạy và nội dung này được áp dụng cho tất cả các cấp học, bậc học, bao gồm cả hai đối tượng: Nhà giáo trực tiếp giảng dạy, cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

“Hiện nay, những chính kiến, những sáng kiến, những việc làm hay được đút kết từ nhà giáo nhà quản lý giáo dục được đăng tải trên báo chí, website chính thống của quốc gia còn hạn chế.” – thầy Tô Ngọc Sơn nhận định.

Góp ý về quy định thời gian cống hiến, thầy Tô Ngọc Sơn cho rằng đối với nhà giáo có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy chỉ nên tính từ 10 năm trở lên. Cán bộ quản lý giáo dục có thời gian công tác trong ngành từ 15 năm trở lên, trong đó có ít nhất 10 năm trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.

“Tôi thiết nghĩ, trong quá trình công tác 10 năm, 15 năm, một nhà giáo, một cán bộ quản lý mang đến cho nghề, cho ngành, cho sự nghiệp giáo dục đầy đủ những thành quả như các tiêu chí quy định là quá xứng đáng được xét tặng danh hiệu.” – thầy Sơn nêu quan điểm.

Ảnh minh họa/ITN

Bổ sung thành quả đặc biệt vượt trội

Về quy định các thành tích được thay thế tiêu chuẩn sáng kiến, đào tạo tiến sĩ áp dụng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”, theo thầy Tô Ngọc Sơn, cần bổ sung thành quả đặc biệt vượt trội mà nhà giáo, cán bộ quản lý đã được nhân dân, được chính quyền ghi nhận.

Chẳng hạn: Những nhà giáo, cán bộ quản lý có những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hay khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn, bệnh tật hiểm nghèo,… nhưng đã vượt lên chính mình, đóng góp được nhiều lợi ích cho ngành, cho xã hội được nhân dân, chính quyền địa phương các cấp khen tặng, nêu gương.

Đối với danh hiệu Nhà giáo nhân dân: Bảo lưu và kế thừa thành quả Nhà giáo ưu tú mang lại; đồng thời khuyến nghị đạt thêm những thành quả sau khi đạt được ở danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Đơn cử như: Chủ trì thêm được 1 sáng kiến hoặc 1 đề tài nghiên cứu khoa học đã được áp dụng có hiệu quả trong giảng dạy, giáo dục, được hội đồng sáng kiến, hội đồng khoa học cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp nghiệm thu; hoặc có ít nhất 5 bài viết về chuyên môn, về ngành, được đăng tải trên báo, website chính thống của quốc gia, của nước ngoài; hay có những thành quả vượt trội được ghi nhận như: Bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên, những công trình đóng góp được chính quyền các cấp ghi nhận (từ cấp huyện, thị trở lên),…

“Thời gian công tác của Nhà giáo nhân dân được cộng thêm 3 năm từ khi được ghi nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Cùng với đó, những thành quả mà Nhà giáo ưu tú đạt được cần được bảo lưu, duy trì và khuyến khích những thành quả tiếp theo, không nên huỷ bỏ sau khi xét lần đầu không đạt. Cứ sau thời gian 3 năm mà Nhà giáo ưu tú được ghi nhận thêm những thành quả đúng theo quy định thì cần phải được xem xét đánh giá trong lần xét tiếp theo.” – thầy Tô Ngọc Sơn góp ý thêm.

Góp ý cho dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” (thay thế Nghị định 27), một nhà giáo ở Thái Bình cho rằng, cá nhân từng bị xử lý kỷ luật thì không xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, vì đã là Nhà giáo ưu tú phải là tấm gương không tỳ vết; như vậy danh hiệu đó mới thực sự được tôn vinh, trân trọng.

Nhà giáo này cũng băn khoăn với nội dung dự thảo, quy định danh hiệu giáo viên giỏi được tính tương đương danh hiệu chiến sỹ thi đua. Lý do, giáo viên dạy giỏi chỉ xét cơ bản ở thành tích và số lượng giáo viên giỏi không giới hạn/trường. Còn danh hiệu chiến sỹ thi đua phải xét toàn diện trên các mặt, số lượng hạn chế, không quá 15% trên tống số cán bộ, giáo viên của trường.

Cũng băn khoăn ở dự thảo quy định lấy ý kiến người học, nhà giáo này lý giải: Giáo viên dạy giỏi, nhưng nghiêm khắc với học sinh, học sinh sẽ không thích; nhất là học sinh cấp tiểu học và THCS, các em chưa đủ nhận thức để hiểu và đánh giá về thầy cô của mình. Chỉ nên lấy ý kiến học sinh cấp THPT và sinh viên mới phù hợp.

Theo BÁO GIÁO DỤC VÀ THỜI ĐẠI