TỔNG HỢP NHỮNG TỪ DỄ VIẾT SAI CHÍNH TẢ

Mặc dù luật chính tả đã được quy định rất rõ tại Quyết định Số: 1989/QĐ-BGDĐT QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH TẢ TRONG CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG do BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ban hành ngày Ngày 25 tháng 5 năm 2018 nhưng do thói quen sử dụng và cách phát âm theo phương ngữ nên hiện nay có rất nhiều từ ngữ dễ nhầm lẫn, sai chính tả khi sử dụng.

KỸ NĂNG CẦN BIẾT đã tổng hợp các từ ngữ dễ mắc lỗi xin được chia sẻ. Mời mọi người cùng tham khảo!

B

bạc mạng | bạt mạng | (tính từ) >> bạt mạng: liều lĩnh, bất chấp tính mạng (khẩu ngữ).

Bác sĩ – Bác sỹ

 Từ bác sĩ – bác sỹ vốn rất quen thuộc với chúng ta. Nó được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau. Tuy nhiên, bác sĩ mới là cách viết đúng. Còn từ bác sỹ là sai chính tả. Bạn nên chú ý điều này nhé.

Bài trí/Bày trí

“Bày” thường được hiểu là bày biện, trưng bày. Cách hiểu này dẫn đến lỗi sai chính tả khi dùng từ “bày trí”. Trong từ điển chỉ có từ Bài trí với ý nghĩa sắp đặt, bày biện theo yêu cầu trang trí.

-> Từ đúng là: Bài trí.

bàng quan | bàng quang | bàng quan (tính từ); bàng: bên cạnh, bên ngoài; quan: xem, nhìn (chữ này không dùng một mình, mà phải đi kèm với một chữ khác để lập thành tiếng kép) >> bàng quan (tính từ): đứng ngoài mà xem, chứ không dự vào. Ví dụ: người bàng quan trước thời cuộc, người tiêu dùng bàng quan với sản phẩm mới. Bàng quang (danh từ): bọng đái, túi chứa nước tiểu.

C

Cảm ơn hay cám ơn? Nếu xét về nghĩa gốc, thì từ đúng sẽ là “cảm ơn”, và đây cũng là một từ hình thành từ gốc Hán (viết theo Hán tự là ). Từ “cảm” vốn được sử dụng với từ “cảm thụ”, “cảm nghĩ”, “cảm giác”, còn “ơn” là “ơn nghĩa”. Nói “cảm ơn” chính là để thể hiện rằng “Tôi đang cảm nhận sâu sắc ơn nghĩa của bạn”. Thế nhưng, do cách phát âm ở mỗi vùng miền khác nhau, chúng lại bị đọc thành “cám ơn”.

căn dặn | căn vặn | (động từ) căn dặn: dặn dò tỉ mỉ, cẩn thận (thường với người dưới); căn vặn: hỏi cặn kẽ đến cùng cốt cho lộ ra sự việc, hỏi cho ra lẽ.

chặn đường | chặng đường | chặn đường (động từ): cản trở, không cho người hoặc xe lưu thông trên đường; chặng đường (danh từ): một khoảng cách, một đoạn đường hoặc một khoảng thời gian tương đối dài (ví dụ: chặng đường kiến thiết đất nước).

chắp bút | chấp bút | (động từ) chấp: cầm, nắm, giữ, nhận, lấy, thực hành >> chấp bút: khởi thảo, thực hiện một văn bản, một công trình theo đề cương, theo hướng dẫn hoặc theo một sự chỉ đạo nào đó. Chắp: ghép lại, làm cho liền lại (chắp tay là hai bàn tay úp vào nhau cho liền với nhau), theo đó, dùng “chắp bút” giống như là ghép mấy cây bút vào nhau.

chín mùi | chín muồi | (tính từ) chín muồi: (trái cây) rất chín, chín đến giai đoạn ngon nhất; phát triển đến trình độ đầy đủ nhất, có thể chuyển sang giai đoạn khác. Ví dụ: điều kiện chín muồi.

chính chắn | chín chắn | (tính từ) chín chắn: thận trọng, đứng đắn.

chỉnh chu | chỉn chu | (tính từ) chỉn chu: chu đáo, cẩn thận (ăn mặc chỉn chu). Từ chỉnh chu là cách dùng sai có thể do nhầm lẫn với chỉnh trong hoàn chỉnh.

chua sót chua xót (tính từ) sót: bỏ quên, bỏ ra ngoài; xót: động lòng thương, nóng lòng >> chua xót: xót xa, đau đớn một cách thấm thía.

chuẩn đoán | chẩn đoán | (động từ) chẩn: xác định, phân biệt dựa theo những triệu chứng, dấu hiệu có sẵn; đoán: dựa vào cái có sẵn, đã thấy, đã biết để tìm cách suy ra điều chủ yếu còn chưa rõ hoặc chưa xảy ra >> chẩn đoán: có nghĩa là xác định bệnh, dựa theo triệu chứng và kết quả xét nghiệm.

Chuyện hay truyện?

Chuyện: là thứ được kể bằng miệng. Ví dụ: câu chuyện về người phụ nữ… Các từ thường gặp: kể chuyện, nói chuyện, trò chuyện, buôn chuyện, hóng chuyện…

Truyện: là được viết ra và được đọc. Ví dụ: quyển truyện cổ tích. Các từ thường gặp: tác phẩm truyện, văn bản truyện, viết truyện, đọc truyện, thưởng thức truyện…

cọ sát | cọ xát | (động từ) >> cọ xát: cọ đi cọ lại, xát vào nhau;  tiếp xúc, thử thách trong những hoàn cảnh, môi trường khó khăn và đa dạng.

D

dành giật | giành giật | dành (động từ): giữ lại để dùng về sau, để riêng cho ai hoặc cho việc gì (ví dụ: để dành, dành cho, dành dụm); giành (động từ): cố dùng sức lực để lấy về được cho mình, không để cho người khác chiếm lấy hoặc tiếp tục chiếm lấy, cố gắng để đạt cho được, tranh chấp cái gì đó (ví dụ: giành cúp, giành chức vô địch, giành quyền, tranh giành) >> giành giật: tranh cướp, cướp đoạt.

Giẫm đạp hay Dẫm đạp là đúng chính tả? 

Giẫm đạp hay Dẫm đạp đều mang ý nghĩa giày xéo một cách coi thường lên một thứ gì đó. Giẫm đạp và Dẫm đạp cũng giống như giẫm chân hay dẫm chân cả hai từ này điều đúng. Tuy nhiên giẫm đạp được dùng phổ biến hơn từ dẫm đạp.

dấu diếm | giấu giếm | (động từ) dấu: 1. yêu (yêu dấu), 2. vết (dấu vết); giấu: cất, không cho ai biết >> giấu giếm: cất đi, giữ kín không cho ai biết.

dè xẻn | dè sẻn (động từ) : dành để, kiêng nể; sẻn: hà tiện quá, chặt chẽ quá >> dè sẻn: tằn tiện, tự hạn chế chi dùng quá mức.

Dục hay giục?

Dục: Nói về chức năng sinh lý của cơ thể hoặc ham muốn. Ví dụ: thể dục, giáo dục, dục vọng.

Giục: Nói về sự hối thúc. Ví dụ: giục giã, xúi giục, thúc giục.

Đ

đầy ấp | đầy ắp | (tính từ) ắp: đầy quá; ấp: phủ cho nóng (ôm ấp) >> đầy ắp: đầy đến mức không thể chứa thêm được nữa.

đề huề | đuề huề | (từ Hán Việt) đề huề nghĩa cũ là nắm tay nhau dắt đi, cùng nhau làm việc, giúp đỡ nhau, ngày nay ta còn hiểu là đông đủ vui vẻ cả. Đuề huề là cách dùng sai chính tả (nhưng cũng ít gặp).

điểm xuyến | điểm xuyết | (động từ) điểm: chấm nhỏ, vết nhỏ; xuyết: trang điểm, tô điểm >> điểm xuyết: sửa sang, tô vẽ cho thêm đẹp.

đọc giả | độc giả | (danh từ) độc: đọc; giả: người >> độc giả: người đọc. 

đường xá | đường sá | (danh từ) : phần đất tạo thành một đường dài, đã được cày lật lên hoặc bừa cho nhỏ, nhuyễn >> đường sá: đường đi lại trên bộ. Ví dụ dễ nhớ là “đường sá xa xôi”.

G

giả thuyết | giả thiết | giả thuyết: luận điểm mới trong khoa học (để giải thích một hiện tượng tự đó và tạm được chấp nhận, chưa được kiểm nghiệm, kiểm chứng); giả thiết: quy ước cho trước trong một định lí hay một bài toán để căn cứ vào đó mà suy ra kết luận của định lí hay để giải bài toán.

Dữ là gì? Và giữ có nghĩa thế nào?

Dữ: là tính từ chỉ tính cách. Ví dụ: dữ dằn, giận dữ, dữ tợn, hung dữ, dữ dội…

Giữ: là động từ chỉ việc sở hữu, bảo vệ. Ví dụ: giữ của, giữ gìn, giữ xe, giữ đồ…

H

hàm xúc hàm súc | (tính từ) hàm: chứa đựng; súc: chứa, cất >> hàm súc: cô đọng, ngắn gọn nhưng chứa nhiều ý tứ sâu sắc.

hàng ngày | hằng ngày | (phó từ) hằng: không đổi, mãi mãi, luôn luôn thế, bao giờ cũng vậy >> hằng ngày: ngày nào cũng vậy. Tương tự với các từ hằng tháng, hằng năm,… Hàng vốn có nghĩa là hạng, cỡ (hàng đầu = hạng một), ngoài ra còn một số nghĩa khác dùng trong các trường hợp hàng hoá, đầu hàng, xếp hàng,… Hàng ngày có thể tạm hiểu là nhiều ngày, nhưng không phải là việc gì mang tính lặp lại, không đổi như hằng ngày.

K

khắc khe | khắt khe | (tính từ) khắt khe: Quá nghiêm khắc, chặt chẽ, yêu cầu cao, đến mức có thể hẹp hòi, cố chấp trong sự đối xử, đánh giá. Khắc khe là cách dùng sai chính tả có thể do cách phát âm của người Nam Bộ.

khẳng khái | khảng khái | (tính từ) khảng khái: Khảng khái là hào hiệp, hào phóng, rộng rãi. Khẳng khái là cách dùng sai chính tả có lẽ do sự lây nghĩa/lây âm của khẳng trong khẳng định.

Khuyến mãi | khuyến mại? Nếu phân tích theo nghĩa Hán Việt thì “mãi” có nghĩa là mua. Còn từ “mại” trong từ Hán Việt lại là bán. Chính vì thế khi muốn khuyến khích người mua hàng, kích cầu tiêu dùng thì chúng ta nên dùng từ “khuyến mãi” thì chính xác hơn thay vì “khuyến mại’.

Khoảng hay khoản?

Khoảng: Chỉ một vùng không gian, thời gian, độ dài bị giới hạn. Ví dụ: khoảng cách, khoảng không. Khoảng cũng dùng để chỉ sự ước lượng, ví dụ: nhóm người khoảng chục người; có khoảng hai chục cái…

Khoản: Chỉ một mục, một bộ phận. Ví dụ: tài khoản, điều khoản, khoản tiền.

L

lãng mạng | lãng mạn | (tính từ) lãng: bát ngát; mạn: dài rộng, mênh mông >> lãng mạn là từ chuyển nghĩa, nghĩa là lí tưởng hoá hiện thực, vượt lên trên hiện thực.

M

mải mê | mãi mê | mải: dồn tâm trí vào một việc đến mức quên những việc khác >> mải mê (hay mê mải): mê quá, mê lắm . Ví dụ: mải chơi là mê chơi. Mãi: kéo dài một cách liên tục, không ngừng, không muốn dứt >> mãi mê (hay mê mãi) là mê hoài không thôi. Ví dụ: chơi mãi là chơi không nghỉ.

mùi mẫn | muồi mẫn | (tính từ) tương tự như “chín muồi” >> muỗi mẫn là cách dùng đúng.

N

nhận chức | nhậm chức | (động từ) nhậm: gánh vác công vụ, nhiệm vụ; chức: chức trách, việc quan, bổn phận >> nhậm chức: giữ chức vụ, gánh vác, đảm đương chức vụ.

nói suôn | nói suông | (cụm động từ) nói suôn: nói trôi chảy, không vấp váp; nói suông: nói mà không làm.

Nỗ lực/Nổ lực

Vì một thế giới hòa bình, bạn đừng biến “nỗ lực” thành ngòi… “nổ”.

-> Từ đúng là: Nỗ lực.

P

phong phanh | phong thanh | phong thanh: tiếng gió >> nghe phong thanh: nghe loáng thoáng, nghe lời đồn; phong phanh: mỏng manh, đơn sơ >> ăn mặc phong phanh: ăn mặc đơn sơ, mỏng manh, không đủ ấm. Cách dùng “nghe phong phanh” là cách dùng sai chính tả.

phố sá | phố xá | (danh từ) : nhà ở, khách quán, quán trọ (hay dùng trong “quán xá”, “kí túc xá”) >> phố xá: phố có các hàng quán.

R

Rảnh rỗi/Rãnh rỗi

Rãnh là cống rãnh, mương rãnh, và nó vô nghĩa khi đi với từ “rỗi”.

-> Từ đúng là: Rảnh rỗi.

S

sáng lạng | xán lạn | (tính từ) xán: rực rỡ; lạn: sáng sủa >> xán lạn: tươi sáng rực rỡ.

Sao nhãng/Xao lãng

“Xao nhãng” hay “xao lãng” là từng là cách dùng khác của “sao nhãng”, tuy không sai nhưng hiện nay chúng thuộc nhóm từ cũ, ít người dùng.

-> Từ đúng là: Sao nhãng.

sát nhập | sáp nhập | (động từ) sáp: cắm vào, cài vào; nhập: vào, đưa vào >> sáp nhập: nhập chung lại, gộp chung lại. Sát: ngay bên cạnh, không còn khoảng cách. Cách dùng “sát nhập” tuy cũng được chấp nhận nhưng không thật sự xác đáng.

se sua | xe xua | (tính từ) se sua là phương ngữ Nam Bộ, nghĩa là làm đỏm, đua đòi chưng diện, có khi dùng với nghĩa khoe khoang, phô trương. Xe xua là cách viết sai do ảnh hưởng của việc phát âm.

sớn sác | xớn xác | (vị từ) sớn sác là nhớn nhác, vô ý, không chú tâm, không cẩn thận nên dẫn đến sai sót. Xớn xác là cách viết sai do ảnh hưởng của việc phát âm.

suông sẻ | suôn sẻ | (tính từ) suôn: thẳng liền một đường >> suôn sẻ: trôi chảy, liền mạch, không khó khăn, vấp váp.

Sum suê/Sum sê/Xum Xê

“Xum xuê” tuy cách đọc nhẹ nhàng hơn nhưng không phải là từ đúng. Và thật ngạc nhiên, sum suê hay sum sê đều là cách viết đúng.

-> Từ đúng là: Sum suê, sum sê.

T

thăm quan | tham quan | (động từ) tham: thêm vào; quan: quan sát, nhìn nhận >> tham quan: đi tận nơi để quan sát, mở rộng hiểu biết. [Đồng âm khác nghĩa với từ “tham quan” (danh từ) chỉ viên quan tham lam.]

Trau dồi/Trao dồi

Hãy luôn trau dồi ngữ pháp và quy tắc chính tả trong tiếng Việt để tránh xa từ “trao dồi” bạn nhé!

-> Từ đúng là: Trau dồi.

tri thức | trí thức | (danh từ) tri thức: những điều hiểu biết có hệ thống về sự vật, hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội; trí thức: người chuyên lao động trí óc và có tri thức chuyên môn.

tự tôn | tự trọng | tự tôn (tính từ): tự mình coi trọng mình, tự biết giá trị của mình nên đòi hỏi được người khác tôn trọng, không muốn làm những việc ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của mình, có thể hiểu là sự tự hào về giá trị chân chính của bản thân. Tự trọng (động từ): coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình; đôi khi được dùng như tính từ (lòng tự trọng).

tựu chung | tựu trung | tựu: tới (tề tựu); trung: ở giữa, trong, bên trong >> tựu trung: tóm lại, điều sắp nêu ra là cái chung, cái chính trong những điều vừa nói đến.

V

vãn cảnh | vãng cảnh | (cụm động từ) vãng: đi đến; cảnh: phong cảnh >> vãng cảnh: đi đến ngắm cảnh. Ví dụ: vãng cảnh chùa, vãng lai (đi qua đi lại, qua lại).

vô hình chung | vô hình trung | vô hình trung: trong cái vô hình; tuy không có chủ định, không cố ý nhưng tự nhiên lại là (tạo ra, gây ra việc gì đó).

X

xạo xự | xạo sự | (vị từ) xạo xự nghĩa là nói xạo, nói quá lên, nói cho rộn bộ chứ không xác thực gì cả. Từ này đại đa số nhầm thành xạo sự với cách hiểu “sự” là chuyện.

xoay sở | xoay xở | (động từ) xoay xở: làm hết cách này đến cách khác để giải quyết vấn đề. Xoay sở là cách viết sai chính tả của xoay xở.

Xuất hay suất?

Xuất: là động từ có nghĩa là ra. Ví dụ: sản xuất, xuất hiện, xuất bản, xuất khẩu, xuất hành, xuất phát, xuất xứ, xuất nhập… “Xuất” còn có nghĩa là vượt trội, siêu việt. Ví dụ: xuất sắc, xuất chúng…

Suất: là danh từ có nghĩa là phần được chia. Ví dụ: suất ăn, tỉ suất, hiệu suất…

xúc tích | súc tích |(tính từ) súc: chứa, cất; tích: dồn lại >> súc tích: ngắn gọn và đầy đủ.

Y

yếu điểm | điểm yếu | (danh từ) yếu: quan trọng; điểm: chỗ, vị trí >> yếu điểm: chỗ quan trọng; còn điểm yếu mới thật sự là… điểm yếu, từ Hán – Việt là “nhược điểm”. Cách dùng “yếu điểm của cô ấy là thiếu tự tin” là cách dùng sai chính tả.

Dinh Phương (tổng hợp)