Giải mã 5 câu đố về cái nhất ở Việt Nam mà trên 90 % người trả lời sai

Trong số các tỉnh ở Việt Nam, tỉnh nào là nơi có mật độ dân số cao nhất?; đông dân nhất?, diện tích lớn nhất?, diện tích trồng lúa lớn nhất?, đông dân nhất? Đã có trên 90% người trả lời sai. Hãy cùng KỸ NĂNG CẦN BIẾT giải mã 5 câu đố thú vị về cái nhất Việt Nam nhé!

Câu 1: Đâu là tỉnh có mật độ dân số cao nhất ?

Bắc Ninh nằm ở cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội, trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Bắc Ninh rộng 822,7 km2 – nhỏ nhất trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dân số Bắc Ninh hơn 1,3 triệu, mật độ dân số 1.664 người/km2, đứng đầu các tỉnh và đứng thứ ba cả nước (sau TP HCM và Hà Nội).

Những tỉnh có mật độ dân số thấp nhất cả nước, dưới 100 người/km2, gồm Lai Châu, Điện Biên, Kon Tum, Bắc Kạn.

Câu 2: Tỉnh nào có thành phố trực thuộc đông dân nhất?

Đó là TP Biên Hòa thuộc Đồng Nai

Đồng Nai là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, dân số đông thứ năm cả nước, sau TP HCM, Hà Nội, Nghệ An và Thanh Hóa.

Trung tâm của Đồng Nai là TP Biên Hòa. Phía Bắc thành phố giáp huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai; phía Tây giáp TP Thủ Đức, TP HCM; phía Tây Bắc giáp TP Dĩ An và thị xã Tân Uyên, Bình Dương.

TP Biên Hòa rộng 264 km2 với dân số khoảng 1,2 triệu người. Đây là thành phố thuộc tỉnh đông nhất cả nước. Các thành phố thuộc tỉnh khác thường có dân số khoảng 100.000-600.000 người.

Biên Hòa có lịch sử phát triển lâu đời. Với sự kiện một bộ phận người Hoa “phản Thanh phục Minh” vào định cư xứ Bàn Lân năm 1679, Biên Hòa trở thành trung tâm giao thương mua bán của các vùng miền trong nước và thương khách nước ngoài. Người Hoa, người Việt xây dựng nên thương cảng Cù Lao Phố sầm uất trên bến dưới thuyền.

Mùa xuân năm Mậu Dần 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất phía Nam. Ông lấy đất Đồng Nai lập phủ Gia Định với hai huyện Tân Bình (Sài Gòn) và Phước Long (tức Biên Hòa ngày nay).

TP Biên Hòa hiện có tốc độ đô thị hóa nhanh, tập trung nhiều khu công nghiệp, thương mại.

Câu 3: Tỉnh nào có diện tích trồng lúa lớn nhất cả nước?

Đó là tỉnh Kiên Giang

Theo Tổng cục Thống kê, đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á. Đây là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam với diện tích tự nhiên hơn 4.000 ha.

Riêng về lúa, diện tích gieo trồng của vùng luôn đứng đầu Việt Nam, chiếm khoảng 52% tổng diện tích trồng lúa cả nước. Đóng góp lớn vào sản lượng lúa của đồng bằng sông Cửu Long là các tỉnh Kiên Giang, An Giang và Đồng Tháp. Ba địa phương này chiếm gần 50% sản lượng lúa toàn vùng.

Kiên Giang là tỉnh có diện tích gieo trồng lúa hàng năm lớn nhất nước. Theo Cổng thông tin điện tử Kiên Giang, diện tích gieo trồng lúa cả năm 2019 đạt hơn 722.000 ha, sản lượng khoảng 4,3 triệu tấn.

Kiên Giang là một tỉnh ven biển, rộng hơn 6.348 km2 với dân số hơn 2 triệu người. Đây là tỉnh rộng nhất Tây Nam Bộ và rộng thứ hai Nam Bộ, sau Bình Phước.

Câu 4: Tỉnh nào đông dân nhất Tây Nam Bộ?

Đó là tỉnh An Giang

Tây Nam Bộ (vùng đồng bằng sông Cửu Long) gồm 13 tỉnh, thành: TP Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Theo Niên giám thống kê 2020 của Tổng cục Thống kê, Tây Nam Bộ có diện tích hơn 40.000 km2 với dân số hơn 17,3 triệu người. Trong đó, địa phương đông dân nhất là An Giang với hơn 1,9 triệu người; chủ yếu là người Kinh, Khmer, Chăm và Hoa.

Tỉnh An Giang rộng hơn 3.536 km2, đứng thứ tư về diện tích ở Tây Nam Bộ; sau Kiên Giang, Cà Mau và Long An. Phía Đông tỉnh An Giang giáp Đồng Tháp; phía Bắc và Tây Bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài gần 104 km; phía Tây Nam giáp Kiên Giang; phía Nam giáp Cần Thơ.

Theo Cổng thông tin điện tử An Giang, người Việt bắt đầu đến vùng đất An Giang từ lúc nào. Đến nay chưa thấy sử sách ghi chép rõ ràng. Tuy nhiên, theo truyền thuyết dân gian và một số vết tích còn lại; một số nhóm người Việt gốc miền Trung vào đây từ rất lâu.

An Giang là một trong sáu tỉnh đầu tiên ở Nam Kỳ (Nam Kỳ lục tỉnh) vào thời nhà Nguyễn độc lập; thành lập năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Tỉnh An Giang bị giải thể dưới thời Pháp thuộc và sau đó lại tái lập; tồn tại từ cuối năm 1956 cho đến ngày nay.

Câu 5: Tỉnh thành nào có diện tích lớn nhất miền Nam?

Bình Phước có diện tích lớn nhất miền Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2016 Bình Phước có diện tích 6.876,6 km2; lớn nhất trong 19 tỉnh thành phía Nam. Địa phương có diện tích rộng thứ hai là Kiên Giang với 6.348,7 km2; thứ ba là Đồng Nai với 5.863,6 km2.

Tỉnh Bình Phước thuộc vùng Đông Nam Bộ, ở vị trí trung chuyển giữa vùng này với Nam Tây nguyên. Phía đông tỉnh giáp 3 tỉnh Đăk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai; phía nam giáp tỉnh Bình Dương; phía tây giáp tỉnh Tây Ninh và Campuchia; phía Bắc tiếp giáp tỉnh Krachê và Mundukini (Campuchia).

Theo cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh Bình Phước, địa phương có địa hình đa dạng; gồm cả cao nguyên, đồi núi và đồng bằng. Đất đai thích hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày; có giá trị kinh tế rất cao như: tiêu, điều, cà phê, cao su… 

Địa bàn tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó chiếm tỷ lệ lớn là dân tộc thiểu số; đặc biệt là người S’Tiêng. Bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo của cố nhạc sĩ Xuân Hồng; đã lấy chất liệu thực tế từ đời sống chiến đấu chống Mỹ; giữ đất quê hương của đồng bào S’Tiêng ở sóc Bom Bo (tỉnh Bình Phước). Một số dân tộc ít người khác sinh sống tại tỉnh này là: Hoa, Khmer, Nùng, Tày…

Theo https://vnexpress.net/