Thực hư tác dụng của thức uống chữa Covid-19 từ gừng, sả, chanh… đang lan truyền trên MXH. Theo các chuyên gia y tế, đây là cách chữa bệnh không có căn cứ và cơ sở khoa học, các loại nguyên liệu trên chỉ có tác dụng hỗ trợ giúp phòng ngừa viêm nhiễm hô hấp, không có hiệu quả chữa bệnh.
Hiện nay, trên mạng loan truyền mạnh các bài thuốc dân gian phòng ngừa và chữa bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 gây ra như: Uống nước tỏi, uống hỗn hợp chanh + sả + gừng + mật ong… Thông tin này khiến nhiều người dân đổ đi mua các mặt hàng này với số lượng lớn.
Theo phản ánh trên báo chí, những ngày gần đây, nhiều siêu thị, cửa hàng bách hóa đều ghi nhận tình trạng người dân mua gừng củ, sả tươi, tỏi, hành với số lượng lớn.
Tuy nhiên, thực tế, các loại nguyên liệu trên chỉ có tác dụng hỗ trợ giúp phòng ngừa, không có tác dụng chữa bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương thông tin trên báo chí, cho rằng người dân cần cẩn trọng về những loại thức uống được người dùng mạng xã hội “nâng cấp” thành bài thuốc đông y và đang trôi nổi trên mạng hiện nay. Đây là cách chữa bệnh không có căn cứ và cơ sở khoa học, không xuất phát từ cơ sở thực tế bệnh lý nên không thể có hiệu quả trong việc phòng hay chữa bệnh.
Cũng theo bác sĩ Cấp phân tích, nguyên tắc của đông y là căn cứ vào triệu chứng của bệnh nhân để họ biện luận bệnh lý, từ đó luận ra cách trị. Khi thầy thuốc không biết bệnh ấy là gì, thậm chí chưa nhìn thấy tận mắt, chưa gặp, chưa được bắt mạch… thì dựa vào cái gì để làm cơ sở đưa ra hướng điều trị?.
Cách làm nước gừng, sả, chanh giúp phòng ngừa viêm nhiễm đường hô hấp
Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng và uống nhiều nước có thể cung cấp các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể và giúp cơ thể không bị thiếu nước, giúp dự phòng nhiễm bệnh do Covid-19 gây ra cũng như đẩy nhanh quá trình hồi phục bệnh.
Cũng theo Cục An toàn thực phẩm -Bộ Y tế, nước gừng, chanh, sả, mật ong có công dụng giúp làm sạch đường hô hấp trên; Phòng ngừa viêm nhiễm đường hô hấp và virus Corona.
Nguyên liệu cần có: Chanh ta: 5 quả. Rửa sạch, lột lấy vỏ; Sả: 15 củ. Rửa sạch, đập dập; Gừng tươi: 1 củ. Rửa sạch, để nguyên vỏ, thái lát mỏng; Mật ong: 2 thìa canh (20ml).
Cách làm: Đun sôi nước, cho sả đập dập vào đảo đều, cho vỏ chanh và gừng tươi thái lát vào, đảo đều. Đun liu riu khoảng 2-3 phút, tắt lửa, đậy vung. Chắt ra lọ/bình thủy tinh, cho 2 thìa mật ong khuấy đều.
Cách dùng: Uống ấm. Mỗi lần dùng 1 ly 100ml (sáng ngủ dậy, giữa ngày và trước khi đi ngủ).
Còn theo trang tin về dịch bệnh đường hô hấp cấp của Bộ Y Tế, gừng và sả tươi là hai trong số những thực phẩm giàu dinh dưỡng giúp dự phòng nhiễm Covid-19 cũng như đẩy nhanh quá trình hồi phục bệnh.
Đây là những thực phẩm phổ biến được sử dụng trong việc chữa trị các triệu chứng như ho, sổ mũi, cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào về mức độ tác động cụ thể của các thực phẩm này đến quá trình phòng chống và chữa trị khi mắc Covid-19.
Ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) cho biết trên báo chí, nhấn mạnh hiện nay tất cả khuyến cáo của Bộ Y tế nhằm bảo đảm sức khỏe người dân trước dịch Covid-19 đã có. Thay vì tin và tìm kiếm các bài thuốc trôi nổi trên mạng xã hội, mỗi người hãy thực hiện theo các hướng dẫn được Bộ Y tế công bố.
Cách phòng bệnh hiệu quả nhất là thường xuyên rửa tay với xà phòng, hạn chế tụ tập nơi đông người, tăng cường dinh dưỡng, tập thể dục để nâng cao thể trạng…
Theo BS. CK.II Huỳnh Tấn Vũ chia sẻ trên Báo SKĐS, cho rằng, có một hệ lụy khác khi lan truyền các bài thuốc dân gian trên mạng là khiến mọi người nhầm lẫn rằng thuốc này có công hiệu phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 nên không áp dụng hoặc lơ là các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu hiện nay: mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế đám đông, khi tiếp xúc với người bị sốt, ho phải có sự phòng vệ…
Bác sĩ Vũ nhận định, bài thuốc trên mạng về kết hợp gừng, chanh, sả,… vẫn có thể dùng để cải thiện sức khỏe khi thời tiết giao mùa và giúp tăng cường sức đề kháng chỉ dùng trong thời gian nhất định theo chỉ định chứ không dùng nhiều, dùng trong thời gian dài ảnh hưởng đến sức khỏe, và cũng không được xem đây như là thần dược, bài thuốc chính thống phòng dịch corona.
Có phương pháp điều trị Covid-19 không?
Theo trang tin hệ thống tiêm chủng VNVC, cho đến nay, Thế giới vẫn chưa có loại thuốc nào được khuyến nghị để ngăn ngừa hoặc điều trị corona virus. Bệnh nhân nhiễm Covid-19 khi nhập viện được điều trị bằng nhiều phương pháp, từ thở oxy đơn giản đến các thủ thuật xâm lấn, hiện đại nhất là ECMO.
Cách điều trị Covid-19 hiện tại tuy không trực tiếp chữa khỏi Covid-19 nhưng đó đang là cách tốt nhất góp phần hỗ trợ bệnh nhân chống chọi với virus gây đại dịch.
Trong các nỗ lực đối phó với dịch Covid-19 trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế Giới WHO đã chọn một số quốc gia để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá hiệu quả của một số loại thuốc tiềm năng điều trị Covid-19. Tuy nhiên, chưa có loại thuốc nào được chứng minh có hiệu quả.
Cho đến nay, ngoài việc điều trị triệu chứng do Covid-19, cả thế giới vẫn đang trông chờ vào những loại vắc xin có thể phòng ngừa đại dịch này. Đến nay, đã có hơn 100 loại vắc xin của hơn 40 quốc gia đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm.
Thực hiện tốt thông điệp 5K và tiêm vắc xin phòng Covid-19 là biện pháp lâu dài để phòng chống dịch Covid-19. Ảnh minh họa.
Tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19
Hiện nay, tiêm vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là biện pháp lâu dài để phòng chống dịch Covid-19, đồng thời tăng tỷ lệ miễn dịch phòng Covid-19 trong cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Tiêm vắc xin Covid-19 cũng giúp tránh cho bệnh trở nặng ngay cả khi chúng ta mắc bệnh.
Mọi người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế cần thực hiện tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19 theo chương trình tiêm chủng của Bộ Y tế.
Khi tham gia tiêm vắc xin cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Ngoài ra trong quá trình nằm viện cần thực hiện việc xét nghiệm sàng lọc phát hiện nhiễm SARS-CoV-2.
Có thể xét nghiệm trước khi nhập viện cho cả người bệnh, người nhà người bệnh, xét nghiệm ngẫu nhiên trong quá trình nằm viện… để phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm không có triệu chứng, từ đó có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả tránh để dịch lây lan rộng trong bệnh viện.
Cách phòng ngừa Covid-19 (quy tắc 5K)
Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, Việt Nam tiếp tục nỗ lực không ngừng để đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Vì vậy, hơn lúc nào hết chúng ta cần tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, cần tiếp tục lan tỏa và thực hiện tốt Thông điệp 5K để giữ an toàn cho bản thân và xã hội trước đại dịch Covid-19.
Bộ Y tế kêu gọi người dân phòng chống dịch Covid-19 với thông điệp 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế.
Khẩu trang: Đeo khẩu trang vải đúng cách tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
Khử khuẩn: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch, hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Giữ vệ sinh nhà cửa thông thoáng, khử khuẩn các bề mặt như tay nắm cửa, điện thoại, mặt bàn, ghế…
Khoảng cách: Giữ khoảng cách tiếp xúc an toàn với người khác.
Không tụ tập đông người.
Khai báo y tế: thực hiện khai báo y tế.
Phạm Hiền/ Nguồn: Giáo dục và Thời đại