KỸ NĂNG CẦN BIẾT trân trọng giới thiệu đến quý Phụ huynh, quý thầy cô và các em học sinh Bộ sách giáo khoa lớp 6 – Kết nối tri thức với cuộc sống.
Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống lớp 6 bao gồm 11 môn học: SGK, lời giải SGK, SBT đầy đủ các môn học. Mời quý thầy cô, các em học sinh, các bậc phụ huynh theo dõi sách giáo khoa lớp 6 Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
1. Toán lớp 6
Tác giả
- Hà Huy Khoái (Tổng Chủ biên), Nguyễn Huy Đoan (Chủ biên),
- Nguyễn Cao Cường, Trần Mạnh Cường, Doãn Minh Cường, Sĩ Đức Quang, Lưu Bá Thắng
Tư tưởng biên soạn chủ đạo của SGK Toán 6 là kết nối tri thức với cuộc sống, chú trọng tích hợp và phát triển năng lực. Cấu trúc bài học theo quy trình dạy học bốn bước Khởi động, Hình thành kiến thức, Luyện tập, Vận dụng giúp GV dễ dàng chuẩn bị bài giảng mà không mất nhiều thời gian. Các hoạt động học tập được thiết kế nhằm hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học.
Nội dung được tích hợp liên môn, gần gũi với thực tế đời sống giúp HS dễ học, dễ nhớ và có thể tự học. Kiến thức được xuất phát từ các tình huống thực tế và được vận dụng vào giải quyết các bài toán trong cuộc sống. Sách tạo nhiều cơ hội để HS phát triển năng lực, vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong đời sống.
Sách có màu sắc tươi sáng, hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi, có sự đồng hành của ba bạn TRÒN, VUÔNG và PI làm cho việc học tập trở nên vui vẻ, thích thú. Sách có kênh chính, kênh phụ giúp linh hoạt trong trình bày.
Sơ đồ tư duy tổng hợp kiến thức cuối mỗi chương khoa học, dễ nhớ. Kĩ năng cần nhớ ở đầu mỗi bài và hệ thống bài tập được lựa chọn cơ bản và sắp xếp hợp lí ở cuối bài góp phần hỗ trợ GV trong việc kiểm tra đánh giá. Nhiều bài tập có kết nối với thực tiễn hoặc tích hợp với một số môn học khác.
2. Ngữ Văn lớp 6
Tác giả
Tập một
- Bùi Mạnh Hùng (Tổng Chủ biên), Nguyễn Thị Ngân Hoa (Chủ biên)
- Nguyễn Linh Chi, Nguyễn Thị Mai Liên, Lê Trà My, Lê Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Nương, Nguyễn Thị Hải Phương
Tập hai
- Bùi Mạnh Hùng (Tổng Chủ biên), Nguyễn Thị Ngân Hoa (Chủ biên)
- Phan Huy Dũng, Phạm Đặng Xuân Hương, Đặng Lưu, Nguyễn Thanh Tùng
Ngữ văn 6 có 10 bài học, chia đều cho hai tập tương ứng với hai học kì. Các bài học được sắp xếp, lồng ghép hệ thống thể loại và hệ thống chủ điểm, bảo đảm mục tiêu phát triển hiệu quả năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học cho HS, đồng thời khơi gợi được trải nghiệm, hứng thú của người học, qua đó bồi dưỡng cho các em những đức tính, phẩm chất tốt đẹp.
Mỗi bài học được thiết kế theo các hoạt động đọc, viết, nói và nghe. Nội dung của các hoạt động được kết nối, tích hợp chặt chẽ với nhau. Các kiến thức tiếng Việt và kiến thức văn học được cài đặt dựa vào yêu cầu phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học trong mỗi bài học.
Hệ thống ngữ liệu có tính thẩm mĩ cao, giàu tính nhân văn, gần gũi với thực tiễn cuộc sống, được khai thác thông qua các phương pháp dạy học Ngữ văn hiện đại.
Quy trình đọc, viết, nói và nghe được trình bày cụ thể và tường minh, thuận lợi cho việc tổ chức dạy học ở lớp. HS cũng có thể dùng sách này để tự học.
Sách có hình thức thiết kế hiện đại, tiếp cận với SGK của các nước phát triển; in 4 màu, có nhiều hình ảnh minh hoạ và hấp dẫn đối với người đọc.
3. Lịch sử Địa lí lớp 6
Tác giả
- Vũ Minh Giang (Tổng chủ biên xuyên suốt phần Lịch sử) , Nghiêm Đình Vỳ (Tổng chủ biên cấp THCS phần Lịch sử)
- Đinh Ngọc Bảo (Chủ biên phần Lịch sử), Phan Ngọc Huyền, Phạm Thị Thanh Huyền, Hoàng Anh Tuấn
- Đào Ngọc Hùng (Tổng chủ biên kiêm Chủ biên phần Địa lí), Vũ Thị Hằng, Lê Huỳnh, Trần Thị Hồng Mai, Phí Công Việt
Sách được cấu trúc gồm 2 phân môn: phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí. Mỗi phân môn được kết cấu theo cấu trúc thống nhất: chương, bài, mục. Mỗi chương có trang Mở đầu chương giới thiệu khái quát nội dung cốt lõi với những hình ảnh có tính gợi mở, định hướng nhận thức.
Cấu trúc mỗi bài với các phần nổi bật: mục tiêu, đi kèm là phần từ khoá, tình huống mở đầu, hình thành kiến thức, luyện tập và vận dụng.
Lịch sử và Địa lí 6 được biên soạn theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tăng cường kết nối kiến thức với cuộc sống. Và căn cứ vào đặc thù riêng, từng phân môn có những điểm riêng như sau:
PHẦN LỊCH SỬ
Chú trọng đưa các thông tin về nội dung dưới dạng tư liệu viết, tranh, ảnh… kèm theo là câu hỏi, yêu cầu hoạt động nhằm khai thác tư liệu. Dựa vào đó, GV tổ chức các hoạt động dạy học và HS chủ động tự rút ra kiến thức, tự thực hành và vận dụng.
Về một sự kiện, tiến trình lịch sử, không chú trọng trình bày về diễn biến với những mốc thời gian chi tiết, mà được thiết kế ngắn gọn, sinh động dưới dạng infographic hoặc trục thời gian.
Hoạt động thực hành và vận dụng – kết nối kiến thức với cuộc sống được chú trọng trong các phần Luyện tập và Vận dụng cuối mỗi bài và đặc biệt trong bài Thực hành và kết nối với cuộc sống, Kết nối với ngày nay cuối mỗi chương. Đây là dạng bài lần đầu tiên được biên soạn trong SGK Lịch sử, giúp HS bước đầu nhận thức được và hình thành kĩ năng tìm ra mối liên hệ những giá trị của quá khứ đối với cuộc sống hiện tại, cũng như nhận thức được sự phát triển những giá trị, thành tựu của quá khứ trong hiện tại và tương lai.
PHẦN ĐỊA LÍ
Các bài học trong sách chú ý đến phát triển năng lực của HS thông qua các hệ thống các câu hỏi, yêu cầu là gợi ý để tổ chức hoạt động (nhóm/ cá nhân) cho HS như: nhận xét, phân tích các thông tin hình ảnh, sơ đồ, biểu đồ, bản đồ… để tự rút ra những kiến thức cần thiết.
HS được tìm hiểu thực tế địa phương, đất nước, vận dụng kiến thức đã học để giải thích các hiện tượng địa lí diễn ra xung quanh, trên cơ sở đó hình thành ý thức, trách nhiệm và tình yêu quê hương, thiên nhiên.
Các bài trong sách được thiết kế theo hai tuyến: chính và phụ.
- Tuyến chính: là nội dung chính của bài học, gồm kênh chữ, kênh hình và hệ thống câu hỏi hoặc bài tập, là “chất liệu” để tổ chức các hoạt động học tập cho HS.
- Tuyến phụ như: Em có biết, Kết nối với Địa lí, Văn học, Nghệ thuật… là những nội dung kiến thức hoặc mở rộng, hoặc nâng cao, hoặc có tính tích hợp, liên môn với kiến thức các môn học khác, nhằm làm rõ hơn nội dung chính.
- Sách được thiết kế 4 màu, kênh hình phong phú, sinh động, đảm bảo chất lượng, phù hợp với nội dung bài học.
4. Khoa học Tự nhiên lớp 6
Tác giả
- Vũ Văn Hùng (Tổng Chủ biên), Đinh Đoàn Long, PGS.TS. Lê Kim Long, CN. Bùi Gia Thịnh (đồng Chủ biên)
- Nguyễn Hữu Chung, Nguyễn Thu Hà, Bùi Thị Việt Hà, Nguyễn Đức Hiệp, Trần Thị Thanh Huyền, Lê Trọng Huyền, Vũ Trọng Rỹ, Nguyễn Văn Vịnh
Các nội dung được lựa chọn trong Khoa học tự nhiên 6 thiết thực và gần gũi với cuộc sống. HS được khám phá khoa học dựa trên các sự vật, hiện tượng của cuộc sống để rồi vận dụng tri thức đã được học vào chính các tình huống thực tế của cuộc sống, từ trong gia đình, đến trường học và cộng đồng.
Nội dung và phương pháp trình bày của sách tạo cơ hội cho HS tự học; bồi dưỡng khả năng giao tiếp và hợp tác; hình thành và phát triển các năng lực nhận thức khoa học tự nhiên, tìm hiểu tự nhiên, vận dụng kiến thức và kĩ năng vào giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn cuộc sống.
Mở đầu mỗi chương là trang hình ảnh minh hoạ hấp dẫn, được kết nối với các câu hỏi lớn và mục tiêu học tập nhằm thu hút chú ý, khơi gợi sự tò mò, đam mê tìm hiểu khoa học của HS. Các bài học được thiết kế thống nhất bao gồm các hoạt động từ khởi động, đọc hiểu để thu thập thông tin, đến xử lí thông tin, vận dụng tri thức học được để trả lời câu hỏi, làm bài tập, hoạt động thực hành, hoạt động mở rộng kiến thức.
Sách đảm bảo yêu cầu đổi mới đánh giá quá trình học tập của HS bằng cách đa dạng hoá các hình thức đánh giá: Từ GV đánh giá HS, phụ huynh đánh giá con em mình đến HS tự đánh giá; Đánh giá hoạt động cá nhân, hoạt động tập thể; Đánh giá kiến thức, kĩ năng và đánh giá năng lực thực hành thí nghiệm KHTN. Trong sách còn có những gợi ý giúp HS tự lực, sáng tạo để tạo ra sản phẩm học tập thiết thực cho cuộc sống, thể hiện kết quả học tập của mình.
Sách được trình bày 4 màu, hình ảnh đẹp mắt, sinh động, thiết kế mở. Kết hợp hài hoà kênh chữ và kênh hình. Mỗi tiết học trình bày trong hai trang mở giúp HS dễ tìm kiếm thông tin, có thể bao quát và theo dõi toàn bộ nội dung trong tiết học.
6. Giáo dục công dân lớp 6
Tác giả
- Nguyễn Thị Toan (Tổng Chủ biên), Trần Thị Mai Phương (Chủ biên)
- Nguyễn Hà An, Nguyễn Thị Hoàng Anh, Phạm Thị Kim Dung, Nguyễn Thị Thọ
Sách được biên soạn theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho HS. Cấu trúc các bài học được thiết kế nhất quán theo quy luật nhận thức của HS và lí thuyết kiến tạo. Từ tái hiện, nêu vấn đề, thực hành kiểm tra giả thuyết, phân tích kết quả, rút ra nhận định và vận dụng vào cuộc sống. Những quy luật này được cụ thể hoá trong cấu trúc bài học gồm 4 bước: Khởi động – Khám phá – Luyện tập – Vận dụng.
Sách giáo dục các em niềm tự hào về truyền thống gia đình, dòng họ; tình yêu thương đối với con người; siêng năng, kiên trì trong học tập và trong công việc; tôn trọng sự thật; tự lập trong cuộc sống; tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí; giáo dục các em biết tự nhận thức bản thân; có kĩ năng ứng phó với một số tình huống nguy hiểm trong cuộc sống; có những hiểu biết về quyền trẻ em, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các hoạt động trong sách mang tính mở giúp GV có thể phối hợp nhiều phương pháp và hình thức tổ chức dạy học khác nhau; sáng tạo, linh hoạt trong quá trình dạy học sao cho phù hợp với điều kiện của trường, lớp, vùng miền… Sách thiết kế đảm bảo yêu cầu đổi mới đánh giá, giúp GV, phụ huynh đánh giá, HS tự đánh giá trong suốt quá trình dạy học. Trong sách có những gợi ý cho HS tự lực, sáng tạo thông qua các nhiệm vụ học tập đa dạng và phong phú, tạo ra sản phẩm thể hiện kết quả học tập của mình.
Ngôn ngữ được sử dụng trong sách trong sáng, dễ hiểu, phù hợp HS lớp 6. Sách được in 4 màu, hình ảnh đẹp mắt, sinh động. Kênh chữ, kênh hình được kết hợp hài hoà, sinh động và hấp dẫn, có tác dụng khơi dậy hứng thú hoạt động và phát triển tư duy cho HS.
7. Tin học lớp 6
Tác giả
- Nguyễn Chí Công (Tổng Chủ biên), Hà Đặng Cao Tùng (Chủ biên)
- Đinh Thị Hạnh Mai, Hoàng Thị Mai
Tin học 6 lấy thực tiễn cuộc sống làm chất liệu để xây dựng bài học và lấy bài học làm phương tiện để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Sách có những dự án học tập hoặc những hoạt động có tính chất dự án giúp HS được trải nghiệm những hoạt động toàn diện nhằm tạo ra sản phẩm trong quá trình học tập.
Mỗi bài học đều có các hoạt động. Điều đó vừa nhằm thực hiện mục tiêu tiếp cận phát triển năng lực của HS, vừa nhằm đa dạng hoá các hình thức tổ chức lớp học, gây hứng thú cho các em trong quá trình nhận thức. Mỗi bài học ứng với hai tiết học, thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động trong lớp.
Mỗi nội dung bài học đều có hộp kiến thức nhằm chốt lại những khái niệm, thuật ngữ mới hoặc những lưu ý quan trọng, hỗ trợ việc ghi nhớ những nội dung cốt lõi của bài học.
Sách được trình bày 4 màu, cân đối giữa kênh chữ và kênh hình. Kênh chữ được chia thành nhiều đoạn ngắn, chia hai cột, tạo thuận lợi cho HS theo dõi trong quá trình học. Kênh hình được cân nhắc vừa truyền đạt được nội dung của bài học vừa đạt được yêu cầu về thẩm mĩ.
8. Công nghệ lớp 6
Tác giả
- Lê Huy Hoàng (Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên)
- Trương Thị Hồng Huệ, Lê Xuân Quang, Vũ Thị Ngọc Thúy, Nguyễn Thanh Trịnh, Vũ Cẩm Tú
Sách được biên soạn dựa trên quan điểm nhẹ nhàng, hấp dẫn, thiết thực. Bài học trong sách có cấu trúc hiện đại, là sự kết hợp hài hòa của kênh HỌC LIỆU và kênh HOẠT ĐỘNG. Kênh Học liệu phản ánh nội dung của chủ đề bài học. Kênh Hoạt động thể hiện định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của HS trong bài học và được thể hiện thông qua các hộp chức năng.
Sách còn có các dự án học tập giúp HS vận dụng kiến thức, kĩ năng đã có để thực hiện một nhiệm vụ phức hợp, có tính thực tiễn. Qua đó, kết nối bài học với thực tiễn, góp phần phát triển năng lực, phẩm chất cho người học. Dự án học tập được trình bày thống nhất, bao gồm các nội dung: nhiệm vụ, tiến trình thực hiện, đánh giá, thông tin bổ trợ.
Nội dung bài học đảm bảo tính cơ bản và cập nhật, gắn với thực tiễn. Các hộp chức năng khám phá, thực hành, vận dụng, kết nối năng lực, kết nối nghề nghiệp trong sách giúp HS tự học thuận lợi và hiệu quả hơn; giúp cho GV dễ dàng thiết kế các hoạt động dẫn nhập, hình thành kiến thức, thực hành, vận dụng, và tìm tòi mở rộng. Sách thể hiện đầy đủ quan điểm giáo dục tích hợp qua việc lồng ghép nội dung giáo dục tài chính, giáo dục hướng nghiệp, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giáo dục biến đổi khí hậu và phát triển bền vững… trong mỗi bài học, dự án học tập.
9. Mĩ thuật lớp 6
Tác giả
Đoàn Thị Mỹ Hương, Đinh Gia Lê (đồng Tổng Chủ biên), Phạm Thị Chỉnh, Phạm Minh Phong (đồng Chủ biên), Phạm Duy Anh, Vũ Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị May, Đoàn Dũng Sĩ
Sách được biên soạn theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho người học, cụ thể như sau:
- Sách có 8 chủ đề, mỗi chủ đề gồm 2 bài, được tổ chức theo 4 hoạt động: Quan sát – Thể hiện – Thảo luận – Vận dụng. Các mạch kiến thức trong lĩnh vực mĩ thuật tạo hình, mĩ thuật ứng dụng và phần kiểm tra, đánh giá được phân bổ hợp lí vào các bài học, có tính kết nối chặt chẽ với định hướng từ chủ đề.
- Nội dung trong sách được cụ thể hoá bằng các câu lệnh phù hợp, hình minh hoạ, cách trình bày sinh động, hấp dẫn giúp HS hình thành khả năng tự học và GV thuận tiện, chủ động, sáng tạo trong tổ chức hoạt động dạy học.
- Các bài học được đan xen giữa kiến thức HS thu nhận được qua quan sát hình ảnh từ thực tế đến hình ảnh mô phỏng trong các tác phẩm của hoạ sĩ, sản phẩm mĩ thuật của HS và các bước thực hiện ở mức độ phù hợp. Ngoài ra, mục Em có biết sẽ bổ sung thêm kênh thông tin cho HS trong quá trình học và tìm hiểu kiến thức.
- Các nội dung dạy − học trong sách có tính mở. Tùy theo thực tế dạy − học, GV có thể chủ động phân bổ hoạt động học theo từng tiết của bài học trong chủ đề, linh hoạt quyết định thời lượng của từng hoạt động, ưu tiên thời gian cho HS hoàn thành bài thực hành trên lớp.
- Đánh giá trong sách đảm bảo tính đại trà; tính phân hoá; yếu tố năng khiếu cũng như có hướng đánh giá phù hợp với nhiều đối tượng HS.
10. Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 6
Tác giả
- Lưu Thu Thủy, Bùi Sỹ Tụng (đồng Tổng Chủ biên), Hoàng Thị Hạnh, Nguyễn Thị Việt Nga, Trần Thị Thu (đồng Chủ biên)
- Vũ Thị Lan Anh, Nguyễn Thanh Bình, Lê Văn Cầu, Dương Thị Thu Hà, Tạ Văn Hai, Nguyễn Thu Hương, Lê Thị Luận, Nguyễn Thị Thanh Mai, Nguyễn Hồng Thuận, Lê Thị Thanh Thủy
Sách được biên soạn theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho HS, được cấu trúc thành 9 chủ đề thực hiện trong 35 tuần của năm học. Mỗi tuần gồm 3 loại hình hoạt động: Sinh hoạt dưới cờ, Hoạt động giáo dục theo chủ đề và Sinh hoạt lớp.
Nội dung sách đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm, tính thực tiễn, tính lô gic và phù hợp với đặc trưng của hoạt động trải nghiệm. Ba loại hình hoạt động được thể hiện đầy đủ, sinh động qua mỗi tuần, mỗi chủ đề và có quan hệ tương hỗ, gắn kết chặt chẽ với nhau trong việc thực hiện mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chủ đề. Các nhiệm vụ học tập đặt ra trong mỗi hoạt động rõ ràng, cụ thể, thể hiện rõ tính trải nghiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tự học, tự rèn luyện của HS. Nhiều nội dung về giáo dục kĩ năng sống, kĩ năng sinh tồn đã được tích hợp, lồng ghép vào các chủ đề của sách như kĩ năng tự nhận thức, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng hợp tác, kĩ năng thể hiện hành vi có văn hoá, kĩ năng tự bảo vệ bản thân trong tình huống có thiên tai, kĩ năng ứng phó với biến đổi khí hậu…
Phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng, không chỉ có tác dụng phát huy tính tích cực, chủ động của HS mà còn góp phần rèn luyện cho HS nhiều năng lực quan trọng như: năng lực lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch hoạt động, năng lực quản lí và phát triển bản thân, năng lực tư duy phản biện, năng lực thích ứng, năng lực giao tiếp, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sử dụng công nghệ thông tin, năng lực tìm kiếm và xử lí thông tin,…
Sách được in 4 màu, các hình ảnh trong sách được thiết kế đảm bảo tính mĩ thuật, phù hợp với nội dung yêu cầu hoạt động, với trình độ HS và thực tiễn Việt Nam. Kênh chữ, kênh hình được kết hợp hài hoà, sinh động và hấp dẫn, có tác dụng khơi dậy hứng thú hoạt động và phát triển tư duy cho HS.
11. Âm nhạc lớp 6
Tác giả
- Hoàng Long, Đỗ Thị Minh Chính (đồng Tổng Chủ biên), Vũ Mai Lan (Chủ biên)
- Bùi Minh Hoa, Trần Bảo Lân
SGK Âm nhạc 6 được biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thể hiện quan điểm đổi mới theo mô hình phát triển phẩm chất và năng lực của người học, nhưng không xem nhẹ vai trò của kiến thức. Kiến thức trong SGK không chỉ cần hiểu và ghi nhớ, mà là những kiến thức chắt lọc phù hợp với giáo dục âm nhạc phổ thông giúp HS hình thành, phát triển các phẩm chất và năng lực âm nhạc cần có trong cuộc sống hàng ngày; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí và trải nghiệm thực tế; giúp các em HS vận dụng để giải quyết những vấn đề của cuộc sống từ các cấp độ và phương diện khác nhau.
Các nội dung giáo dục chọn lọc theo hướng tinh giản hơn so với chương trình hiện hành, các nội dung trong từng chủ đề có sự kết nối và được sắp xếp hợp lí, nội dung giáo dục đảm bảo phân hoá cho các đối tượng HS khác nhau. Đặc biệt hỗ trợ GV đổi mới hiệu quả phương pháp tổ chức các hoạt động giáo dục được ưu tiên hàng đầu. Các kiến thức trong sách và hoạt động giáo dục, được thiết kế bằng các hoạt động âm nhạc đa dạng. Các hoạt động giúp kích thích tính tích cực và chủ động, giúp HS hình thành, phát triển các phẩm chất và năng lực phù hợp với đặc điểm, ưu thế môn học và hoạt động giáo dục.
Sách được thiết kế gồm: 8 chủ đề, mỗi chủ đề gồm 4, 5 mạch nội dung kiến thức bao gồm: Hát, Nghe nhạc, Đọc nhạc, Nhạc cụ, Lí thuyết âm nhạc, Thường thức âm nhạc. Nội dung các chủ đề mang tính giáo dục HS tình yêu quê hương đất nước, yêu chuộng hoà bình, lòng biết ơn, lòng nhân ái, tình cảm gia đình, thầy cô, bạn bè và mái trường.
So với chương trình SGK môn Âm nhạc hiện hành, SGK Âm nhạc 6 còn có điểm mới: đem đến cho HS những kiến thức, trải nghiệm âm nhạc, hình thành năng lực cảm thụ âm nhạc thông qua mạch nội dung Nghe nhạc (các bài hát, bản nhạc không lời) và nội dung học Nhạc cụ.… góp phần giáo dục, phát triển thẩm mĩ nghệ thuật, thẩm mĩ âm nhạc, thể hiện âm nhạc. Đối với nội dung học Nhạc cụ giai điệu, các nhà trường có thể tự đề xuất, chọn lựa nhạc cụ phù hợp để thực hiện dạy (mức độ kiến thức bám theo nội dung trình bày trong SGK viết cho 2 nhạc cụ recorder và pianica sơ giản, dễ dạy và học cho GV, HS trên toàn quốc).
Sách tạo động lực học tập cho HS thông qua việc xây dựng hoạt động học theo hướng: Khởi động, Khám phá kiến thức, Luyện tập. Khuyến khích; động viên HS mở rộng thêm sự hiểu biết thông qua hoạt động Vận dụng – Sáng tạo. HS được vận dụng các kiến thức tích hợp nội môn Âm nhạc và liên môn với các môn học khác, ứng dụng bảo vệ môi trường…
Tô Ngọc Sơn (biên soạn) – KỸ NĂNG CẦN BIẾT