Sửa đổi, bổ sung quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công

Chính phủ ban hành Nghị định 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 sửa đổi Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định Sửa đổi, bổ sung quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công

Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, đơn cử như:

– Bổ sung thêm nguyên tắc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Cụ thể, việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng QSDĐ, chuyển mục đích SDĐ, số tiền bồi thường, hỗ trợ (nếu có) thực hiện theo quy định tại Nghị định 167/2017 và pháp luật có liên quan.

Trường hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ bằng tiền (ngoài số tiền bán tài sản trên đất, tiền chuyển nhượng QSDĐ, chuyển mục đích SDĐ, số tiền bồi thường, hỗ trợ được xác định theo đúng quy định) thì:

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp vào NSNN theo quy định của pháp luật về NSNN.

– Sửa đổi quy định về hình thức khác trong xử lý nhà, đất khi thực hiện sắp xếp lại.

Hình thức khác do Thủ tướng xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương và UBND cấp tỉnh, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật có liên quan.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có liên quan thẩm định báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Nghị định 67/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/9/2021 (Riêng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 67/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày ký).

Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã sửa đổi quy định về đối tượng thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Theo đó, doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất bao gồm:

Một là, doanh nghiệp cấp I là Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty nhà nước, công ty độc lập do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ngân hàng Chính sách xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ;

Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp có vốn góp chiếm trên 50% vốn điều lệ.

Hai là, doanh nghiệp cấp II là doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp cấp I quy định tại tiết b1 điểm này mà: tỷ lệ % vốn nhà nước tại doanh nghiệp cấp I nhân với (x) tỷ lệ % vốn góp của doanh nghiệp cấp I vào doanh nghiệp cấp II chiếm trên 50% vốn điều lệ.

Ba là, doanh nghiệp cấp III là doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp cấp II quy định tại tiết b2 điểm này mà: tỷ lệ % vốn nhà nước tại doanh nghiệp cấp I nhân với (x) tỷ lệ % vốn góp của doanh nghiệp cấp I vào doanh nghiệp cấp II nhân với (x) tỷ lệ % vốn góp của doanh nghiệp cấp II vào doanh nghiệp cấp III chiếm trên 50% vốn điều lệ.

Châu Thanh
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT