05 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Đồng Tháp

Đồng Tháp là một trong những địa phương sở hữu 05 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia rất đáng tự hào và rất đáng trân trọng. Mời bạn đọc cùng KỸ NĂNG CẦN BIẾT khám phá nhé!

1. Đờn ca Tài tử Nam Bộ

Di sản này được công bố tại Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo quyết định Số: 5079 /QĐ – BVHTTDL, ngày 27 tháng 12 năm 2012 theo Quyết định của BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH.

Di sản này bao gồm 21 tỉnh, thành phố của khu vực miền Nam như: Tỉnh An Giang, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Tỉnh Bạc Liêu, Tỉnh Bến Tre, Tỉnh Bình Dương, Tỉnh Bình Phước, Tỉnh Bình Thuận, Tỉnh Cà Mau, Tp. Cần Thơ, Tỉnh Đồng Nai, Tỉnh Đồng Tháp, Tỉnh Hậu Giang, Tp. Hồ Chí Minh, Tỉnh Kiên Giang, Tỉnh Long An, Tỉnh Ninh Thuận, Tỉnh Sóc Trăng, Tỉnh Tây Ninh, Tỉnh Tiền Giang, Tỉnh Trà Vinh, Tỉnh Vĩnh Long. Nghệ thuật trình diễn dân gian này là một trong những đặc sản luôn được người dân Đồng Tháp và các vùng lân cận yêu chuộng.

2. Nghề dệt chiếu

Quyết định số 3084/QĐ-BVHTTDL ngày 09/9 của Bộ VHTTDL công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 3) với các loại hình Lễ hội truyền thống, Nghệ thuật trình diễn dân gian, Nghề thủ công truyền thống.

Theo đó, Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghề dệt chiếu, xã Định Yên, xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã được ghi nhận và công bố. Nghề thủ công truyền thống này hiện nay đang rất phát triển vì chiếu Định Yên đã trở thành một trong những vật dụng thiết yếu được yêu thích.

3. Nghề đóng xuồng, ghe Long Hậu

Nghề thủ công truyền thống này đã được BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH công bố tại Quyết định số: 4205/QĐ-BVHTTDL Ngày 19/12/2014.

Nghề này đã tồn tại hơn 100 năm qua và được xem là một nghề chính, khá hiệu quả của người dân rạch Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Hiện xã có 2 ấp Long Hưng II và Long Hòa có 200 hộ dân sinh sống, với 150 hộ dân làm nghề đóng xuồng, ghe.

Xuồng, ghe trở thành phương tiện gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt, chiến đấu của cư dân vùng sông nước Đồng Tháp từ xưa tới nay. Nó gắn bó với cư dân trong cả đời sống vật chất lẫn tinh thần, trở thành tình yêu và nỗi nhớ trong đời sống thường nhật cũng như trong thơ ca hò vè.

4. Hò Đồng Tháp

Hò Đồng Tháp được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 30/10/2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đợt XXV năm 2018.

Hò Đồng Tháp xuất hiện đầu thế kỷ XIX, phát triển cực thịnh và trở thành điệu hò nổi tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long vào nửa đầu thế kỷ XX. Năm 1954, người mang điệu Hò Đồng Tháp cùng tập kết ra Bắc là nghệ sĩ Kim Nhụy; giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê đã thuyết giảng về dân ca Việt Nam – trong đó có Hò Đồng Tháp ở 67 quốc gia.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Hò Đồng Tháp vẫn khẳng định giá trị là loại hình Di sản văn hóa phi vật thể có ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt văn hóa của người dân Nam bộ nói chung, Đồng Tháp nói riêng.

5. Nghề dệt choàng

Nghề dệt choàng – niềm tự hào của người dân xứ cù lao Long Khánh. Nghề thủ công truyền thống này đã được BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH công bố tại Quyết định số: 1179/QĐ-BVHTTDL ngày 08/5/2023.

Nghề dệt choàng (khăn rằn) xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, không chỉ là niềm tự hào của người dân Đồng Tháp mà còn là động lực để người dân Làng nghề dệt choàng Long Khánh A  tiếp tục gìn giữ nghề truyền thống và đưa sản phẩm của làng nghề vươn xa hơn.

Khăn choàng (khăn rằn) cùng với chiếc áo bà ba đã trở thành hình ảnh gần gũi như là biểu tượng cho người phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long cần cù, chịu thương, chịu khó từ bao đời nay. Riêng với Đồng Tháp, khăn choàng cũng đã rất đỗi quen thuộc trong đời sống sinh hoạt, lao động của người dân, đồng thời cũng là sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng được yêu thích. Từ những nét đặc sắc ấy, tháng 5/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa nghề dệt choàng xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tô Ngọc Sơn (tổng hợp)

Trả lời