Thuật ngữ MC khởi nguồn từ Giáo hội Công giáo. Nó chỉ người điều hành các buổi lễ, người chủ tế của nhà thờ. Đó là người rất quan trọng của buổi lễ tế, chịu trách nhiệm tiến hành chính xác và suôn sẻ các buổi lễ và xây dựng nghi thức liên quan. MC là từ viết tắt tên của những Masters of Ceremonies (người chủ lễ) được biết kể từ cuối Trung Cổ (thế kỷ 15) và thời Renaissance ở thế kỷ 16.
Tại một nhà thờ Công giáo lớn, Master of Ceremonies cũng chịu trách nhiệm về an ninh của nơi thờ phụng trong các buổi cầu nguyện. Trong những lễ hội lớn như Giáng sinh và lễ Phục sinh, các Master of Ceremonies giữ một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm rằng tất cả mọi thứ chạy thuận lợi.
Người ta đã giả định rằng nguồn gốc của Master of Ceremonies có thể đã được hình thành từ thời gian Hoàng đế Constantine Great (324), hoặc từ trong thời gian Đạo Cơ đốc trở thành tôn giáo chính thức của Đế quốc La Mã năm 380.
Vào thập niên 1970 và thập niên 1980, thuật ngữ MC có liên hệ với âm nhạc hip-hop, và là từ để chỉ người mà bây giờ thường được gọi là “rapper”. Khi ấy, người ta còn coi MC là viết tắt của những cụm từ như: microphone controller,mic checka, music commentator và moves the crowd. Việc không thống nhất trong cách viết tắt này có thể là nguyên nhân khiến người dẫn chương trình ngày nay đảm đương nhiều nhiệm vụ hơn thế, không chỉ là dẫn chương trình mà thôi.
Ví dụ: giới thiệu những người biểu diễn, nói và giao lưu với khán thính giả; hướng dẫn một buổi lễ, một cuộc họp. Ở một số quốc gia khác, người dẫn chương trình còn có trách nhiệm biên tập chương trình và chính mình giới thiệu, dẫn dắt cho chương trình đó. Thậm chí, trong quá khứ hoàng gia châu Âu, Masters of Ceremonies là người chịu trách nhiệm tiến hành các nghi thức trong các buổi lễ ngoại giao.
Từ điển Wikipedia.com định nghĩa:“Người dẫn chương trình, hay còn gọi là em-xi (MC) do gọi tắt từ tiếng Anh: Master of Ceremonies, theo nghĩa thông thường được hiểu là người hướng dẫn quần chúng trong một sự kiện.”
Trong lĩnh vực truyền hình, đối với thuật ngữ Master of Ceremonies và cách viết tắt của nó (MC), trên thế giới, vẫn còn nhiều quan điểm chưa thống nhất trong giới hạn đối tượng phản ánh của nó, người ta cũng dùng thuật ngữ MC dùng để chỉ Người dẫn chương trình truyền hình! Thế nhưng do khả năng phân biệt của từ này quá rộng, nên trong lĩnh vực truyền hình, người ta thường dùng các thuật ngữ khác có khả năng diễn đạt cụ thể nội hàm của nó.
Ví dụ như: Chúng ta thấy cách dùng thuật ngữ News presenter của người Anh(thay vì News MC) để gọi Người dẫn chương trình tin tức trên truyền hình, đó là người có nhiệm vụ xây dựng một khung chương trình Tin tức, quyết định lựa chọn những tin tức nóng hổi, xắp sếp thứ tự tin và đồng thời anh ta(hay cô ta) dẫn chương trình đó, để mang chương trình tin tức đó đến với những khán giả của họ. Hoặc người Mỹ sẽ dùng thuật ngữ: Host để gọi Người thực hiện và hướng dẫn các chương trình Talk Show hay Game Show.
Hoặc truyền hình ở Anh thường dùng từ Newscaster để gọi người dẫn ở mục điểm tin. Trong khi đó tại Mỹ và Canada người ta gọi các Newscastervà News presenter là News Anchor. Riêng hãng tin BBC lại gọi các Newscaster và News presenter là: Newsreader.
Ngày nay, ở nước ta, người ta quen dùng thuật ngữ MC để chỉ người dẫn chương trình nói chung. Song, khởi nguồn của thuật ngữ này lại được bắt đầu và có sự ảnh hưởng mạnh mẽ trong công chúng xuất phát từ việc gọi tắt chức danh người dẫn chương trình truyền hình tại Truyền hình Việt Nam(MC truyền hình). Chưa có một tài liệu nào khẳng định thuật ngữ này chính thức được nhập vào Việt Nam từ bao giờ, song rõ ràng nó có sức sống khá mãnh liệt ở mảnh đất còn rất màu mỡ này.
Từ Người dẫn chương trình ở Việt Nam mới chỉ xuất hiện thời gian gần đây (có thể) từ khi Truyền hình Việt Nam(VTV) bắt đầu sản xuất các chương trình Trò chơi, đó là vào thời điểm những năm 1996, 1997 với chương trình đầu tiên làSV 96 do nhà báo Lại Văn Sâm dẫn. Sau đó là thời gian phát triển mạnh mẽ các chương trình trò chơi trên truyền hình, điều đó bắt buộc VTV phải có đội ngũ những ngườidẫn chương trình nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu này.
Một loạt chương trình mới như: Từ ánh mắt đến trái tim gắn với tên tuổi người dẫn chương trình Hoa Thanh Tùng; Trò chơi liên tỉnh gắn với tên tuổi nhà báo Lại Văn Sâm, Đỗ Hồng Cư…; Vườn cổ tích với sự dẫn dắt của Thuận Sơn; Đường lên đỉnh Olimpia với sự dẫn dắt của nhà báo Tạ Bích Loan, Lưu Minh Vũ, Tùng Chi…; Ở nhà chủ nhật với sự xuất hiện của Bùi Thu Thủy trong vai trò người dẫn chương trình…Giai đoạn này thuật ngữ thường dùng để chỉ những người dẫn dắt các chương trình này là: Người dẫn chương trình, thuật ngữ MC chưa thịnh hành.
Những năm gần đây, đặc biệt từ những năm 2000 trở lại đây là thời kỳ hoàng kim của các chương trình trò chơi truyền hình, người ta thấy hàng loạt chương trình mới, chủ yếu là các chương trình trò chơi mua bản quyền từ nước ngoài: Hãy chọn giá đúng với người dẫn là nhà báo Lại Văn Sâm, Lưu Minh Vũ; Ai là ai do Kim Khánh dẫn; Trò chơi âm nhạc với sự xuất hiện của Anh Tuấn, Diễm Quỳnh; Đấu trường 100 với Thái Tuấn…Hàng loạt chương trình mới ra đời đồng nghĩa với sự xuất hiện của các người dẫn chương trình ngày càng nhiều hơn.
Cùng với sự phát triển mạnh các thể loại chương trình truyền hình, sự ảnh hưởng của truyền hình trong thói quen dùng ngôn ngữ cũng nhiều hơn. Đặc biệt, việc mua bản quyền chương trình từ nước ngoài cũng dẫn đến những ảnh hưởng nhất định trong cách gọi tên các chức danh trong quy trình sản xuất của một chương trình truyền hình. Hiện tượng chức danh Người dẫn chương trình truyền hình được đọc tắt, viết tắt là MC, có thể xuất hiện trong hoàn cảnh như vậy.
Ngoài các thể loại trò chơi trên truyền hình, khán giả cũng đã dần quen với các chương trình giao lưu-gặp gỡ trên truyền hình, trong đó, người dẫn chương trình (thường) là người xây dựng kịch bản, hoặc tổ chức sản xuất… Sự ra đời các chương trình có chất lượng như thế đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của người dẫn chương trình trong một quy trình sản xuất.
Cùng với đó là quá trình chuyển đổi cách sử dụng nhân sự trong việc dẫn các bản tin thời sự tại VTV, những người dẫn chương trình thời sự đã đứng tuổi, như NSƯT Kim Tiến, Thanh Hùng, Minh Trí… được thay thế dần bằng các phóng viên, biên tập viên trẻ tuổi.
Những điều đó, cùng với những đổi thay mạnh mẽ trong lĩnh vực truyền hình cả về số lượng và chất lượng so với trước, đã có những ảnh hưởng lớn đến diện mạo của các chương trình nói riêng và của các đài truyền hình nói chung.
Giờ đây, dưới ảnh hưởng của truyền hình, cách gọi Người dẫn chương trình thậm chí có tần suất xuất hiện còn ít hơn cách gọi MC, đặc biệt trong phong cách ngôn ngữ lời nói.
Như vậy, tạm đưa ra một kết luận ở phần này: khác (thậm chí ngược lại) với các nước (Anh, Mỹ, Canada…) ở Việt Nam, thuật ngữ MC là thuật ngữ du nhập, ban đầu được sử dụng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, dùng để chỉ Người dẫn chương trình truyền hình. Sau đó dưới ảnh hưởng của các phương tiện thông tin đại chúng, thuật ngữ này đã được sử dụng rộng rãi, hiện nay, nó được hiểu là chỉ: Người dẫn chương trình nói chung.
Chúng ta có thể thấy, trong bất kỳ sự kiện nào, từ hôn sự cho tới các buổi trình diễn ca nhạc; từ cuộc giới thiệu sản phẩm mới đến cuộc trao giảiCánh diều vàng…đều xuất hiện người dẫn chương trình và được giới thiệu là MC. Thuật ngữ này ngày càng có xu hướng được mở rộng ra và được xã hội chấp nhận.
Như vậy, sẽ xảy ra một thực tế là, thuật ngữ MC sẽ không còn nằm trong giới hạn của nghĩa ban đầu khi được đưa vào Việt Nam nữa (Người dẫn chương trình truyền hình) mà nó đã được dùng để định danh cho hầu hết những người dẫn chương trình, giới thiệu chương trình ở nhiều lĩnh vực khác.
Điều này, về lâu dài có thể dẫn đến những cách hiểu không chính xác và gây nên sự lẫn lộn trong cách dùng thuật ngữ MC như ở các nước khác đã phân tích ở trên.
Như vậy, cùng với sự phát triển của đời sống ngôn ngữ và sự phát triển của truyền hình nói riêng, hệ thuật ngữ định danh công việc trong lĩnh vực này sẽ phải hoàn thiện dần để đáp ứng nhu cầu phát triển nội tại. Việc nghiên cứu và đề xuất các thuật ngữ mới để định danh các công việc trong lĩnh vực truyền hình sẽ còn phải tiếp tục trong thời gian dài và chắc chắn sẽ có nhiều phức tạp nảy sinh. Bài viết này chỉ hy vọng đóng góp một ý kiến nhỏ để cùng thảo luận nhằm góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn sôi động hiện nay.
Dinh Phương (St)