Tổng hợp các Nghị định có hiệu lực từ giữa tháng 05/2021

Từ ngày 11 – 20/05/2021, sẽ có 11 Nghị định bắt đầu có hiệu lực thi hành. Dưới đây là tổng hợp các Nghị định có hiệu lực từ giữa tháng 05/2021, cụ thể như sau:

1. Thẩm quyền cho phép khai thác thông tin trong CSDLQG về dân cư

Theo Nghị định 37/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 137/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật căn cước công dân, chủ thể có thẩm quyền cho phép khai thác thông tin trong CSDLQG về dân cư gồm có:

– Thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an;

– Giám đốc Công an cấp tỉnh;

– Trưởng Công an cấp huyện;

– Trưởng Công an cấp xã.

Như vậy, đã bổ sung thẩm quyền cho Trưởng Công an cấp xã cho phép cá nhân đăng ký thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn quản lý quy định khoản 3, khoản 4 Điều 8 Nghị định 137/2015 được khai thác thông tin trong CSDLQG về dân cư.

Nghị định 37/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 14/5/2021.

2. Quy định chung về xử lý tài sản bảo đảm

Đây là nội dung tại Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có hiệu lực từ ngày 15/5/2021, thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP và Nghị định 11/2012/NĐ-CP.

Theo đó, việc xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) được quy định như sau:

– Việc xử lý TSBĐ phải được thực hiện đúng với thỏa thuận của các bên, quy định của Nghị định 21/2021 và pháp luật liên quan.

Trường hợp TSBĐ là quyền khai thác khoáng sản, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên khác thì việc xử lý TSBĐ phải phù hợp theo quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật về tài nguyên thiên nhiên khác và pháp luật có liên quan.

– Bên nhận bảo đảm thực hiện việc xử lý TSBĐ trên cơ sở thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm thì không cần có văn bản ủy quyền hoặc văn bản đồng ý của bên bảo đảm.

– Trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định tài sản đang dùng để bảo đảm phải xử lý để bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác thì tài sản này được xử lý theo quy định đó.

– Việc bên nhận bảo đảm xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ không phải là hoạt động kinh doanh tài sản của bên nhận bảo đảm.

3. Hướng dẫn ghi nhãn giống cây trồng lâm nghiệp

Theo Nghị định 27/2021/NĐ-CP thì việc ghi nhãn giống cây trồng lâm nghiệp được thực hiện theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa và nội dung ghi nhãn như sau:

+ Đối với hạt giống: Tên loài cây (tên khoa học); khối lượng hạt; ngày, tháng, năm chế biến xong; thời hạn sử dụng; nơi thu hái; phương pháp bảo quản; tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất;

+ Đối với bình mô: Tên loài cây (tên khoa học); tên giống; mã số giống được công nhận; lô sản xuất: Ngày, tháng, năm; tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất; thời hạn cấy cây (từ ngày xuất giống đến ngày cuối cùng được phép sử dụng);

+ Đối với các loại giống khác không ghi nhãn nhưng phải có hồ sơ theo quy định tại Điều 18 Nghị định 27/2021/NĐ-CP.

Tổng hợp các Nghị định bắt đầu có hiệu lực từ giữa tháng 05/2021.

4. Nghị định 24/2021/NĐ-CP việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

5. Nghị định 25/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 41/2014/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân.

6. Nghị định 36/2021/NĐ-CP về Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

7. Nghị định 39/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 37/2009/NĐ-CP quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học – kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan.

8. Nghị định 40/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 89/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.

9. Nghị định 41/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

10. Nghị định 42/2021/NĐ-CP quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy.

11. Nghị định 45/2021/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Quý Tân
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT