Hoạt động tuyên truyền
“Công an xã Phú Đức thông báo, đ ể phòng chống dịch bệnh Covid 19, đề nghị mọi người thực hiện tốt các nội dung sau: Đeo khẩu trang khi ra đường, không tụ tập đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Đề phòng trộm cắp tài sản: Đề nghị mọi người trông giữ tài sản cẩn thận, khóa cửa nhà trước khi đi ngủ, cảnh giác người lạ mặt đến gần khu vực nhà ở.Đề phòng cướp giật tài sản không nghe điện thoại khi đang chạy xe, không để tài sản có giá trị trước ba ga xe máy. Mọi thông tin có liên quan xin vui lòng gọi điện thoại về Công an xã qua số điện thoại: 02773.976.113”.
Nội dung trên được phát ra từ chiếc loa lưu động của Công an xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp trong quá trình triển khai thực hiện mô hình: “Tiếng loa nông thôn mới” hồi đầu tháng 01 năm 2021. Đây là hình thức tuyên truyền mới, bởi trước đây ý thức chấp hành pháp luật về ATGT, phòng chống cháy nổ, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, ma túy…của người dân chưa cao. Lại thêm số lượng người dân tham dự các buổi tuyên truyền còn ít, rồi tình hình dịch bệnh Covid 19 bùng phát nên không thể mời tuyên truyền tập trung.
Đại úy Võ Văn Tánh- Trưởng Công an xã Phú Đức, huyện Tam Nông cho biết:
“Mục đích tuyên truyền lưu động cho người dân sinh sống trên địa bàn về ATGT, phòng chống cháy nổ, PCTP, tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy. Sau khi được sự thống nhất của Ủy ban xã, sau khi được phê duyệt nội dung mình phối hợp cán bộ truyền thanh xã ghi âm, gắn vào âm ly xe tuyên truyền, sau đó đi tuyên truyền lưu động tại các ấp. Thời gian chủ yếu mình tận dụng thời gian người dân đi làm đồng về buổi chiều hàng ngày từ 18 đến 20 giờ, thời gian đó đa số người dân đi lao động, công việc về nghỉ ngơi tại gia đình mình tuyên truyền. Tuyên truyền vào khung thời gian đó người dân đều nghe được.”
Ưu điểm của việc tuyên truyền lưu động không làm mất thời gian của người dân, tuyên truyền đúng đối tượng cần tuyên truyền, tuyên truyền được rộng rãi hơn, không phụ thuộc vào kinh phí. Đến được những vùng quê xa nhất, hẻo lánh nhất, những nơi tiếng loa truyền thanh không truyền tới được. Mô hình này không chỉ giúp người dân nắm được những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, mà còn là cầu nối giữa người dân với lực lượng công an xã. Một thuận lợi nữa, là do người dân trên địa bàn làm nông chủ yếu, nên đến mùa thu hoạch lúa thu hút nhiều lao động từ địa phương khác đến lao động. Người dân trên địa bàn có nhiều người thân ở Campuchia ý thức được tác hại của dịch bệnh, vận động người thân không về địa bàn, nếu về địa bàn sẽ bị cách ly… Từ khi triển khai mô hình đến nay người dân có ý thức cảnh giác cao đối với các loại tội phạm, đặc biệt là ý thức của người dân trên địa bàn và người dân từ địa phương khác đến có chủ động hơn trong phòng ngừa tội phạm. Trong đó đã cung cấp cho Công an xã 17 nguồn tin có giá trị liên quan đến ANTT, giúp Công an xã triệt xóa 01 số tụ điểm tệ nạn xã hội, tình hình tội phạm trộm cắp và tai nạn giao thông giảm so với trước đây.
Ông Võ Thái Hoàng, người dân ấp K9 nhận xét:
“Tôi thấy mô hình này, với hình thức tuyên truyền lưu động nó rất gần gũi bổ ích đối với người dân, không làm mất thời gian cho người dân. Qua tuyên truyền như vậy hết sức thiết thực, người dân nhận thức, đề cao cảnh giác phòng chống tội phạm, cảnh giác người lạ mặt, vận động người thân không tham gia tệ nạn xã hội. Từ khi có tuyên truyền vận động như thế này tội phạm giảm rất nhiều, thanh thiếu niên chạy xe lạng lách, uống rượu đêm khuya gây rối trật tự công cộng giảm khoảng 50% . Muốn mô hình này nhân rộng hơn nữa từ đầu làng đến cuối ngõ người dân người ta ý thức được đề cao cảnh giác.”
Ngoài việc Công an xã sẽ soạn mới nội dung tuyên truyền hàng ngày để phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn để thu hút người dân lắng nghe tuyên truyền. Sắp tới để phát huy hiệu quả mô hình tiếng loa nông thôn mới, Đại úy Võ Văn Tánh- Trưởng Công an xã Phú Đức, huyện Tam Nông cho biết thêm:
“Địa bàn xã Phú Đức có 03 ấp, địa bàn ấp Phú Xuân chủ yếu đường đất nếu trời mưa sẽ không tuyên truyền đến được người dân. Hướng tới chúng ta tuyên truyền đường thủy, chạy theo các tuyến sông kênh rạch tuyên truyền cho người dân nắm. Địa bàn xã chủ yếu sống bằng nghề làm lúa và trồng cây ăn trái, đến các vụ mùa người dân từ địa phương khác đến mua bán nông sản, tập trung ở các tuyến kênh , do đó một mặt công an xã sẽ tuyên truyền tiếng loa nông thôn mới này tuyên truyền, một mặt vừa đi tuần tra để nắm các hộ, các người này đến, kiểm tra, hướng dẫn cách khai báo lưu trú theo quy định. Trong khai báo đó phát hiện đối tượng vi phạm pháp luật, truy nã.”
Tuy mới bước đầu thực hiện mô hình, nhưng hiệu quả mang lại rất cao đã kéo giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là những khu vực nông thôn, ít hộ dân, hạn chế về kiến thức pháp luật, kiềm chế tai nạn giao thông, cháy nổ góp phần đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn./.
NGỌC HÂN/ Nguồn: Công An tỉnh Đồng Tháp