Mỗi khi kinh tế đất nước rơi vào giai đoạn khó khăn thì hay nghe nhắc đến cụm từ “Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế”. Ngoài từ “trụ đỡ”, có người còn gọi là “bệ đỡ”. Nói chung, “gì là gì” thì nông nghiệp cũng được coi là “bà đỡ” trong lúc kinh tế đất nước chơi vơi. Hổng biết có phải vậy không mà từ xa xưa ông bà mình đã có câu: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ”?
Cơn đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới. Kinh tế chao đảo do tác động cả cung lẫn cầu. Sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Hàng hóa ế ẩm. Nông sản, trừ thịt heo, xuống giá. Xuất khẩu lao đao. Những giải pháp, kịch bản, kế sách vực dậy nền kinh tế khi cơn dịch qua đi liên tục được đưa ra đầy tâm huyết. Và, nông nghiệp lại được nhắc đến như là “trụ đỡ” trong lúc tìm “ánh sáng cuối đường hầm”.
Nào là, dịch bệnh tác động đến tiêu dùng nhưng con người vẫn phải tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp. Nhịn gì nhịn, giảm gì giảm, chứ cũng phải có cái mà ăn uống qua ngày! Trong khi ấy, xứ mình có điều kiện sản xuất lương thực, thực phẩm. Vậy là mình có một lợi thế rất lớn trong khi cả thế giới rối ren. Thiên hạ thiếu thì mình “tăng cường”. Thiên hạ cần thì mình “nâng cao”. Thiên hạ mua thì mình bán. Rủi ro của người này nhiều khi là cơ hội của người khác. Sản xuất dư thừa, vừa ăn vừa để dành hổng hết thì bán chứ sao! Bán trong nước cũng được, mà xuất khẩu cũng quá tốt!
Khi một thị trường bị tắc nghẽn, bao nhiêu là lời hô hào phải khai phá thị trường mới. Thị trường mới thì khó tính hơn, tiêu chuẩn yêu cầu cao hơn, phải tốn nhiều chi phí gia nhập thị trường hơn. Nào là, nếu không chuyển hướng thì tiếp tục sẽ bị rủi ro vì “bỏ trứng vào một rổ”. Nào là, “trong nguy có cơ”, thị trường mới rộng mở với bao nhiêu là hiệp định song phương, đa phương đã được ký kết. Nhưng, có người cho rằng mình có “căn bệnh hay quên”. Nói là nói vậy nhưng khi thị trường láng giềng mở cửa ra dù “he hé” thôi thì vẫn bằng mọi cách đổ xô vào. Vậy mình có tiếp tục chuyển hướng hay vẫn tiếp tục “tư duy sản xuất” lấy sản lượng làm mục tiêu chứ không chuyển sang “tư duy kinh tế” – lấy giá trị gia tăng là đích đến như Nghị quyết Chính phủ đã nêu? Mình có chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế thị trường hay vẫn theo truyền thống mà làm? Mình có tiếp tục xây dựng chuỗi ngành hàng dựa trên quy mô sản xuất hay vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ?
Muốn có sức để “đỡ” thì phải dựa vào chất lượng của cái “trụ”. Cái “trụ” đó phải chăng là hàng chục triệu hộ nông dân vốn được xem là trung tâm, là chủ thể của nền nông nghiệp và chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp? Hàng chục triệu hộ nông dân, đa phần là tay lấm chân bùn, làm cách nào tiếp cận được với nền tảng tri thức để năng suất lao động cao hơn, chất lượng nông sản đáp ứng được thị trường thời hội nhập. Hàng chục triệu hộ nông dân đó thế nào là phát triển bền vững, không đánh đổi bằng sự tổn thương thiên nhiên, cộng đồng và bản thân mình để đạt được mục tiêu lợi nhuận. Hàng chục triệu hộ nông dân phải được đặt đúng vai trò chủ thể, được tham vấn những chính sách nông nghiệp ban hành.
Cái “trụ” đó phải chăng là hàng ngàn doanh nghiệp nông nghiệp đang loay hoay với bài toán nguyên liệu và thị trường? Doanh nghiệp nông nghiệp cần thị trường được khơi thông. Doanh nghiệp nông nghiệp cần sự nhất quán trong ban hành chính sách và thực thi chính sách. Doanh nghiệp cần sự đồng hành của cả hệ thống và sự thông hiểu của người nông dân. Nếu không có những tác động nhiều chiều như vậy, doanh nghiệp tiếp tục chỉ quan tâm đến những thương vụ ngắn hạn, thay vì đeo đuổi chiến lược dài hạn. Tất nhiên, điều đó còn đòi hỏi các doanh nghiệp có tâm, đủ tầm, và cả nền tảng văn hóa.
Để cái trụ bền vững, cần đến nền móng bền vững. Đó là một chiến lược dài hạn phát triển từng ngành hàng, từng phân khúc thị trường. Đó là chính sách vừa đúng, vừa trúng, vừa không bị méo mó bởi những nhóm lợi ích. Trong khi chúng ta có chiến lược “Tam nông” thì có quốc gia đưa ra khẩu hiệu “Nông nghiệp là sinh mạng. Nông thôn là tương lai”. Và họ kéo cả xã hội hành động thay vì chỉ thương cảm, xót xa. Họ thu hút sinh viên vào học các ngành nông nghiệp bằng các chính sách cụ thể. Đội ngũ khoa học trẻ này khi trở về nông thôn, làm việc trong các trang trại, hợp tác xã, trở thành những hạt nhân góp phần hình thành nền nông nghiệp hiện đại. Họ biến nông thôn thành nơi mọi người sẵn sàng trở về để đem những giá trị mới cho làng quê. Họ bắt cầu dẫn dắt tín hiệu thị trường về tận người nông dân để định hướng sản xuất trong từng mùa vụ. Họ kiến tạo chính sách tín dụng linh hoạt theo hướng kịp thời hỗ trợ nông dân khi bị rủi ro thị trường.
Một lãnh đạo một trường đại học có truyền thống đào tạo về nông nghiệp “than” rằng: Sinh viên chọn học các ngành liên quan đến nông nghiệp giảm dần, thậm chí có năm không đủ mở lớp. Không biết do các ngành “thời thượng” như công nghiệp 4.0, quản trị kinh doanh, thương mại quốc tế… dễ tìm kiếm việc làm thu nhập cao, hay viễn cảnh về một nền nông nghiệp chưa đủ sức hấp dẫn giới trẻ?
Một nền nông nghiệp mà chỉ duy nhất một mục đích là tăng sản lượng thì đâu cần nhiều hàm lượng tri thức!? Trong khi đó, nền nông nghiệp thiên về kinh tế thì cần bao nhiêu là lực lượng trí thức chuyên sâu. Nào là, phục tráng giống bản địa; nào là, lai tạo giống mới thích nghi với biến đổi khí hậu. Nào là, thay đổi quy trình sản xuất theo hướng nông nghiệp thông minh. Nào là, công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến, hạ tầng logistics, thương mại điện tử…
Hãy chăm chút cho “trụ đỡ” bằng các chính sách và chương trình hành động cụ thể. Không thể nói “trụ đỡ” là tự nhiên thành “trụ đỡ” mà không có giải pháp gia cố, bồi đắp cho bền vững.
Lê Minh Hoan/ Nguồn: https://www.thesaigontimes.vn/302757/hay-cham-chut-cho-tru-do.html