Câu chuyện các chỉ số

Vậy là, năm nay Đồng Tháp quê mình đoạt “cú đúp Á quân” trong các chỉ số xếp hạng Quốc gia. Vừa xếp thứ 2/63 tỉnh, thành về chỉ số “Hiệu quả quản trị và Hành chính công” cấp tỉnh (PAPI), vừa về Nhì trong chỉ số “Năng lực cạnh tranh” cấp tỉnh (PCI). Ông bà mình đúc kết “Phúc bất trùng lai”, nhưng xứ Sen hồng thì vẫn “trùng lai” rồi còn gì?!? “Vui sao nước mắt lại trào”, PCI hơn mười năm liên tục nằm trong tốp cao của cả nước không vui sao được?!?

Hổng vui sao được? Hổng tự hào sao được? Chỉ số xếp hạng là của Quốc gia mà, đâu phải “trong nhà đóng cửa mà khen nhau đâu, vuốt ve nhau đâu”? Đó là cảm nhận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đối với cung cách lãnh đạo, điều hành, quản trị của cả một bộ máy chứ đâu của một cá nhân nào, ngành nào?!? Tự hào là tự hào chung của cả bộ máy! Thành tích là thành tích chung của cả hệ thống! Năng động là năng động chung của đội ngũ lãnh đạo và từng cán bộ, công chức, viên chức. Đó là, hệ quả của một phương châm nhất quán từ nhiều năm làm trụ cột cho cải cách hành chính của Tỉnh: “Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc của bộ máy công quyền”!!!

Nhớ lại trước đây cũng không lâu lắm đâu, nhắc đến Đồng Tháp, nhiều người còn dùng những hình ảnh không khỏi nặng lòng. Nào là, “xứ bưng biền”! Nào là “nơi khuất nẻo”! Nào là “vùng trũng”! Mà nghĩ lại cũng đâu có sai! Trước kia “bưng biền thiệt”, “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh” mà! Không “khuất nẻo” sao được khi mà không có đường “Cái quan” đúng nghĩa nào đi ngang qua! Còn “vùng trũng” thì đúng là “trũng” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, ngập sâu nhất, hạ tầng yếu kém, “nắng bụi, mưa bùn”! Xuất phát điểm là vậy, mà giờ thì khác rồi nghen! Các chỉ số xếp hạng cấp Quốc gia, từ cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, môi trường kinh doanh, quản trị công, đặc biệt là năng lực cạnh tranh thì luôn đứng ở nhóm đầu nhiều năm liên tục đó!

Giờ đây nhắc đến quê mình thì nhiều người đã biết đến một “Đồng Tháp – Thuần khiết như hồn Sen”, với biểu tượng Bé Sen vui tươi, rạng rỡ. Giờ nhắc đến quê mình, nhiều lãnh đạo Trung ương hay nhắc đến một địa phương luôn năng động, có nhiều ý tưởng đổi mới, sáng tạo. Giờ nhắc đến quê mình, trên các phương tiện truyền thông thường đề cập đến các mô hình: “Cà phê doanh nghiệp – doanh nhân”, “Hội quán”, “Tổ nhân dân tự quản”… Giờ nhắc đến quê mình, nhiều người gắn với hình ảnh “một địa phương khởi nghiệp”, với nhiều sản phẩm khai thác từ tài nguyên bản địa cùng với khát vọng tuổi trẻ xứ Sen, xứ Sếu. Người quê mình giờ đã mạnh dạn, tự hào: “Tôi, công dân Đất Sen hồng!”.

Sống thì cần đến niềm hạnh phúc! Làm thì cần đến lòng tự hào! Đó là động lực để mà sống, mà làm việc, bên trong mỗi con người. Các chỉ số xếp hạng là động lực bên ngoài. Nhưng về mặt nào đó, chính động lực bên ngoài sẽ chuyển hoá thành động lực bên trong, cộng hưởng thành sức mạnh tiềm tàng trong mỗi người. Vậy là, trong cùng một năm thôi mà được xếp hạng cao về “Hiệu quả quản trị và Hành chính công” và “Năng lực cạnh tranh” – Đây chính là động lực mới cho người dân, doanh nghiệp xứ Sen hồng. Động lực đó khích lệ bộ máy tiếp tục cải tiến lề lối làm việc, cung cách quản trị xã hội. Động lực đó làm cho con người Đồng Tháp yêu thương nhau hơn, hợp tác với nhau hơn. Động lực đó giúp cho doanh nghiệp, bà con nông dân có thêm niềm tin, nghị lực vượt qua cơn bão mang tên “Đại dịch Covid-19”. Động lực đó sẽ tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI sắp diễn ra. “Dễ ta thì cũng dễ cho người, khó cho ta thì cũng khó cho người”! Phải hành động thay vì ngán ngẫm, ca thán!

“Chuyện gì rồi cũng qua”! Danh hiệu thì đã công bố rồi, “bằng này, bằng nọ” thì cũng đã nhận rồi! Vui thì vui rồi, tự hào thì đã tự hào rồi! Bây giờ lại bắt tay đi tiếp hành trình. “Thành công là cả hành trình chứ không phải là đích đến”! “Đường đua” còn dài mà, mọi người xung quanh đâu có chấp nhận đứng yên?!? Có khi mình vươn lên là do nơi nào đó tụt xuống, ngược lại có người bứt phá lên thì mình lại xếp sau. Vấn đề là tự mình đánh giá đúng điểm mạnh, tìm ra đúng yếu huyệt của mình thôi. Không có gì bất biến! Vậy là, phải tiếp tục “làm mới” mình! Vậy là, phải luôn “Suy nghĩ như suy nghĩ của người dân, doanh nghiệp/Trăn trở với những trăn trở của người dân, doanh nghiệp”! Người dân cần gì ở bộ máy, doanh nghiệp cần gì ở hệ thống? Làm sao guồng máy vận hành thật trơn tru? Để bộ máy vận hành trôi chảy, luôn cần đến kiểm tra, giám sát. Không ai giám sát bộ máy công quyền bằng người dân, doanh nghiệp! Và cũng không ai kiểm tra, giám sát mình bằng chính mình!

Xã hội luôn vận động. Môi trường kinh doanh luôn khắc nghiệt. Nông dân luôn “thắc thỏm” từng mùa vụ. Bộ máy phải luôn bên cạnh, cùng đồng hành thực sự với người dân, doanh nghiệp. Muốn đồng hành vậy phải thấu hiểu cảm xúc những người bạn đồng hành. Vậy là, phải học, “học để biết, học để làm”, học để khẳng định giá trị “công bộc” của mình, học để cùng đồng hành với người dân và doanh nghiệp trên chặng đường nhiều chông gai phía trước!

XÍCH LÔ/ Nguồn: Facebook Nguyễn Hữu Nhân