Hạnh phúc lớn nhất của thầy cô là kết quả học tập của học sinh

Nhìn thấy học sinh chăm ngoan, tiến bộ mỗi ngày là niềm hạnh phúc lớn nhất của giáo viên. Để làm được điều đó, thầy cô cũng cần thường xuyên trau dồi kiến thức, phương pháp giảng dạy cho phù hợp.

Hạnh phúc của giáo viên

Thầy Nguyễn Phú Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (Long Biên, Hà Nội) cho rằng, thầy cô cần nỗ lực hết mình, thể hiện đúng tinh thần “yêu trường, mến trẻ”, thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học mới có thể bắt kịp thời đại.

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhiều nơi phải học online, nếu giáo viên không tích cực khai phá bản thân, bổ sung kiến thức về công nghệ thông tin thì không thể đáp ứng việc dạy học như hiện nay.

Phụ huynh cũng cần đồng hành trong việc giáo dục con trẻ. Bố mẹ không thể dạy được kiến thức như thầy cô, nhưng có thể rèn con ý thức, đạo đức. Cần cho học sinh thấy được ý nghĩa của việc học, từ đó ý thức được trách nhiệm bản thân mình.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng tạo điều kiện, đáp ứng cơ sở vật chất, cử giáo viên đi học, tập huấn, nâng cao trình độ, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp chuyên môn để giáo viên có thể đạt được hiệu quả cao trong công việc.

Học sinh càng thành công, thầy cô càng hạnh phúc. Ảnh: Bảo An.

Ngoài ra, chính sách đối với nhà giáo rất quan trọng. Ví dụ: Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục của nước nhà, Chính phủ đã có sự quan tâm đặc biệt tới đội ngũ thầy cô – những kỹ sư tâm hồn bằng sự động viên về vật chất như giữ thâm niên nhà giáo, phụ cấp đứng lớp.

Mục đích của chúng ta là đào tạo ra các thế hệ có tri thức, trình độ để làm việc, công hiến, giúp ích cho xã hội.

Vì vậy, niềm vui lớn nhất của người làm thầy là nhìn thấy học sinh chăm, ngoan, học giỏi. Học sinh càng thành công, thầy cô càng cảm thấy hạnh phúc. Đó là món quà vô giá của học sinh dành tặng cho thầy cô mình”, thầy Cường chia sẻ.

Theo PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, trước bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, điều mong muốn, hạnh phúc nhất của giáo viên là việc dạy và học vẫn đạt được chất lượng như mong muốn. Để làm được điều này, giáo viên cần thay đổi các phương pháp.

Nhà trường, giáo viên và phụ huynh cần phải kết hợp chặt chẽ mới có thể giúp học sinh chăm ngoan, thành công hơn. Đây cũng là niềm hạnh phúc nhất của mỗi giáo viên.

Thay đổi quan niệm

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), hạnh phúc được định nghĩa là trạng thái cảm xúc tích cực.

Hạnh phúc lớn nhất của giáo viên là kết quả học tập của học sinh. Giáo viên có thể nhìn thấy sự tiến bộ từng ngày của học trò. Các em cũng cảm thấy hứng thú trong mỗi bài giảng của giáo viên.

“Thầy, cô cũng cảm thấy hạnh phúc khi nhà trường có thể ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của bản thân. Các quy trình của nhà trường được cải tiến dựa trên sự quan tâm, đầu tư vào quá trình chuyên môn, tập trung vào giáo viên và người học.

Tất cả mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng, trách nhiệm, tạo môi trường thân thiện, hài hòa để giáo viên cảm thấy an toàn, yên tâm công tác…”- PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Bên cạnh đó, ông Nam cho rằng, để tạo nên được môi trường an toàn, có được các mối quan hệ thân thiện, tôn trọng phải cần những chỉ đạo, pháp chế của ngành GD – ĐT.

Hiện nay, ngành có các đề án đạo đức lối sống, đưa ra các quy trình hành vi ứng xử… để tạo ra môi trường an toàn, thân thiện trong các nhà trường, giúp giáo viên hạnh phúc.

Mặt khác, hình ảnh, vai trò và vị thế của người thầy cũng cần được truyền đến học sinh qua những hành vi của người lớn ở cộng đồng để các em có thể thấy được sự hy sinh, đóng góp của giáo viên, từ đó thể hiện thái độ tôn trọng đối với thầy cô.

Thầy cô cần thay đổi về quan niệm “giỏi” ở học sinh trước xu hướng hiện nay. Ảnh: Bảo An.

Thầy cô phải thay đổi khái niệm “giỏi” để phù hợp với thời đại mới. Trong giáo dục cá nhân hóa và giáo dục năng lực mà chúng ta đang hướng đến, mỗi trẻ có thế mạnh riêng. Nhiệm vụ của giáo viên là khám phá, khai phá ra những “hạt mầm”, nuôi dưỡng bằng tấm lòng, dùng các phương pháp sư phạm phù hợp để giúp các em thành công cả về năng lực và phẩm chất.

“Giáo viên phải là người tạo động lực, truyền cảm hứng và tổ chức lớp học để học sinh thích thú. Vì vậy, thầy cô cần tự cập nhật mình với những phương pháp sư phạm mới giúp các em có được động lực học tập.

Đặc biệt, Việt Nam trong tương lai sẽ trở thành quốc gia số, giáo viên cần phải hình thành cho học sinh, Muốn làm được điều này, bản thân thầy cô cần nâng cao năng lực của mình mới có thể dạy cho các em trở thành công dân số”, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Theo Giáo dục và Thời đại