Điểm tin văn bản mới nổi bật Tuần 48 Năm 2020

Sau đây là những văn bản nổi bật mà THƯ VIỆN PHÁP LUẬT đã cập nhật được tuần qua (từ ngày 07 – 13/12/2020):

1. Lịch nghỉ tết Âm lịch năm 2021 đối với cán bộ, công chức, viên chức

Bộ LĐ-TB&XH có Thông báo 4875/TB-BLĐTBXH về việc nghỉ tết Âm lịch và Quốc khánh trong năm 2021 đối với cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ.

Theo đó, dịp nghỉ tết  Âm lịch năm 2021 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ liền 07 ngày liên tục, từ ngày 10/02/2021 đến hết ngày 16/02/2021 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu).

Xem chi tiết tại Thông báo 4875/TB-BLĐTBXH ngày 10/12/2020.

2. Tiêu chuẩn tuyển sinh theo chế độ cử tuyển: Người được cử tuyển không được quá 22 tuổi

Ngày 08/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 141/2020/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số.

Theo đó, tiêu chuẩn chung khi tuyển sinh theo chế độ cử tuyển được quy định như sau:

– Không quá 22 tuổi tính đến năm tuyển sinh, có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành.

(Hiện hành, Khoản 3 Điều 6 Nghị định 134/2006/NĐ-CP quy định không quá 25 tuổi tính đến năm tuyển sinh).

– Thường trú từ 05 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;

Có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi (hoặc có một trong hai bên là cha đẻ hoặc mẹ đẻ, cha nuôi hoặc mẹ nuôi), người trực tiếp nuôi dưỡng sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

– Đạt các tiêu chuẩn sơ tuyển đối với các ngành, nghề có yêu cầu sơ tuyển.

Nghị định 141/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/01/2020.

3. Kiểm sát quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản

Ngày 09/12/2020, VKSNDTC ban hành Quyết định 436/QĐ-VKSTC Quy định về quy trình kiểm sát việc giải quyết phá sản.

Theo đó, khi kiểm sát quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, công chức thực hiện theo quy trình tại Điều 4 Quy định này và lưu ý các nội dung cụ thể sau đây:

– Kiểm sát thời hạn ra quyết định: Căn cứ vào ngày Thẩm phán ra Thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản để kiểm sát;

– Kiểm sát thời hạn thông báo quyết định: Căn cứ vào ngày Tòa án ra quyết định, ngày gửi theo dấu bưu điện trên bì thư và ngày VKS nhận được quyết định để kiểm sát;

– Kiểm sát hình thức quyết định: Căn cứ Khoản 4 Điều 42 Luật Phá sản để kiểm sát quyết định có đầy đủ các nội dung như quy định hay không;

– Kiểm sát nội dung quyết định: Căn cứ vào báo cáo tài chính, bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ,… để xác định doanh nghiệp, hợp tác xã có mất khả năng thanh toán hay không;

– Khi kiểm sát quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, nếu phát hiện Tòa án có vi phạm nghiêm trọng thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị theo quy định.

Xem nội dung chi tiết tại Quyết định 436/QĐ-VKSTC có hiệu lực từ ngày 24/12/2020.

4. Thủ tục thi tuyển công chức

Nội dung này được đề cập tại Quyết định 1065/QĐ-BNV về công bố thủ tục hành chính tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Theo đó, thủ tục thi tuyển công chức gồm 06 bước:

Bước 1. Thông báo tuyển dụng và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển công chức (Điều 13 Nghị định 138).

Bước 2. Tổ chức thi tuyển.

Bước 3. Xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức (Điều 9 Nghị định 138).

Bước 4. Thông báo kết quả tuyển dụng công chức (Điều 15 Nghị định 138).

Bước 5. Hoàn thiện hồ sơ của người trúng tuyển (Điều 16 Nghị định 138).

Bước 6. Quyết định tuyển dụng và nhận việc (Điều 17 Nghị định 138).

Xem chi tiết thủ tục tại Quyết định 1065/QĐ-BNV có hiệu lực từ ngày 10/12/2020.

Thùy Liên
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT