Địa điểm Bộ Quốc gia giáo dục

Cuối năm 1950, Bộ Quốc gia giáo dục (tên gọi này từ năm 1945 đến năm 1960, sau đó đổi thành Bộ Giáo dục và Đào tạo) ở và làm việc tại xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang, Đầu năm 1951, cơ quan Bộ chuyển lên thôn Khuôn Trú, xã Yên Nguyên làm việc cho đến tháng 7/1954. Xã Yên Nguyên nằm ở phía Nam của huyện Chiêm Hóa, có vị trí địa lý hiểm trở, đảm bảo an toàn bí mật, thuận tiện giao thông liên lạc. Các cán bộ được sự giúp đỡ của nhân dân địa phương đã xây dựng gần chục ngôi nhà làm nơi ở và làm việc cho các bộ phận làm việc của Bộ.

Thời gian này, Bộ Quốc gia giáo dục do đồng chí Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng. Tổ chức của Bộ bao gồm: Nha Tiểu học vụ, Nha Trung học vụ, Văn phòng Thứ trưởng, phòng cán bộ tổ chức văn thư, Vụ Trung học và chuyên nghiệp, phòng chuyên môn, Ban biên tập tạp chí giáo dục, bộ phận in và hậu cần. Sau hợp nhất Nha tiểu học và Nha trung học chuyên nghiệp nên Bộ chỉ còn Nha phổ thông và Nha bình dân học vụ.

Sắc lệnh số 83/SL ngày 24/02/1952 hợp nhất Vụ Văn học nghệ thuật với Nha Thông tin thành Nha Tuyên truyền Văn nghệ thuộc Phủ Thủ tướng. Bộ Giáo dục vẫn tiếp tục thực hiện đề án cải cách giáo dục đã được thông qua năm 1950. Tính chất của nền giáo dục mới là của dân, do dân và vì dân được xây dựng trên nguyên tắc: dân chủ, khoa học, đại chúng. Theo đề án giáo dục, bậc phổ thông kéo dài 9 năm, chia ra các cấp cụ thể như: cấp I – 4 năm, cấp II – 3 năm, cấp III – 2 năm; Ngôn ngữ được giảng dạy là tiếng Việt thay cho tiếng Pháp và chữ Nho; Dự bị đại học trước là 2 năm sau chỉ còn 1 năm. Song song với hệ thống phổ thông 9 năm, hệ thống giáo dục bình dân học vụ – bổ túc văn hóa và hệ thống giáo dục chuyên nghiệp cũng được quy định rõ các cấp học, thời gian học tương đương. Mục tiêu của cuộc cải cách giáo dục lần này là giáo dục thế hệ trẻ trở thành người công dân lao động tương lai, trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, có đủ phẩm chất năng lực để phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân.

Cùng với những thành tựu của bình dân học vụ – bổ túc văn hóa, Bộ Quốc gia giáo dục đã chỉ đạo thực hiện một nền giáo dục phổ thông. Tháng 7 năm 1954, Hội nghị Cán bộ công đoàn toàn quốc được triệu tập tại Việt Bắc, hơn 50 đại biểu các tổ chức công đoàn giáo dục và chiến sĩ thi đua của ngành giáo dục từ các liên khu kháng chiến về dự. Hội nghị khẳng định tinh thần tập trung đoàn kết chiến đấu và nhiệt tình thi đua của anh chị em giáo viên kháng chiến.

Qua 4 năm làm việc tại Khuôn Trú là khoảng thời gian chứng kiến những bước trưởng thành của ngành giáo dục. Từ đây, Bộ Quốc gia giáo dục đã có những chỉ đạo quan trọng đối với toàn ngành, cán bộ và nhân viên Bộ Quốc gia giáo dục bằng những kết quả đạt được đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi vẻ vang của cuộc trường kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp.

Với giá trị tiêu biểu trên,Địa điểm Bộ Quốc gia giáo dục (1951 – 1954), xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 08/2006/QĐ-BVHTT ngày 17/01/2006./.

Khánh Chi (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)/ Nguồn: http://dsvh.gov.vn/