ĐỂ TAY MÌNH VƯƠNG … MÙI HƯƠNG

Có một thời tôi bỏ dạy học chuyển sang kinh doanh. Tôi mở một shop bán quần áo và đồ chơi trẻ em cao cấp. Shop của tôi nằm trong một khu dân cư đông đúc. Vì nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng nên cũng khá đắt hàng. Hàng cao cấp, một bộ đồ nhèm cũng giá vài trăm ngàn, một xe điều khiển từ xa có giá cả triệu. Thế mà khách cũng đông…

Vài lần quan sát, tôi thấy có vài người mẹ buôn gánh, người mẹ công nhân đi qua nhìn nhìn ngó ngó rồi đi luôn không dám ghé. Tôi liền mở thêm một quầy bán toàn đồ chơi trẻ em bình dân, giá mềm cho họ có cơ hội mua đồ chơi cho con.

Khách của tôi có nhiều hạng.

Đông nhất là những người mẹ giàu có, đi xe xịn, mặc đồ hiệu, chở theo một đứa con. Họ ào vào vào tiệm. Đứa con sà ngay vào quầy đồ chơi giá bạc trăm. Người mẹ sa sả mắng con: “Mua cả đống rồi, thôi đi về. Tao đánh cho bây giờ.” Đứa bé giãy khóc, ăn vạ. Thế là người mẹ móc tiền ném xoạch ra quầy, lấy món đồ chơi rồi lôi con đi. Có người mẹ vừa lôi con vừa đánh con bôm bốp. Đứa bé vừa cầm đồ chơi vừa trả lời chỏng chảnh ngang hàng với mẹ. Tôi nhìn theo họ lắc đầu.

Loại khách thứ hai mà tôi thường gặp là loại người rất rộng rãi. Họ chỉ xuất hiện khi tôi gần đóng cửa, khi phố đã vắng hoe. Đó là những người đàn ông ngà ngà say, hơi men nồng nặc. Họ nhào vào quán, chọn đồ chơi đắt tiền, không cần nhìn giá và không cần thối tiền. Họ phóng vụt đi ngay. Đó là món quà cho con nhưng để làm vơi bớt cơn giận dữ của vợ, vơi bớt nỗi hối hận bỏ quên gia đình của mình. Lạ làm sao, số khách này khá nhiều và chiếm gần nửa số khách hàng.

Chạnh buồn khi nghĩ đến những đứa con của những người đàn ông này. Quà đắt tiền đấy mà làm sao thay thế nổi bàn tay chăm sóc và nâng niu của người cha, làm sao thay thế nổi thời gian mà lẽ ra cha phải dành cho con mỗi tối.

Có một loại khách mà tôi trông chờ là người mẹ, người cha trí thức, dẫn con đến rồi cùng con chọn đồ chơi. Những đứa trẻ ngoan chỉ dám nhìn lướt qua qua quầy đồ chơi cao cấp mà không dám đòi hỏi. Cha, mẹ cùng con chọn đồ chơi với giá vừa phải. Loại đồ chơi họ chọn nghiêng về loại phát triển trí tuệ, không bao giờ mua súng, mua dao kiếm hay các loại đồ chơi mang tính bạo lực khác. Cha mẹ và con bàn bạc rất kỹ, dường như dịp này cha mẹ muốn dạy con cách tiêu tiền hợp lý và chọn đúng thứ mình cần. Sau cùng người cha (mẹ) trả tiền, nắm tay con rời khỏi tiệm trong tâm trạng vui vẻ. Con hồn nhiên cười, cảm ơn cha (mẹ) và cảm ơn cả người bán. Cha mẹ nhìn con bằng cái nhìn xiết bao âu yếm.

Có một loại khách tôi mong gặp nhất nhưng tần số gặp không nhiều. Đó là những người mẹ gánh một gánh bánh canh hay một người mẹ công nhân lam lũ, quần áo bạc màu. Họ ngần ngại bước vào shop, dạo qua một vòng rồi dừng lại ở quầy đồ chơi giá bình dân. Họ hỏi giá nhiều món, cầm lên đặt xuống mấy lần, cân nhắc mấy lần. Rồi cuối cùng họ chọn đúng món đồ chơi mà họ biết con họ từng ao ước. Họ chậm rãi trả tiền, cẩn thận móc ra xấp tiền, đếm đi, đếm lại từng đồng bạc lẻ đẫm mồ hôi. Như nghĩ tới con, mắt họ sáng lên ngọn lửa yêu thương. Họ ngắm mãi món đồ chơi mới mua rồi mới bỏ vào giỏ. Họ bước ra khỏi quán trong tâm trạng hạnh phúc, không quên mở lời cảm ơn tôi. Bán hàng cho những người đó tôi cảm thấy vui làm sao. Tôi nghĩ đến mấy đứa trẻ (chắc đầu khét nắng, đen nhẻm) nhào ra ôm lấy mẹ, ríu rít vui cười. Nhìn thấy món quà mẹ cho, mắt chúng sáng lên, cũng hạnh phúc như ánh mắt mẹ của chúng. Và biết đâu, có khi niềm vui nhận quà ấy in mãi trong ký ức chúng đến khi chúng lớn lên và cũng trở thành một người mẹ, người cha…

Có một khách đặc biệt đến với shop, đó là hai mẹ con nhà biệt thự góc phố sang trọng bên kia đường. Đứa bé gái tên Su Su, chừng sáu tuổi, bụ bẫm, dễ thương. Mẹ bé là giám đốc một công ty xuất nhập khẩu, ba bé là một giáo viên dạy văn cấp hai bình thường, giản dị. Họ đến shop vài lần, hốt về một xe ngập đồ chơi, là loại đồ chơi không đắt tiền. Tôi không hiểu sao họ có một đứa con thôi mà mua đồ chơi nhiều đến thế. Có lần, trong lúc hai mẹ con đang bàn bạc mua loại đồ chơi gì thì tôi mạnh dạn góp ý với người mẹ: “Chị mua loại búp bê này làm gì, em có hàng mới rất đẹp, búp bê vừa bò, vừa hát, giá hai trăm ngàn thôi. Su Su sẽ thích cho xem”. Người mẹ từ tốn trả lời: “Tôi không mua cho Su, tôi mua cho các bạn nó ở một trại mồ côi. Tôi biết, con nít đứa nào cũng thích đồ chơi mà.” Tôi ngỡ ngàng không nói nên lời…

Người ta hay bảo: “Của cho không bằng cách cho”. Cũng có câu: ‘’Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng vương lại mùi hương”. Tặng con món quà tức trao cho con niềm vui. Người tặng có khi còn hạnh phúc hơn người nhận không biết chừng. Cũng có người tặng con món quà trong sự hằn hộc, chẳng dạy con điều gì ngoài việc thoả mãn sự đòi hỏi mỗi lúc một cao hơn của con. Cũng có người tặng con món quà với ý muốn “hối lộ” và mua chuộc. Món quà đó chẳng có ý nghĩa nào với người nhận là đứa con, đôi khi nó chỉ để lại trong ký ức trẻ một kỷ niệm buồn. Cũng có khi món quà không chỉ là niềm vui người mẹ, người cha trao cho con mà món quà là một thông điệp ngọt ngào của tình yêu thương vô bờ bến. Cũng có người đến với tiệm tôi để trao cho con niềm vui được chia sẻ, món quà này mẹ cho con dường như vô giá.

Làm thế nào để tay người mẹ, người cha vương mùi hương, tay con trẻ vương mùi hương cũng là điều cần suy nghĩ…

Việt Tạ (sưu tầm)