ĐỀ KIỂM TRA HK II – TIẾNG VIỆT LỚP 5 – ĐỀ 2 (LÀM BÀI TRỰC TIẾP TRÊN WEBSITE)

Dưới đây là đề Kiểm tra HK II môn Tiếng Việt lớp 5. Đề số 2 này giúp các em làm quen với những câu hỏi kiểm tra với việc đọc hiểu bài đọc đã cho. Thông qua đề kiểm tra này các em ôn lại được rất nhiều kiến thức Tiếng Việt.

Học sinh đọc thầm bài văn sau đây từ  5 đến 10 phút sau đó làm các bài tập bên dưới.

Thông thường người đi xa trở lại quê nhà hay kể với bà con láng giềng chuyện lạ phương xa. Riêng tôi về làng, về xứ, lúc nào cũng thích nói đến cái đẹp, cái lớn quê mình.

Tuổi thơ tôi đã hằn sâu trong ký ức những ngọn núi trông xa lấp lánh như kim cương, lúc xanh mờ, khi xanh thẫm, lúc tím lơ, khi rực rỡ như núi ngập màu xanh. Những năm tháng xa quê, giông tố cuộc đời tưởng chừng cuốn bay tất cả, nhưng trong tâm tư tôi những dòng sông quê mênh mông vẫn cuồn cuộn chảy, những dòng kênh biêng biếc vẫn lặng lờ trôi. Tôi yêu những cánh đồng bao la vàng rực ngày mùa, mù mịt khói rạ, thơm vị mía lùi và trắng xoá sương mù sau Tết. Yêu cả tiếng chuông chùa ngân thăm thẳm canh khuya.

Tôi yêu ánh nắng chiều tà trải màu vàng tái trên rẫy khoai mì, nghiêng nghiêng bên triền núi. Biết bao đêm trăn trở tôi viết bao trang về con rạch nhỏ cạn lờ chảy qua bến Miễu, cát vàng xâm xấp nước. Tôi yêu màu đá xám đen, tấm phên xác xơ che nắng cho người đập đá. Tôi nhớ ngọn cỏ phất phơ giữa đồng nước lớn, cây cà na trái nặng chùm chùm, cây gáo mồ côi, cây gáo đôi im lìm xa ngoài đồng bãi.

Như con chiên ngoan mơ về “Đất Hứa”, tôi da diết mong gặp lại cây đa bến Miễu, cây me già Đá Chẹt, con đường quanh co lồi lõm lên Pháo Đài. Tôi nhớ những dòng nước lấp lánh từ triền đá cao ào ào đổ xuống, róc rách len vào khe đá rồi thong thả bò qua con đường trải đá, chảy xuống xóm làng…..

                                                                                    (Trích Tản văn Mai Văn Tạo)

ĐỀ KIỂM TRA HK II - TIẾNG VIỆT LỚP 5 - ĐỀ 2

Hãy đọc kỹ yêu cầu bài tập để lựa chọn phương án trả lời đúng nhất.

Bây giờ, Hãy nhấp chuột vào START QUIZ để làm bài các em nhé!

Sau khi trả lời xong tất cả các bài tập. Hãy Clik vào nút FINISH QUIZ để nộp bài.

HÃY THA LỖI CHO EM

Giờ giảng văn đầu tiên. Nhìn cô giáo Vân viết trên bảng, nét chữ run run, không thẳng hàng, mấy bạn lớp tôi xì xào, đưa mắt nhìn nhau.

Bỗng dưng, Khôi đứng dậy nói to:

– Thưa cô, chữ cô viết khó đọc quá!

Cô Vân đứng lặng người. Đôi mắt cô chớp chớp, mặt cô đỏ lên rồi tái dần. Viên phấn trên tay cô rơi xuống. Phải mất vài phút, cô mới giảng tiếp được. Giờ học hôm đó kết thúc muộn.

Trước khi cho lớp nghỉ, cô Vân nói nhỏ nhẹ:

– Trước hết, cô xin lỗi các em vì giảng quá giờ. Còn chữ viết…(Giọng cô đang ngập ngừng bỗng rành rọt hẳn lên) cô sẽ cố gắng trình bày đẹp hơn để các em dễ đọc.

Hôm đó, đến phiên tôi và Khôi trực nhật, tôi đến lớp sớm hơn ngày thường. Thấy Khôi đang thập thò ngoài cửa lớp, tôi khẽ bước đến bên cậu ấy và nhìn vào. Trời ơi! Cô Vân đang mải mê nắn nót tập viết; thảo nào, những giờ giảng gần đây chữ cô viết khác hẳn ngày đầu.

Đang viết, bỗng nhiên viên phấn trên tay cô rơi xuống, cô ngồi thụp xuống đất, mặt nhăn lại đau đớn. Cô dùng tay trái nắn bóp tay phải khá lâu. Hình như đau quá, cô lấy tay lau nước mắt. Tôi hoảng hốt chạy vào ôm lấy cô, cầm bàn tay cô, tôi hỏi khẽ:

– Cô ơi, cô làm sao thế? Em đi báo với các thầy, cô ở văn phòng nhé?

– Không sao đâu các em ạ, một lát là khỏi thôi. Thỉnh thoảng, cô lại bị như thế. Chả là mảnh đạn còn trong cánh tay cô từ lúc ở chiến trường, gặp khi trở trời là vết thương lại tấy lên đấy thôi.

Tôi quay lại nhìn Khôi. Bỗng nó cúi đầu, rơm rớm nước mắt, giọng nó nghèn nghẹn:

– Cô ơi! Cô tha lỗi cho em, em có lỗi với cô.

Cô Vân từ từ đứng dậy, cô quàng tay lên vai chúng tôi, nhìn chúng tôi trìu mến:

– Không sao, cô không giận các em đâu. Thôi chúng ta cùng chuẩn bị đi, sắp đến giờ học rồi.

Phỏng theo Phan Thị Đoan Trang

(Tạp chí Vì trẻ thơ, số 119, tháng 12-2000)

Khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng (câu 1; 2; 7; 8); khoanh vào chữ “Đúng” hoặc “Sai” (câu 4) và hoàn thành các câu (3; 5; 6; 9; 10) :

Câu 1 (0,5 điểm): Giờ giảng văn đầu tiên, chữ viết trên bảng của cô Vân thế nào?

A. nét chữ nắn nót rất đẹp.

B. nét chữ run run, không thẳng hàng.

C. nét chữ run run.

D. nét chữ đẹp nhưng không thẳng hàng

Câu 2 (0,5 điểm): Thái độ lúc đầu của Khôi đối với cô giáo như thế nào?

A. Chê bai chữ viết của cô.

B. Xì xầm nói xấu cô.

C. Chăm chú theo dõi cô viết.

D. Không nghe cô giảng bài.

Câu 3 (0,5 điểm): Điền từ ngữ thích hợp vào chỗ trống để được ý đúng :

Mảnh đạn còn trong ……….cô từ lúc ở chiến trường, gặp khi …………là vết thương lại tấy lên rất đau.

Câu 4 (0,5 điểm): Dựa vào nội dung bài đọc, khoanh vào chữ “Đúng” hoặc “Sai”.

Thông tinTrả lời
Cô Vân luôn đến lớp sớm để tranh thủ luyện viết chữ trên bảng.ĐúngSai
Cô Vân bị thương ở tay nên không thể viết bảng được.ĐúngSai
Mỗi khi trở trời là vết thương ở tay cô Vân lại tấy lên rất đau.ĐúngSai
Cô Vân rất vui khi thấy các em biết quan tâm và nhận lỗi với cô.ĐúngSai

Câu 5 (1 điểm): Em có nhận xét gì về việc làm của cô giáo Vân và thái độ đối với Khôi?

Câu 6 (1 điểm): Em rút ra bài học gì qua truyện đọc trên?

Câu 7 (0,5 điểm): Dấu gạch ngang trong câu sau có tác dụng gì?

“Bỗng dưng, Khôi đứng dậy nói to:

– Thưa cô, chữ cô viết khó đọc quá!”

A. Đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại.

B. Đánh dấu phần chú thích trong câu.

C. Đánh dấu các ý trong đoạn liệt kê.

D. Giải thích cho bộ phận đứng trước.

Câu 8 (0,5 điểm): Từ nào dưới đây có thể thay thế từ giận trong câu: “Cô Vân từ từ đứng dậy, cô quàng tay lên vai chúng tôi, nhìn chúng tôi trìu mến:

– Không sao, cô không giận các em đâu.”

A. buồn

B. thương

C. trách

D. ghét

Câu 9 (1 điểm): Tìm 2 từ có thể thay thế từ hoảng hốt trong câu: “Tôi hoảng hốt chạy vào ôm lấy cô, cầm bàn tay cô, tôi hỏi khẽ:”

2 từ có thể thay thế là:

…………….……………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Câu 10 (1 điểm): Em hãy viết 1- 2 câu văn nói lên suy nghĩ của em về các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc.

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

B. KIỂM TRA VIẾT (10 điểm)

1. Chính tả: 2 điểm.

Giáo viên đọc cho học sinh viết đoạn văn trong bài Con gái (TV5 tập 2 trang 112). Từ đầu đến ……“tức ghê.”

2. Tập làm văn: 8 điểm.

Đề bài: Em hãy tả lại một cảnh đẹp mà em có dịp quan sát.

Đáp án Đề thi cuối kì 2 lớp 5 môn Tiếng Việt

A. BÀI KIỂM TRA ĐỌC:

1. Kiểm tra đọc thành tiếng kết hợp kiểm tra nghe, nói: (3 điểm)

2. Kiểm tra đọc hiểu, kết hợp kiểm tra từ và câu: (7 điểm)

CâuĐáp ánĐiểmGhi chú
1B0.5
2A0.5
3Điền lần lượt từ: cánh tay, trở trời0.5Điền đúng 1 từ ghi 0,25 điểm
4Thông tinTrả lờiCô Vân luôn đến lớp sớm để tranh thủ luyện viết chữ trên bảng.ĐúngCô Vân bị thương ở tay nên không thể viết bảng được.SaiMỗi khi trở trời là vết thương ở tay cô Vân lại tấy lên rất đau.ĐúngCô Vân rất vui khi thấy các em biết quan tâm và nhận lỗi với cô.Đúng1,0Khoanh đúng mỗi ý ghi 0,25 điểm
5– Cô Vân là người chăm chỉ, kiên trì vượt khó, thương yêu học sinh.- Cô Vân luôn cố gắng trong công việc và có lòng bao dung với học sinh.- Cô Vân là người phụ nữ dũng cảm, giỏi giang và hiền dịu………..- Cô Vân có lòng bao dung, thương yêu học trò0,5HS có thể nêu được ý phù hợp với nội dung bài:0,5 điểm
6VD: Bài học được rút ra:- Phải biết cố gắng vươn lên trong học tập và biết yêu thương, giúp đỡ mọi người.- Phải biết tôn trọng và thông cảm với người khác, biết tha thứ cho người khác khi họ hối hận và sửa chữa lỗi lầm.- Phải kính yêu thầy cô giáo, sẵn sàng nhận lỗi khi mình làm sai.- ……1HS có thể nêu được 1 ý hoặc có ý phù hợp với nội dung bài:1 điểm
7A0.5
8C0.5
9VD thay từ: vội vàng, vội vã, vội, ….1Đúng 1 từ ghi 0,5 điểm
10VD: Câu văn viết:- Chúng ta phải biết ơn các anh hùng, liệt sĩ vì họ đã hi sinh cho đất nước được bình yên… Để đất nước được giải phóng, được thống nhất như ngày hôm nay, rất nhiều người đã anh dũng hi sinh, chúng ta luôn phải biết ơn họ.1HS viết được câu văn hay phù hợp cho 1 điểm.

B. KIỂM TRA VIẾT: 10 điểm

I. Viết Chính tả: 2 điểm

– Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày sạch sẽ: 2 điểm.

– Sai lỗi chính tả (gồm âm đầu, vần, dấu thanh, không viết hoa đúng quy định) : trừ điểm như sau:

+ 1 lỗi: trừ 0, 25 điểm;

+ 2 – 3 lỗi: trừ 0,5 điểm;

+ 4 lỗi: trừ 0,75 điểm;

+ 5 lỗi: trừ 1 điểm;

+ 6 – 7 lỗi: trừ 1,25 điểm;

+ 8 lỗi trở lên: trừ 1,5 điểm.

* Lưu ý:

– Không trừ điểm về chữ viết và trình bày.

– Những lỗi sai giống nhau chỉ tính trừ một lần điểm.

II. Tập làm văn: 8 điểm

* Bài viết đảm bảo các yêu cầu sau thì đạt: (8 điểm)

– Nội dung: Viết đúng thể loại văn tả cảnh.

– Tả đúng trọng tâm đề bài, bài viết có bố cục rõ ràng. Bài viết nói lên được cảm nghỉ của em về cảnh đẹp đó.

– Viết đúng ngữ pháp, dùng từ đúng, không mắc lỗi chính tả, hành văn trong sáng, bộc lộ cảm xúc của mình với cảnh đẹp; bài viết có sử dụng một số hình ảnh nhân hóa hay so sánh để bài viết thêm sinh động.

– Chữ viết rõ ràng, trình bày đúng, đẹp.

– Bài viết có khoảng trên 18 câu. Bố cục chặt chẽ, đủ 3 phần (Mở bài, thân bài và kết bài).

– Tuỳ theo mức độ sai sót về ý, diễn đạt và chữ viết có thể cho các mức điểm

Ngọc Sơn – KỸ NĂNG CẦN BIẾT

https://kynangandlifeskills.com/2021/04/19/de-kiem-tra-hk-ii-toan-lop-5-de-2-thuc-hanh-truc-tiep-tren-website/