Chùa Shwedagon ở Myanmar. Ảnh: Shutterstock
Chùa Shwedagon ở Yangon, Myanmar được xây dựng trên ngọn đồi thiêng Singuttara, diện tích gần 50.000 m2. Đây là công trình Phật giáo linh thiêng bậc nhất ở Myanmar.
Theo truyền thuyết của người Myanmar, chùa Shwedagon có hơn 2.500 năm lịch sử. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ ước tính công trình bắt đầu xây dựng từ thế kỷ 6. Trải qua nhiều lần trùng tu, chùa hiện có 4 tòa tháp chính ở trung tâm và 64 tòa tháp nhỏ bao quanh, tất cả đều dát vàng. Ước tính người Myanmar đã sử dụng 72 tấn vàng cùng hàng nghìn viên kim cương, đá quý để xây dựng kiệt tác này.
Các nhà sư, gia đình và tín đồ đạo Phật coi việc hành hương tới chùa Shwedagon cũng giống như người theo đạo Hồi phải tới thánh địa Mecca một lần trong đời. Chùa Shwedagon cũng là nơi diễn ra nhiều nghi lễ Phật giáo quan trọng. Một trong số đó là lễ xuất gia (Shin Pyu hoặc Noviciation Ceremony) – nghi lễ quan trọng nhất trong đời người Myanmar.
Ngày nay chùa Shwedagon không chỉ là công trình tôn giáo linh thiêng mà còn là biểu tượng du lịch của Myanmar.