LÒNG DÂN

Quê hương Đồng Tháp ngày xưa (thời còn chiến tranh) có rất nhiều câu chuyện thật li kỳ và hấp dẫn về Lòng dân vùng đất Tháp. Thông qua những câu chuyện của tác giả Hồ Dương (tên thật là Mai Thúc Bình) chúng ta càng cảm thấy yêu quý nhiều hơn sự mộc mạc, chân thành, đầm ấm nghĩa tình của ông ta cha thời xưa đã lưu truyền mãi nơi vùng đất Sen Hồng này. KỸ NĂNG CẦN BIẾT mời quý đọc giả cảm nhận những điều ấy qua Câu chuyện Lòng dân!

        Ngày 24 tháng 2 năm 1956 đã để lại dấu ấn không phai mờ trong đời tôi.

        Tối ấy đang trên đường xuống cơ sở mật họp bàn việc biểu tình chống bầu cử Ngô Đình Diệm thì tôi bị hương quản Phúc(1) dẫn bảo an quận bắt. Chúng giam tôi, anh Tư và Biện Em ở khám đường Cao Lãnh.

        Sau 2 ngày tra tấn không moi được gì, đích thân Đặng Như Thiết(2)– đại uý quận trưởng Cao Lãnh(3) hỏi cung.

        Tên Thiết quát:

        – Mày là cộng sản nằm vùng, uỷ viên xã đoàn Tịnh Thới. Đúng không? Bây giờ khai mau: tối qua mày đi đâu, đến nhà ai?

        – Tôi đi chùa cúng…

        – Đ…mẹ, cúng chùa hả!- Hắn nện búa cao su tới tấp vào đầu, vai tôi.

        Tra tấn hơn 1 giờ tôi không còn biết gì nữa. Trời nhá nhem tối hôm sau chúng dẫn anh Tư, Biện Em và tôi đi. Anh Tư hỏi đội Bảo(4):

        – Ông đưa tụi tôi đi đâu?

        – Đi khui hầm súng. Thằng Phú An khai hết rồi (Phú An là tôi).

Đội Bảo vừa quay lưng, Biện Em nghi ngờ hỏi nhỏ:

– Hồi chiều Phú An khai gì vậy?

Biết bọn cảnh sát dùng kế ly khai, tôi đoán:

– Chắc nó gạt mình đây. Hay nó định đưa mình đi thủ tiêu? Mấy hôm rày có người bị dẫn đi ban đêm nhưng không thấy quay về.

Ra gần tới xe tôi dặn hai bạn tù:

– Trên đường đi, hễ ai nghĩ được “chước” gì hay thì ra dấu cho biết, tất cả cùng làm theo nghe.

Ba người tù bị ấn ngồi bệt xuống sàn xe, 9 tên lính ngồi dãy ghế 2 bên.    

Tôi căng óc tính. Khu vực này có mấy đơn vị Cao Đài ly khai(5). Khi đi ngang qua thì hô lên nhờ họ can thiệp. Nhưng nếu tụi lính không dừng xe thì làm sao? Chưa ổn.

Chiếc xe chở tù chạy không nhanh do nhiều ổ gà; đường này nhiều đoạn vắng có thể cướp súng…

Tôi nghĩ: mới 21 tuổi, chết thế này uổng quá.

Tôi mò mẫm cởi dây trói. Được 1 tay, rồi tay kia. Cuối cùng ba người cũng cởi xong. Đúng lúc ấy đội Bảo rút thuốc mời đồng bọn. Thật là cơ hội ngàn vàng: khi ánh lửa hộp quẹt loé lên làm lóa mắt bọn lính, chúng tôi lao vào mấy tên ngồi gần.

Nhưng cuộc chiến không cân sức nhanh chóng kết thúc. Chúng đấm đá xong trói tù nằm úp mặt xuống sàn xe, rồi ngồi đè lên từng người.

Xe dừng trên bến phà Cao Lãnh.

– Dẫn tụi nó ra ponton!- Tên Bảo ra lệnh rồi quay sang những người tù:

– Báo cho biết, hôm nay tụi bây đền tội!

*  *  *

Trăng 16 lên khỏi ngọn cây. Chính tại bến phà này hơn 2 năm trước, chúng tôi đã tiễn đồng đội xuống tàu tập kết ra Bắc. Hẹn 2 năm trở lại. Thế mà giờ đây sắp xa anh em vĩnh viễn. “Các đồng chí ơi, hãy trả thù cho chúng tôi!”

Chúng bắt ba người tù đứng quay mặt ra sông, cách mép ponton chừng bốn bước chân. Tên Bảo nắm đoạn dây nối với dây trói tử tù, đề phòng họ chạy.

– Chuẩn bị! – tiếng lên đạn lách cách.

Chúng tôi đồng thanh hô:

– Đả đảo Mỹ Diệm, tay sai! Cụ Hồ muôn…

Những loạt Carbine vang lên át mọi âm thanh. Chúng tôi ngã nhào xuống nước. Trong lúc chìm tôi bỗng thấy tay phải và chân trái còn bơi được. Thì ra đạn đã bắn đứt dây trói nối tôi với đồng đội, dù trên người tôi bị nhiều vết thương.

Vừa chìm tôi vừa lòn tay xuống mở dây trói ở chân và ngoi lên…ngay chỗ cũ.

– Đ…mẹ, còn một thằng chưa chết!

Chúng lùi lại rồi bắn xối xả. Nước tung trắng xóa trước mặt. Nghe nhói ở vai. Lặn ngụp liên tiếp mấy hơi may bám được giề lục bình. Và con nước lớn đẩy tôi trôi về hướng cồn So Đủa. (Sau này nghe kể lại, 2 ngày sau bà con mới vớt được xác anh Tư và Biện Em, tay chân còn nguyên dây trói).

 Tỉnh lại thấy mình tấp vào một doi đất. Phía trên là xóm của đồng bào đạo Hoà Hảo- vốn có bất hòa với những người cộng sản. Tôi định rút lui nhưng không còn sức. “Nếu họ tu thiệt lòng chắc không hại người”. Nghĩ vậy, tôi đánh liều bò vô một nhà với câu nói dối thủ sẵn cửa miệng “đi chơi bị lính tuần bắn lầm”.

Chị chủ nhà khoảng ngoài 30 tuổi đang nấu nước sửng sốt khi thấy một thân hình đầy máu ở bậc cửa.

– Trời ơi, anh sao vầy nè? Bị…bị bắn ở cầu bắc lúc nãy hả?

Dự định nói dối biến mất.

Chị đỡ tôi vô buồng, xé chiếc khăn băng vết thương.

Trông chủ nhà có vẻ gì là lạ: không nhìn thẳng vào người đối diện.

Chị đưa bộ đồ cũ:

– Anh mặc vô cho ấm.

– Dạ, tôi không lạnh.

Chị lặp lại lần nữa, mắt vẫn ngó lơ ra ngoài. Lúc này tôi mới nhìn lại mình: toàn thân không một mảnh vải. Thì ra trong lúc vừa chìm vừa cởi dây trói, tôi đã làm tuột luôn quần áo của mình.

– Để tôi kêu thằng em chở anh đi- nói xong chị bươn bả chạy ra đường.

Tôi chột dạ “không biết kêu em hay kêu lính đây?”

Một lúc sau chị quay lại thì thào:

– Tụi tự vệ đi tuần.

Bây giờ tôi mới hết nghi ngờ: nếu muốn hại tôi, chị đã không báo tin ấy.

Bà Bảy Tựu, Năm Xờm- mẹ và em trai chị tới.

Xem vết thương xong, bà Bảy quyết:

– Nặng lắm, chưa đi vô trong(6) được.

– Nhưng để ảnh ở đây, lỡ chồng con về…

Tôi đã hiểu: trên vách có ảnh cưới chị và một người lính cộng hòa.

Tôi được bà Bảy đưa về nhà. Hàng ngày, Năm Xờm nhờ một y tá nguỵ đến rửa vết thương và chích thuốc. Bà Bảy giải thích với người y tá:

– Nó là cháu tôi, ở Châu Đốc. Cũng là lính như chú, nhậu vô vài ly ganh gái bắn nhau rồi trốn xuống đây.

Tưởng cái “bánh vẻ” của bà thuyết phục được anh y tá, nhưng hôm chia tay anh ta cười cười:

– Thôi, “vô trỏng” ráng trị thêm kẻo nhiễm trùng nhe.

Mờ tối, Năm Xờm cõng tôi đặt nằm xuống khoang xuồng, đậy sạp lại, lấy lá nhà chất đầy xuồng.

– Má cho tôi đi với- Năm nài nỉ.

– Không được! Đi 2 mẹ con rủi lính bắn chết hết thì sao?

– Có gì đâu…Má lo quá!

Giọng bà Bảy nhỏ nhưng dứt khoát:

– Mày phải ở nhà! Lỡ có bề gì còn có người thờ ba mày, thờ tao.

Năm Xờm đuối lý.

Không biết thiếp đi được bao lâu, tôi bỗng giật mình vì tiếng quát và tiếng lên đạn:

– Xuồng chở gì, ghé “xét” coi!

Ánh đèn pin chiếu xuống. Bà Bảy bình tĩnh cặp xuồng vô bến đồn.

– Đi đâu khuya khoắt vậy bà già?

– Không giấu gì chú, hôm qua nhà bị bom cháy rụi, tui đi mua lá về lợp lại. Đợi nước lớn bơi cho nhẹ nên hơi khuya.

– Chở gì mà khẳm vậy? Đem gạo tiếp tế Việt cộng phải không?

– Chú giỡn hoài, Việt cộng bị mấy chú đánh chạy mất hồn, đâu dám ho he quay lại.

Tên lính gác bước xuống, lấy lưỡi lê đâm vào đám lá một lúc.

“ Nó mà mở sạp xuồng thì mình xong đời” tôi thầm nghĩ.

– Thôi đi đi. Bửa nào ra nhớ đem mấy con cá lóc nhậu chơi nha, bà già.

Lui xuồng ra khỏi bến đồn, bà lẩm bẩm “cho mầy mấy trái lựu đạn thì có”.

Bà Bảy đưa tôi vô tới căn cứ lúc trời đã hừng đông. Ăn vội chén cơm, bà quầy quả bơi về. Và cũng phải 19 năm sau tôi mới gặp lại người mẹ anh hùng ấy khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng.

*  *  *

Sau 30 tháng 4 năm 1975, hương quản Phúc đến nhà tìm tôi xin lỗi và có ý cầu thân. Tôi dứt khoát: tội ác của mấy ông ngày trước đối với tôi, với đồng chí, đồng đội tôi để cách mạng xét; tha thứ thì tôi đã tha thứ lâu rồi; còn quên à, có lẽ không bao giờ.

50 năm sau kể lại chuyện cũ, ông Phú An trầm ngâm:

– Đồng đội đã hy sinh, gia đình bà Bảy đã chọn sự hiểm nguy để giành cho tôi sự sống. Sau giải phóng tôi về tìm và nhận bà làm má nuôi. Năm 1978 bà mất khi tôi đang ở xa. Nghe kể, lúc hấp hối bà cứ nhắc tôi mãi như có ý chờ gặp trước khi ra đi ./.

Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Văn Sư (sáu Phú An), sinh năm 1935; cựu chiến binh, thương binh hạng 3; ngụ tại ấp 2, xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ông từ trần ngày 16  tháng 09 năm 2016.

Ghi chú:

– (1), (2), (4) tên những người này đã được thay đổi.

– (3) quận Cao Lãnh xưa, nay là thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

– (5) Lực lượng vũ trang của giáo phái Cao Đài đang chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ.

– (6) Vô vùng giải phóng.

Tác giả: Hồ Dương (tên thật Mai Thúc Bình)/ Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Đồng Tháp số tháng 6/2021