CÂU CHUYỆN ĐỀN ƠN

Dân tộc mình trải qua bao cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước. Những cuộc chia ly để rồi được sum họp. Những mất mát, hy sinh để Tổ quốc được hồi sinh. Biết bao con người cống hiến tuổi thanh xuân, tuổi đẹp nhất đời người, cầm súng “nhằm thẳng quân thù mà bắn” để mảnh đất này có cuộc sống bình yên hôm nay. Có biết bao người ra đi mãi mãi không trở về với người thân, gia đình. Có biết bao người ra đi khi trở về không còn lành lặn. Người ở lại thì luôn mòn mỏi ngóng trông từng ngày, từng giờ.

Mất mát là vậy, đau thương là vậy, nhưng thế hệ này nối tiếp thế hệ khác lại tiếp tục nghe theo tiếng gọi “Khi Tổ quốc cần” vào chiến khu, ra tiền tuyến. Có được khúc tráng ca ngày khải hoàn thì cũng đã trải qua bao lần lặng người với khúc bi ca “hồn tử sĩ”…

Có câu chuyện kể về một người chiến đấu trở về quê trên người đầy thương tích, cơ thể không còn lành lặn. Gia đình, người thân ra đón với những giọt nước mắt đầy xót thương. Người thương binh ngậm ngùi, con đã trở về đây rồi tại sao mọi người còn bi luỵ, hãy nhớ rằng, còn bao nhiêu đồng đội của con vĩnh viễn nằm xuống đâu có hạnh phúc như con còn được trở về trong vòng tay mọi người? Vậy đó, tinh thần lạc quan luôn thấm đẫm vào những người cách mạng. Trên mảnh đất này, từ rừng núi cao đến đảo xa, từ góc phố thành thị đến làng quê hẻo lánh, nơi nào mà không ghi dấu những chiến tích oai hùng, và đằng sau những chiến tích đó, bao con người đã ngã xuống, bao con người mang trên mình những vết thương.

Những vết thương rồi có thể chữa lành, nhưng còn những vết thương có thể còn di chứng trong nhiều năm, thậm chí là kéo dài đến nhiều thế hệ con cháu. Thật đau lòng khi chứng kiến con cháu gia đình thương binh, liệt sĩ nhiễm chất độc màu da cam, bị bệnh thiểu năng, học hành dang dở. Thật chạnh lòng khi đến thăm các gia đình chính sách, mặc dù nhà cửa có kín đáo hơn, nhưng vẫn thấy trống vắng tình cảm đầm ấm gia đình, và không ít trường hợp còn phải bươn chải mưu sinh. Trên bàn thờ nguội lạnh khói hương, những tấm bằng Tổ quốc ghi công đã úa vàng. Có những nỗi đau thể xác do di chứng những vết thương, đòn roi tra tấn của kẻ thù, nhưng dường như đâu đó còn có những nỗi đau về tinh thần biết bao giờ được lành lặn?

Vậy đó, câu chuyện “Đền ơn, đáp nghĩa” đâu phải chờ đến ngày 27/7, những ngày lễ, Tết, với những đêm “Thắp nến tri ân”, với những chuyến thăm nom nghĩa tình. Mỗi người hãy khắc ghi vào tâm khảm của mình những người đã mang lại sự trường tồn với thời gian cho mảnh đất thân thương này. Không cần quá nhiều băng rôn, khẩu hiệu, mà cần hành động thiết thực của mỗi người.

Mỗi ngày đến trường, các học sinh, sinh viên không chỉ ôn lại những chặng đường lịch sử dân tộc, mà hãy luôn nhớ đến những người đã đem lại bình yên cho cuộc sống hôm nay để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Ghi nhớ nhằm xác định đúng động cơ học tập để mai này làm những gì có ích cho cuộc sống này. Đó cũng là cách “Đền ơn, đáp nghĩa”!

Mỗi sáng đến công sở, người cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người lãnh đạo hãy xác định mình sẽ làm điều gì đó cho xứng đáng với những người nằm xuống, những người thương binh vết thương còn đang giày vò cơ thể khi thời tiết trở trời. Ghi nhớ để xây dựng thái độ làm việc sao cho thật sự “Phụng sự Tổ quốc”, “Phục vụ nhân dân”! Ghi nhớ để bớt đi sự so đo, đố kị, hẹp hòi. Đó cũng là cách “Đền ơn, đáp nghĩa”!

Mỗi ngày đến nhà máy, người công nhân, và nhất là chủ doanh nghiệp, hãy nhớ rằng những sản phẩm mình tạo ra sẽ giúp cho mảnh đất này ngày một thịnh vượng hơn, người dân ngày càng giàu có hơn. Hãy ghi nhớ rằng, còn bao gia đình có công với đất nước và chăm sóc những gia đình đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là bổn phận của mỗi người. Đó cũng là cách “Đền ơn, đáp nghĩa”!

Mỗi ngày ra đồng, bà con nông dân hãy nhớ rằng mảnh đất mà mình trồng trọt, chăn nuôi hôm nay, được bao thế hệ người khai mở, bao thế hệ người cầm súng giành lại quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc cho mọi người. Ghi nhớ để tạo ra nhiều của cải cho mình, cho xã hội, cho quê hương xứ sở. Đó cũng là cách “Đền ơn, đáp nghĩa”!

“Có một bài ca không bao giờ quên!…”. Có những con người, những gia đình, chúng ta mãi mãi không được quên! Không giây phút nào được lãng quên câu chuyện về người nữ thương binh bán vé số ở xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò để dành tiền trùng tu nghĩa trang cho đồng đội đã gieo vào lòng mỗi người chúng ta nhiều xúc động và cảm phục.

Xích Lô/Nguồn: http://www.baodongthap.vn/