Thuyết trình giờ đây đã không còn là chuyện riêng của nghề diễn giả mà trở thành một trong những kỹ năng cần thiết của cuộc sống, đặc biệt trong môi trường kinh doanh.
Vậy làm sao để có một bài thuyết trình tốt trước đám đông? MBA Andrews đem tới cho bạn 7 lời khuyên hữu ích giúp bạn trả lời câu hỏi này ?
1. Luyện tập và Luyện tập
Không có cách gì chuẩn bị cho một bài thuyết trình tốt hơn là luyện tập nó . Lên trình tự dàn ý và thu thập dữ liệu cho một bài thuyết đã không đơn giản; nhưng thách thức thật sự của nó lại nằm ở việc bạn sẽ truyền đạt nó thế nào tới khán giả. Đối với điều này, bạn phải dành nhiều thời gian để thực hành.
Người thuyết trình cần hiểu đâu là những điểm cần nói qua ( tránh gây dài dòng) và đâu là những điểm cần nhấn mạnh. Bạn có thể ghi lại các buổi thực hành của bạn hoặc yêu cầu một người bạn nhận xét về buổi thuyết trình của mình. B
Việc luyện tập về bài thuyết trình sẽ giúp bạn ghi nhớ những luận điểm chính, xác định các thách thức có thể xảy ra và giúp bạn tự tin hơn. Tuy nhiên, đừng tập bài phát biểu của bạn quá nhiều. Bởi điều này có thể khiến bạn bị đóng khung trong cách nói hoặc mất đi sự tự nhiên khi diễn thuyết trước khán giả.
2. Trở thành người kể chuyện
Không khán giả nào muốn nghe một bài thuyết trình rập khuôn mà trong đó, người thuyết trình chỉ biết nói một cách máy móc qua slide hay thậm chí là đọc nguyên văn slide.
Để thu hút được sự hứng thú của khán giả vào bài thuyết trình, bạn có thể thử dệt lên một câu chuyện xung quanh các các dữ liệu, con số đáng chú ý. Điều này không chỉ làm những lời bạn nói trở nên thú vị với khán giả mà còn giúp người truyền đạt ý tưởng của mình dễ dàng hơn.
Câu chuyện này có thể là do bạn ngẫu hứng trong thời điểm thuyết trình; hoặc bạn có thể lên kịch bản trước và tập sao cho thật tự nhiên. Đừng quên bỏ một chút hài hước vào trong bài thuyết trình của mình. Vài mẩu chuyện cười hay những câu nói hài hước được sử dụng thông minh có thể khiến khán giả toàn tâm toàn ý vào bài thuyết trình của bạn.
3. Chú ý tới giọng nói
Nếu như các dữ liệu và nội dung là xương sống của một bài thuyết trình tốt. một giọng nói trung thực, hấp dẫn và thuyết phục sẽ là mạch máu của cả bài thuyết trình.
Cao độ và tốc độ trong giọng nói của bạn cần phải thay đổi phù hợp với tình huống. Nếu bạn đang nói về kết quả hàng năm, thành tích của công ty hoặc một số mục tiêu quan trọng… bạn phải nói chậm lại và sử dụng giọng nói trầm, rõ ràng. Nếu bạn đang nói về một sự kiện sắp tới hoặc một sự hợp tác mới… bạn cần truyền tải sự phấn khích đó tới khán giả. Hay nếu bạn đang nói về việc cắt giảm nhân sự hay một dữ kiện xấu, bạn cần phải nói với một chút ảm đạm…
Bên cạnh đó, nhiều người có thể vì quá căng thẳng mà lầm tưởng rằng mình đang nói rất chậm nhưng thực tế thì lại ngược lại. Vì lẽ đó, bài phát biểu của họ thường kết thúc khá vội vàng.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng lắng nghe và ghi nhớ từ phía khán giả, mà nó cho người thuyết trình trông không đáng tin. Hãy tự kiểm soát tốc độ nói của mình. Nói với tốc độ chậm hơn bạn nghĩ là phù hợp, nói rõ từng từ một. Kỹ thuật này sẽ giúp lời nói của bạn tăng thêm sức nặng và giúp bạn kiểm soát buổi thuyết trình tốt hơn.
4. Tránh nhồi nhét quá nhiều thông tin
Một trong những yếu tố làm nên bài thuyết trình lý tưởng là các luận điểm, dữ liệu được vào một cách sắc nét và cô đọng. Bạn không thể nhồi vào trong một slide lượng thông tin khổng lồ hoặc bao gồm quá nhiều slide trong một buổi thuyết trình, trừ khi nó thực sự quan trọng.
Có thể thông tin bạn thấy thông tin nào cũng quan trọng, cần thiết phải đưa vào hoặc bạn “không nỡ” loại bỏ đi những thông tin mà bạn đã dày công tìm kiếm. Tuy nhiên chúng ta không thể đưa ra tất tần tật thông tin của 80 trang tài liệu trong đầu đó 20 phút thuyết trình được. Chính vì vậy, người thuyết trình cần phải học cách sắp xếp thông tin theo mức độ quan trọng với chủ đề thuyết trình.
Điều này giúp bạn dễ dàng loại bỏ được những thông tin ít quan trọng và dành thời gian cho việc trình bày các thông tin đã được chọn lọc. Nếu bạn cảm thấy một dữ liệu quá trùng lập hoặc ít liên quan, hãy thẳng tay loại bỏ nó. Hoặc bạn có thể tạo một bản trình bày khác về các chủ đề phụ, ít liên quan để có thể đề cập tới nếu còn dư thời gian hay khán giả còn thấy hứng thú.
5. Tương tác với khán giả
Một bài thuyết trình hấp dẫn không phải là một cuộc độc thoại. Để giữ được sự chú tâm của khán giả trong suốt buổi thuyết trình, bạn cần khiến họ cùng tham gia vào bài thuyết trình cùng mình thông qua nhiều cách thức, đặc biệt là những câu hỏi.
Thay vì giữ những câu hỏi đến cuối cùng, Để thu hút khán giả, bạn nên kế hoạch để đặt câu hỏi trong suốt cả buổi thuyết trình. Mời đề xuất phương pháp, đặt câu hỏi truy vấn, tìm kiếm nhận xét hoặc thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ… Khán giả càng tham gia nhiều, bài thuyết trình của bạn sẽ càng thành công. Ngay cả khi bạn thích sự tham gia thụ động của khán giả hơn, hãy yêu cầu một tràng vỗ tay hoặc giơ những cánh tay để thể hiện ý kiến tập thể của họ.
6. Nụ cười và ánh mắt
Nhìn thẳng vào mắt khán giả là một kỹ thuật rất quan trọng để thể hiện sự tự tin của bạn. Mặc dù ban đầu nó dễ gây lo lắng cho bạn nhưng hãy cứ thử xem. Khi bạn nói, hãy cố gắng nhìn thẳng vào mắt mỗi người, gây sự chú ý rằng bạn đang giao tiếp với họ. Kỹ thuật này sẽ giúp bạn nhanh chóng kiểm soát bầu không khí trong phòng và mọi người sẽ ngay lập tức lắng nghe bài nói của bạn.
Cùng với ánh mắt tự tin thì đừng quên nở nụ cười trên môi. Bên cạnh việc tạo thiện cảm, kết nối cùng khán giả thì nụ cười sẽ giúp người thuyết trình cảm thấy bớt lo lắng hơn. Hãy luôn nhớ, bài thuyết trình không chỉ là về nội dung; mà còn về cách người thuyết trình kết nối với khán giả.
7. Ghi nhớ Quy tắc 10:20:30
Được phổ biến vào năm 2005 bởi Guy Kawasaki, một trong những chuyên gia Marketing toàn cầu, 10:20:30 là quy tắc chủ chốt cho một bài thuyết trình. Trong quy tắc này, bài thuyết trình của bạn không nên có quá 10 slide, không nên dài hơn 20 phút và cỡ chữ không được nhỏ hơn 30.
Về nội dung, Bắt đầu bằng việc giới thiệu vắn tắt, tập trung vào chủ đề bạn nói với con số slide không quá 10. Bên cạnh đó hãy thêm vào những mẩu chuyện nhỏ để minh họa cho luận điểm thực tế, và kết thúc bằng lời kêu gọi hành động.
Về thời gian thuyết trình, theo những nghiên cứu khoa học tại Mỹ, một người trưởng thành chỉ có khả năng tập trung vào bài thuyết trình chừng 15-20 phút. Trong vòng 50 phút, họ sẽ chẳng còn nhớ những thông tin mới nhất truyền tải tới họ mà chỉ nhớ những con số và khái niệm nghe được trong 20 phút đầu tiên. Bởi vậy, người thuyết trình cần truyền tải những thông điệp cốt lõi trong vòng không quá 20 phút.
Cuối cùng, Bởi vì khán giả thường có ấn tượng mạnh với các kích thích thị giác; nên một trong những cách tốt nhất để thu hút sự chú ý là dùng cỡ chữ lớn và dễ đọc trên từng slides. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng cỡ chữ bạn dùng tối thiểu là 30. Thay vì những dòng chữ dài lê thê, hãy sử dụng những từ cần nhấn mạnh ở cỡ chữ thật lớn và dễ nhìn. Hơn nữa những công cụ như biểu đồ thống kê, hay tranh ảnh minh họa sẽ tạo điểm nhấn cho bài thuyết trình của bạn.
Hoàng Lâm/ Nguồn: https://andrews.edu.vn/