Sau đây là những chính sách mới về BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế tác động lớn đến mọi người từ năm 2021:
1. Tăng tuổi nghỉ hưu
Kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ sẽ được quy định như sau:
– Đối với điều kiện lao động bình thường, kể từ năm 2021 tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi 3 tháng và của lao động nữ là đủ 55 tuổi 4 tháng (hiện hành tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi);
Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ; đến năm 2028, lao động nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi và đến năm 2035, lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi.
Xem chi tiết: Tuổi nghỉ hưu của NLĐ từ 2021
2. Thay đổi trong quy định tỷ lệ hưởng lương hưu
– Đối với nam:
+ Trường hợp bắt đầu nghỉ hưu trong năm 2021: Đóng đủ 19 năm BHXH thì được 45% (hiện hành nghỉ hưu năm 2020, đóng đủ 18 năm BHXH thì được 45%);
+ Trường hợp bắt đầu nghỉ hưu từ 01/01/2022, đóng đủ 20 năm BHXH thì được 45%.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, NLĐ được tính thêm 2%; Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa bằng 75%.
– Đối với nữ: Đóng đủ 15 năm BHXH thì được 45%; sau đó, cứ cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%; tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa bằng 75%.
3. Thay đổi về mức hưởng BHYT khi đi khám chữa bệnh
Từ ngày 01/01/2021, trường hợp người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật BHYT (mức hưởng khi đi khám đúng tuyến) theo tỷ lệ sau đây:
– Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;
– Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 trong phạm vi cả nước (Hiện nay chỉ được thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng của thẻ BHYT).
– Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí KCB.
Căn cứ pháp lý:
– Điều 169 Bộ luật Lao động 2019.
– Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
– Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014).
Ngọc Sơn (tổng hợp)/ Nguồn: THƯ VIỆN PHÁP LUẬT (https://thuvienphapluat.vn/)