Điểm tin văn bản mới nổi bật Tuần 45 Năm 2020

Sau đây là những văn bản nổi bật mà THƯ VIỆN PHÁP LUẬT đã cập nhật được tuần qua (từ ngày 16 – 22/11/2020):

1. SEA Games 31 được tổ chức từ ngày 21/11/2021 đến ngày 02/12/2021

Nội dung này được nêu tại Thông báo 379/TB-VPCP ngày 19/11/2020 về kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 tại Việt Nam; theo đó:

– Thời gian tổ chức:

+ SEA Games 31 từ ngày 21/11/2021 đến ngày 02/12/2021;

+ ASEAN Para Games 11 từ ngày 17/12/2021 đến ngày 23/12/2021.

– Địa điểm thi đấu:

Đồng ý điều chỉnh địa điểm thi đấu một số môn thể thao tại SEA Games 31 giữa thành phố Hà Nội với một số tỉnh, thành phố lân cận đáp ứng yêu cầu trên cơ sở thống nhất đề nghị của địa phương.

2. 06 trường hợp Giấy phép kinh doanh cảng hàng không bị hủy bỏ hiệu lực

Ngày 18/11/2020, Bộ GTVT ban hành Thông tư 30/2020/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 17/2016/TT-BGTVT ngày 30/6/2016 quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.

Theo đó, Giấy phép kinh doanh cảng hàng không (Giấy phép) cấp cho cá nhân, tổ chức sẽ bị hủy bỏ hiệu lực trong 06 trường hợp sau:

– Cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình đề nghị cấp Giấy phép;

– Không duy trì mức vốn tối thiểu liên tục trong quá trình hoạt động;

– Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về an ninh, quốc phòng;

– Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của doanh nghiệp;

– Vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo đảm an ninh hàng không, an toàn hàng không, điều kiện kinh doanh, giá dịch vụ, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường;

– Không bắt đầu khai thác cảng hàng không trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép.

Thông tư 30/2020/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2021.

3. Phạm vi giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Thông tư 14/2020/TT-NHNN ban hành ngày 16/11/2020 quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Theo đó, quy định phạm vi giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng gồm:

– Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành;

– Hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng;

– Hoạt động ngân hàng, bao gồm: cấp tín dụng, nhận tiền gửi và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản;

– Bảo hiểm tiền gửi;

– Các hoạt động khác liên quan đến tiền tệ và ngân hàng thuộc chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Thông tư 14/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

4. Thí điểm liên thông thủ tục công chứng

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị quyết 172/NQ-CP về chính sách phát triển nghề công chứng.

Theo đó, một số nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đặt ra nhằm phát triển nghề công chứng đó là:

– Thực hiện thí điểm liên thông khi có yêu cầu của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thuế nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc thực hiện thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức.

Đồng thời giúp phát hiện, ngăn chặn các giao dịch giả tạo, hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, tránh thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

– Chú trọng xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, tập huấn cho công chứng viên khai thác sử dụng hệ thống thông tin, làm việc trên môi trường mạng và thực hiện việc cập nhật, kết nối, chia sẻ các dữ liệu có liên quan đến hoạt động công chứng.

– Tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các quốc gia khác về mô hình kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin về công chứng, công chứng số…

Xem thêm chi tiết tại Nghị quyết 172/NQ-CP (có hiệu lực từ ngày 19/11/2020).

Thùy Liên/ Nguồn:THƯ VIỆN PHÁP LUẬT