Vì sao cô Tuất 6 năm Chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi bỗng chốc trở nên yếu kém?

Trường Tiểu học Sài Sơn B – nơi xảy ra sự việc giáo viên tố bị “trù dập” trong công tác (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Website nhà trường)

Dư luận đặc biệt thắc mắc vì sao một giáo viên được đánh giá có năng lực tốt như thế lại bỗng chốc biến thành giáo viên yếu kém về mọi mặt như vậy?

Đánh giá bất ngờ của Phòng giáo dục

Câu chuyện về cô giáo Nguyễn Thị Tuất, giáo viên Trường Tiểu học Sài Sơn B, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội tố mình bị nhà trường trù dập, không cho đứng lớp bắt làm nhiều công việc như trực cổng trường, dọn vệ sinh…đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội nói chung, giáo giới cả nước nói riêng.

Cô Tuất còn cung cấp cho truyền thông hình ảnh, clip ghi lại nội dung được cho là bị học sinh hành hung trong giờ học khiến dư luận giáo giới đặt ra nghi án phản ứng “tập thể” thái quá của học sinh lớp 5 có những bàn tay người lớn nào đó phía sau hiện đang trở thành đề tài nóng hổi trên các diễn đàn thông tin thời gian gần đây.

Còn nhà trường lại khẳng định không có sự trù dập giáo viên. Việc không phân cho cô Tuất chủ nhiệm lớp là do phụ huynh đồng tình viết đơn phản đối nên nhà trường buộc phải phân cho cô Tuất dạy Lịch sử-Địa lý khối 4,5.

Tuy thế, chất lượng dạy học của cô Tuất không đạt nên không bố trí cho cô đứng lớp mà làm nhiều công việc khác.

Ông Nguyễn Khắc Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai, cũng cho biết sau khi cơ quan chức năng xác minh nội dung đơn giải quyết của 25 phụ huynh học sinh. Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai cũng đã ra thông báo kết luận về vụ việc:

Chất lượng giảng dạy của cô Tuất được thể hiện tại kết quả kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ 1 năm học 2020-2021 như ý kiến của phụ huynh học sinh nêu là đúng thực tế, thể hiện môn Lịch sử – Địa lý lớp 4, lớp 5 do cô Tuất giảng dạy kết quả rất thấp, tỷ lệ học sinh xếp loại Hoàn thành tốt thấp hơn nhiều so với bình quân chung của huyện (Khối 4: 0% (Huyện 41,5%): Khối 5: 9% (Huyện 41,5%)).

Trong khi đó tỷ lệ học sinh xếp loại Chưa hoàn thành môn học quả cao so với tỷ lệ bình quân chung của huyện (Khối 4: 59,7% (Huyện 2,9%); Khối 5: 16,27% (Huyện 0,96%).

Việc tổ chức lớp học trên lớp của cô Tuất chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một người giáo viên trong việc tổ chức lớp học, cô không bao quát học sinh trong giờ học để học sinh đùa nghịch tự do, làm việc riêng trong lớp, tiết học không hiệu quả dẫn đến chất lượng kém.

Cô Tuất còn có những hành vi thiếu chuẩn mực, thiếu gương mẫu trong lời nói, việc làm, trong các mối quan hệ với đồng nghiệp, với phụ huynh học sinh, với công việc, nhất là đối với học sinh làm ảnh hưởng uy tín nhà giáo”. [1]

Sau khi tố cáo tiêu cực, một giáo viên 6 năm đạt Chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi cấp huyện bỗng chốc trở thành giáo viên yếu kém?

Đọc trả lời của ông Trường phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai phát biểu với báo giới thì rõ ràng cô giáo Tuất là người có chuyên môn yếu kém, yếu toàn diện cả năng lực, kỹ năng sư phạm và phẩm chất đạo đức.

Cô Tuất cho hay, mình từng có 6 năm liền là chiến sĩ thi đua từ năm học 2012 đến năm 2018 [2], trong khi Hiệu trưởng trường Tiểu học Sài Sơn B được Báo Kinh tế & Đô thị dẫn lời, khẳng định bản thân cô Tuất đã từng có 6 năm (không phải liên tục) đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện [3].

Là đồng nghiệp có gần 30 năm đứng lớp, người viết đặc biệt thắc mắc vì sao một giáo viên được đánh giá có năng lực tốt như thế lại bỗng chốc biến thành giáo viên yếu kém về mọi mặt như vậy? Liệu có sự bất thường trong thay đổi đánh giá về cô Tuất, khi cô Tuất chính là người đứng lên tố cáo công tác thu chi bất hợp lý của nhà trường?

Dưới góc nhìn của nhà giáo chúng tôi thì việc phân công chuyên môn của nhà trường thật sự có vấn đề, dẫn đến chất lượng học tập của học sinh thấp.

Việc phân công chuyên môn giáo viên được giao quyền cho nhà trường. Bởi thế, hiệu trưởng nhà trường sẽ toàn quyền quyết định trong việc phân công chuyên môn cho giáo viên.

Vì thế, nói về lý việc Trường Tiểu học Sài Sơn B phân công cô Tuất chỉ dạy 2 môn Lịch sử và Địa lý khối 4, 5 là không sai về thẩm quyền, nhưng không hợp lý về chuyên môn và đang làm khó giáo viên. Chính điều bất hợp lý này dẫn đến việc chất lượng môn dạy không đảm bảo.

Cô Ngân Hoa, Phó hiệu trưởng một trường tiểu học tại Bình Thuận cho biết: “Giáo viên tiểu học không chủ nhiệm phải được phân công dạy đủ môn để các thầy cô còn học tập, nghiên cứu, còn đi dự giờ chuyên môn. Hằng năm, còn tham dự thi giáo viên dạy giỏi, kiểm tra tay nghề.

Năm nay, thầy cô giáo ấy không chủ nhiệm thì năm sau có thể sẽ chủ nhiệm. Nếu phân giáo viên dạy theo môn sẽ khó khăn trong công tác học tập và bồi dưỡng chuyên môn.

Bên cạnh đó, phân dạy 2 môn Lịch sử và Địa lý (hai môn học có điểm) sẽ khó đảm bảo chất lượng giờ dạy và khó khăn trong việc nhắc nhở, kiểm tra học sinh học bài”.

Nói đến việc cô giáo Tuất bị phân dạy 2 môn Lịch sử và Địa lý, cô Ngân Hoa cho biết, phân công chuyên môn thế này, nhà trường đang gây khó khăn cho cô ấy.

Mỗi tuần học sinh khối 4, 5 chỉ có 1 tiết Lịch sử, 1 tiết Địa lý, có những bài dài cần tăng tiết, giảm tiết nhưng giáo viên chỉ vào mỗi lớp 1 tiết rất khó để giảng dạy và ôn tập cho học sinh.

Học sinh tiểu học cũng chưa có thói quen học thuộc bài. Thời gian gặp lớp quá ít, giáo viên không thể tổ chức ôn tập hay kiểm tra việc ôn bài của các em được.

Hai môn học này là môn học phải có 4 lần kiểm tra định kỳ. Vì thế, thường các trường chỉ phân cho giáo viên chủ nhiệm dạy 2 môn này do các thầy cô giáo chủ nhiệm còn có các tiết bổ sung mới có thêm thời gian giúp học sinh học và ôn tập.

Một tuần chỉ vào lớp dạy 1 tiết 35 phút, chả cứ là cô Tuất mà ngay chúng tôi hay bất cứ giáo viên nào trong ngôi trường ấy giảng dạy thì chất lượng học sinh cũng chẳng hơn gì.

Trong thực tế giảng dạy của chúng tôi, để các em làm được bài kiểm tra Địa lý, Lịch sử đạt kết quả tốt trong 4 lần kiểm tra định kỳ, giáo viên chủ nhiệm phải lấy nhiều tiết học bổ sung, lấy cả thời gian dạy của môn học khác cho học sinh ôn tập, khảo bài từng em trong suốt 2 tuần trước ngày kiểm tra.

Gần đến ngày kiểm tra, có giáo viên còn dành nguyên buổi học để gọi từng học sinh khảo bài. Vậy mà, vẫn còn không ít em không chịu học, khi làm bài hoặc là làm sai hết, hoặc là chẳng biết gì để viết.

Ảnh minh họa chụp từ video phóng sự trên chuyên trang Sức khỏe và Pháp luật thuộc Tạp chí Đời sống và Pháp luật.

Nay cô giáo Tuất mỗi tuần vào lớp dạy 1 tiết 35 phút, cô sẽ nhắc nhở học sinh, kiểm tra việc học của các em thế nào? Học sinh tiểu học nhắc nhở hằng ngày còn chẳng ăn thua mà cả tuần chỉ gặp vài chục phút, các em không học bài cũng là chuyện bình thường.

Đề cập đến việc chất lượng giảng dạy môn Lịch sử, Địa lý của cô Tuất thấp. Cô Ngân Hoa chia sẻ: “Một tuần vào dạy 1 tiết không thể đổi lỗi cho giáo viên chuyên được, trách nhiệm của cả giáo viên chủ nhiệm chưa đôn đốc, kiểm tra học sinh học bài vì các em còn quá nhỏ. Giáo viên dự khuyết tuần vào dạy 1 tiết chẳng ăn thua gì đâu”.

Điều 10Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”
1. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Nghị định số 65/2014/NĐ-CP.
2. Cá nhân đạt một trong các thành tích quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư này hoặc đạt một trong các thành tích sau được tính là sáng kiến áp dụng xét, công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”:
a) Giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên; giáo viên trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên;
b) Giáo viên trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng được 01 học sinh đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi cấp tỉnh. Riêng giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo được áp dụng hưởng chính sách như quy định đối với vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có học sinh đạt giải trong các kỳ thi cấp huyện trở lên;
c) Giáo viên, giảng viên là tác giả chính bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước hoặc quốc tế;
d) Công chức, viên chức và người lao động tham gia soạn thảo đề án, dự án, quy chế của đơn vị đã được ban hành theo quyết định phân công của người có thẩm quyền;
3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đạt các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều này và đơn vị do cá nhân quản lý phải đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”.
4. Tỷ lệ “Chiến sĩ thi đua cơ sở” không quá 15 % số cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” của đơn vị, trong đó bảo đảm không quá 1/3 là cán bộ quản lý, nếu có số dư thì được làm tròn lên.Trích Thông tư số 35/2015/TT-BGDĐT v/v Hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Giáo dục

Tài liệu tham khảo:

[1]https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/thanh-tra-vu-nu-giao-vien-tieu-hoc-sai-son-b-to-bi-nha-truong-tru-dap-20210328160905065.htm

[2]https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/quyet-dinh-thanh-tra-toan-bo-vu-co-giao-to-bi-tru-dap-vi-chong-tieu-cuc-20210329081845068.htm

[3]http://kinhtedothi.vn/vu-giao-vien-to-truong-tieu-hoc-sai-son-b-tru-dap-nguoi-trong-cuoc-noi-gi-414074.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết/ Nguồn: https://giaoduc.net.vn/