Về một khía cạnh phát triển của Tiếng Việt

Sự phân tích quá trình ngữ pháp hoá diễn ra đối với một số tiểu từ tình thái Tiếng Việt có nguồn gốc vị từ ngôn liệu cùng những hệ luận về sự thay đổi ngữ nghĩa và thay đổi đặc trưng ngữ pháp của chúng đã hé mở cho thấy một khía cạnh phát triển của Tiếng Việt…

  1. Đặt vấn đề

Tiếng Việt, cũng như mọi ngôn ngữ tự nhiên khác, không ngừng phát triển. Sự phát triển đó được thể hiện ở nhiều cấp độ: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và có thể được kiểm chứng bằng nhiều cách khác nhau. Có hẳn một phân ngành ngôn ngữ học được lập ra để nghiên cứu những sự thay đổi của ngôn ngữ qua thời gian, đó là ngôn ngữ học lịch sử. Nguyên tắc làm việc chủ yếu ngành khoa học này là đối chiếu trạng thái ngôn ngữ ở những thời điểm khác nhau để tìm ra con đường phát triển của ngôn ngữ. Đây là nguyên tắc của ngôn ngữ học lịch đại. Trong bài viết này, chúng tôi cũng xem xét tiếng Việt ở khía cạnh phát triển, tuy nhiên chúng tôi không tiến hành theo phương pháp của ngôn ngữ học lịch sử. Thay vào đó, chúng tôi chỉ khảo sát tình trạng hiện nay của tiếng Việt theo phương pháp của ngôn ngữ học đồng đại. Cụ thể là thông qua mối quan hệ cùng gốc của một số tiểu từ tình thái cuối câu với các vị từ đương đại khác, chúng tôi nêu ra một số vấn đề liên quan quá trình ngữ pháp hoá đã diễn ra ở những vị từ này. Chúng tôi cho rằng, chính thông qua quá trình ngữ pháp hoá này chúng ta có thể nhìn thấy được một khía cạnh phát triển của tiếng Việt.

Khái niệm “ngữ pháp hoá” (grammaticalization) được chúng tôi dùng theo cách hiểu của Meillet, được một số nhà ngôn ngữ học làm rõ thêm sau đó, như là “sự phát triển để hình thành các dạng thức ngữ pháp từ những dạng thức từ vựng trước đó” (Meillet 1948, dẫn theo E.C.Traugott và B. Heine 1991, tr 2), hay rộng hơn là “quá trình biến đổi các từ vị thực từ thành các dạng thức ngữ pháp và làm cho các dạng thức ngữ pháp trở nên mang tính ngữ pháp hơn” (Lehmann 1985, dẫn theo E.C.Traugott và B. Heine 1991, tr 2). Trong Việt ngữ học, một số tác giả cũng đã đề cập đến vấn đề này khi bàn đến quá trình “hư hoá” của một số thực từ tiếng Việt (Nguyễn Lai 1981, Đinh Văn Đức 1986, Nguyễn Anh Quế 1988, Vũ Văn Thi 1995…).

Quá trình ngữ pháp hoá trong tiếng Việt diễn ra rất đa dạng, thể hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau (sự hình thành một số hư từ chỉ thời, thể, một số giới từ, một số lối nói mang tính tình thái v.v…). Trong số vài chục tiểu từ tình thái cuối câu tiếng Việt, chỉ có một số được xem là được hình thành từ những từ loại khác (vị từ thực, liên từ, đại từ, từ chỉ xuất…) và có thể được xem là kết quả của các quá trình ngữ pháp hoá. Tuy nhiên, việc so sánh những đặc trưng ngữ nghĩa và ngữ pháp toàn bộ lớp từ này với những từ cùng gốc là công việc quá phức tạp, đòi hỏi những nghiên cứu dài hơi. Vì vậy trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới hạn sự khảo sát của mình trong phạm vi những tiểu từ tình thái được hình thành từ vị từ thực và từ chỉ xuất, là những từ vốn thường được dùng để biểu đạt những nội dung thuộc ngôn liệu (dictum)[1]. Cụ thể là chúng tôi xem xét quá trình ngữ pháp hoá đã dẫn đến sự hình thành 7 tiểu từ tình thái sau đây: mất, thật, nghe, xem, đây, đấy, đi. Danh sách 7 tiểu từ này được lựa chọn một cách có dụng ý bởi mối quan hệ tương đối rõ ràng giữa chúng với các vị từ ngôn liệu tương ứng. Chúng được chọn lựa bởi tính điển hình của chúng đối với những vấn đề được nêu ra xem xét như là trọng tâm của bài viết này, đó là:

  1. a) Trong quá trình ngữ pháp hoá, ngữ nghĩa của những từ trên đây đã thay đổi theo những cách thức nào?
  2. b) Những đặc trưng ngữ pháp mới nào đã được hình thành với tư cách là kết quả của quá trình ngữ pháp hoá đó?

Lần lượt, những vấn đề này sẽ được chúng tôi làm sáng tỏ thông qua sự khảo sát 7 tiểu từ tình thái trên đây.

  1. Cách thức phát triển ngữ nghĩa của các tiểu từ tình thái cuối câu Tiếng Việt có nguồn gốc là vị từ ngôn liệu

Theo quan sát của chúng tôi, trong quá trình ngữ pháp hoá sự phát triển ngữ nghĩa của các tiểu từ tình thái cuối câu có nguồn gốc từ những vị từ ngôn liệu diễn ra tương đối có quy luật. Có thể kể ra một số quy luật như sau:

2.1. ý nghĩa của các dạng thức trở nên khái quát hơn

Từ những nội dung ý niệm (nội dung phản ánh thế giới), các dạng thức đã chuyển sang biểu thị những nội dung tình thái, thể hiện một sự đánh giá nào đó của người nói đối với sự tình được nói đến trong câu. Sau đây là những phân tích cụ thể của chúng tôi:

Mất:

Với tư cách là vị từ ngôn liệu, từ “mất” có nghĩa cơ bản sau đây:

“Không có, không thấy, không tồn tại (tạm thời hay vĩnh viễn) nữa. Ví dụ: Mất tín hiệu liên lạc” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên 1996, tr 601)

“Mất” trải qua quá trình ngữ pháp hoá để trở thành dạng thức chỉ đánh dấu ý nghĩa về “thể”, có thể tạm gọi là thể “kết quả”, như được thấy trong các ví dụ sau:

1) Hôm qua nó tiêu mất hai triệu.

2) Tôi đợi mất 15 phút mới đón được xe.

Quá trình ngữ pháp hoá tiếp diễn, “mất” trở thành tiểu từ tình thái cuối câu, có nội dung là biểu thị một sự đánh giá tiêu cực (không mong muốn, đáng lo ngại) của người nói về một sự tình nào đó, ví dụ:

3) Không khéo, nhiệm kỳ tới ông ta lại làm giám đốc mất!

4) (Vợ trách chồng) Anh cứ mời như vậy, chúng nó ở lại cả mất. Tôi không có hơi sức đâu mà phục vụ cho chừng ấy người ăn.

Nếu “mất” được dùng với ý nghĩa thể (như ở ví dụ 1 và 2), ta thấy ý nghĩa của nó còn liên quan nhiều đến ý nghĩa thực (ý nghĩa của vị từ ngôn liệu) ban đầu, là ý nghĩa của một vị từ thuộc nhóm tồn tại – tiêu biến. Nhưng với tư cách là một tiểu từ tình thái cuối câu, “mất” đã có một nội dung khái quát hơn rất nhiều, biểu thị đánh giá tình thái của người nói đối với cả sự tình được nói đến trong câu.

Thật

Với tư cách là một vị từ ngôn liệu, “thật” có ý nghĩa cơ bản sau đây:

“Hoàn toàn đúng với nội dung của khái niệm hoặc đúng với tên gọi, không giả. Ví dụ: Hàng thật” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên 1996, tr 895)

Trải qua quá trình ngữ pháp hoá để trở thành một tiểu từ tình thái cuối câu, “thật” biểu thị sự thừa nhận, sự khẳng định của người nói đối với sự tình được nói đến trong câu, giả định trong thế “xung đột” với một suy nghĩ trái ngược nào đó từ phía người nghe hoặc với một điều suy nghĩ trái ngược của chính mình trước đó, ví dụ:

5) Nó là đứa nói dối thật!

6) Thằng này láo thật!

Xem

Với tư cách là một vị từ ngôn liệu, “xem” có ý nghĩa cơ bản sau đây:

“Nhận biết bằng mắt. Ví dụ: Xem phong cảnh” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên 1996, tr 1107)

Khi hoạt động với tư cách là một tiểu từ tình thái cuối câu, “xem” biểu thị ý chí của người nói muốn người nghe thực hiện (hay cùng thực hiện) hành động được nói đến trong câu. Với ý nghĩa này, “xem” được coi là một trong những dấu hiệu ngôn hành của các phát ngôn thuộc nhóm khuyến lệnh (directive). Ví dụ:

7) Này, nếm thử xem, ngon lắm!

8) Nghe thử xem, hay lắm!

9) Ngửi thử xem, mùi vị mê ly nhé!

Đi

Với tư cách là một vị từ ngôn liệu, “đi” có ý nghĩa cơ bản sau đây:

“Tự di chuyển bằng những động tác liên tiếp của chân, lúc nào cũng có chân tựa trên mặt đất, vừa có chân giơ lên đặt tới chỗ khác. Ví dụ: Trẻ đi chưa vững” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên 1996, tr 301)

Khi hoạt động với tư cách là tiểu từ tình thái cuối câu thì “đi” biểu thị ý chí có tính áp đặt của người nói muốn người nghe thực hiện hành động được nói đến trong câu, và như vậy cũng được coi là một dấu hiệu ngôn hành của các phát ngôn thuộc nhóm khuyến lệnh. Ví dụ:

10) Đánh, đánh bỏ mẹ cái thằng mèo nhép kia đi! (Nguyễn Đình Thi)

11) Kìa, mình ăn đi. Có chịu khó ăn mới chóng khoẻ chứ! (Nguyên Hồng)

Nghe

Với tư cách là một vị từ ngôn liệu, “nghe” có ý nghĩa cơ bản sau đây:

“Cảm nhận, nhận biết bằng cơ quan thính giác. Ví dụ: Nghe có tiếng gõ cửa” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên 1996, tr 653)

Với tư cách là một tiểu từ tình thái cuối câu, “nghe” biểu thị ước muốn của người nói đối với sự tình được biểu đạt trong câu, ước muốn này không mang tính áp đặt mà thiên về tình cảm. Tương tự như “xem” và “đi”, “nghe” cũng được coi là dấu hiệu ngôn hành của những phát ngôn thuộc nhóm khuyến lệnh. Ví dụ:

12) Cố gắng học cho tốt nghe!

13) Nhìn cái mặt nó cho kỹ nghe!

Đây/Đấy

Bản chất trực chỉ(deixis) không gian của đây/ đấy là quá rõ ràng. “Đây” dùng để chỉ phạm vi không gian gần người nói, còn “đấy” chỉ một phạm vi không gian xa hơn. Khi được dùng theo lối hoán dụ, đây và đấy có thể được dùng để chỉ người hay vật hiện diện trong những phạm vi không gian đó. Ví dụ:

14) Đây là bạn tôi.

15) Đây là rạp hát, còn đấy là thư viện. (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên 1996, tr 293)

Khi trở thành tiểu từ tình thái cuối câu, hai từ trực chỉ này mở rộng dung lượng nghĩa, trở nên khái quát hơn để chuyển tải cả ý nghĩa trực chỉ về thời gian. So sánh:

16) Tôi đi đây.

17) Tôi đi đấy.

Với phát ngôn 16, người nói sẽ thực hiện ngay lập tức hành động “đi”, và phát ngôn dễ được hiểu như một tuyên bố. Còn với phát ngôn 17, việc thực hiện hành động “đi” chắc phải cần có thêm thời gian, và phát ngôn này dễ được hiểu như một lời khuyến cáo. Tóm lại, tiểu từ tình thái “đây” chỉ báo cho một hành động xảy ra ngay sau thời điểm nói, còn tiểu từ tình thái “đấy” lại chỉ báo cho một hành động có khả năng xảy ra ở một thời điểm xa hơn.

Theo hướng khái quát như vậy, đây/đấy còn biểu thị những nội dung thuộc tình thái nhận thức (epistemic modality), theo nghĩa là người nói biểu thị những mức độ cam kết khác nhau về tính chân thực của điều được nói đến trong câu. “Đây” được dùng để biểu thị cam kết của người nói trên cơ sở những dấu hiệu, bằng chứng có tính tức thời, được người nói trải nghiệm ở chính vào thời điểm nói hay ngay trước thời điểm nói. Ví dụ, trông thấy chùm nho mọng nước, căng tròn, ta có thể nói:

18) Nho này ngon đây.

Hoặc trông thấy một cầu thủ trẻ thực hiện những động tác đi bóng điêu luyện, ta có thể nói:

19) Cậu này đá được đây.

Nhưng nếu ta đã từng nếm loại nho trên đây một hoặc vài lần, từng thấy cầu thủ trên đây chơi bóng một hoặc vài lần, ta sẽ nói:

18′) Nho này ngon đấy.

19′) Cậu này đá được đấy.

Như vậy, với tư cách là một tiểu từ tình thái cuối câu, “đấy” chỉ báo cho một cam kết nhận thức dựa trên những bằng chứng đã có trong quá khứ, tức là ở một thời điểm lùi xa hơn so với thời điểm nói.

Với những ví dụ được nêu ra phân tích trên đây, ta thấy những dạng thức trải qua quá trình ngữ pháp hoá đều có ý nghĩa khái quát hơn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng không phải mọi sự biến đổi ý nghĩa theo hướng mở rộng, khái quát hơn đều được xếp vào hiện tượng ngữ pháp hoá. Chẳng hạn, những trường hợp như  từ “muối” của tiếng Việt là danh từ có nghĩa hẹp, chỉ tinh thể được chế ra từ nước biển để ăn về sau được dùng khái quát, chỉ tất cả những hợp chất do sự tác dụng của axit lên bazơ mà thành; vị từ “đẹp” ban đầu chỉ dùng ở lĩnh vực hình thức bây giờ được dùng rộng rãi ở cả phạm vi tình cảm; “hích” là vị từ chỉ hành động “dùng khuỷu tay thúc vào người khác” đã  mở rộng ra để chỉ việc xúi cho hai người xung đột nhau… (dẫn theo Nguyễn Thiện Giáp 1985, tr 181) đều không thuộc vào hiện tượng ngữ pháp hoá. Ta chỉ có thể nói đến hiện tượng ngữ pháp hoá khi dạng thức đang xét có được những đặc trưng ngữ pháp mới (sẽ được nói trong mục 3 dưới đây).

2.2. ý nghĩa ngữ pháp của các dạng thức được hình thành qua quá trình ngữ pháp hoá đều có mối liên hệ ít nhiều với ý nghĩa của vị từ ngôn liệu ban đầu

Các tiểu từ tình thái cuối câu tiếng Việt có một vai trò đặc biệt trong việc hình thành hiệu lực tại lời của phát ngôn, cụ thể là chúng hoạt động như những chỉ báo cho những thông tin phi miêu tả đi kèm với lõi thông tin ngôn liệu của câu, có tác dụng làm tường minh hoá kiểu hành vi ngôn ngữ mà câu nói thể hiện. Các thông tin phi miêu tả này có thể được phân thành 4 nhóm: a) những thông tin gắn với những kiểu tình huống giao tiếp nhất định; b) những thông tin cho biết giả định của người nói đối với trạng thái hiểu biết và nhận thức của người nghe; c) những thông tin cho biết vai trò, vị thế của các bên giao tiếp và d) những thông tin định hướng cho phản ứng hồi đáp (về những thông tin này, xin xem Lê Đông 1996, Nguyễn Văn Hiệp 2001a, 2001b). Những tiểu từ tình thái được chúng tôi phân tích trên đây, dưới sắc thái này hay sắc thái khác, đều biểu thị những nội dung thông tin như vậy.

Tuy nhiên, như có thể thấy qua những phân tích cụ thể, những nội dung thông tin tình thái của các tiểu từ trên đây vẫn còn giữ mối liên hệ với ý nghĩa của vị từ ngôn liệu ban đầu. Có thể cho rằng:

  • ý nghĩa đánh giá tiêu cực, không mong muốn của tiểu từ tình thái “mất”có quan hệ với ý nghĩa của vị từ ngôn liệu cùng gốc: mất mát (mất tiền, mất thời gian) là chuyện không ai muốn  (so sánh: Tiền mất, tình tan/Không khéo nó cuỗm số tiền đó mất);
  • ý nghĩa cầu khiến mà các tiểu từ tình thái xem, nghemang lại cho phát ngôn có liên quan đến ý nghĩa của các vị từ ngôn liệu cùng gốc chỉ hoạt động cảm nhận của con người, theo cái nghĩa người nói mong muốn người nghe thực hiện hành động nào đó, để có thể chứng kiến, trải nghiệm nó (so sánh: Xem ti vi/ Nếm thử quả sấu này xem!; Nghe nhạc/ Nhớ mặc áo ấm nghe!);
  • ý nghĩa cầu khiến của tiểu từ tình thái “đi” có liên quan đến ý nghĩa của động từ chuyển động cùng gốc: “đi” là chấm dứt vị trí hay trạng thái tĩnh tại để bắt đầu một trạng thái mới là trạng thái di chuyển, chính ý nghĩa cầu khiến mà tiểu từ tình thái “đi” mang lại cho phát ngôn đã được xây dựng trên cơ sở cái lõi nghĩa “bắt đầu hành động” này (so sánh: Nó đi đến trường rồi/Ăn cơm đi!);
  • ý nghĩa thừa nhận, khẳng định mà tiểu từ tình thái “thật” mang lại cho phát ngôn có quan hệ với vị từ ngôn liệu cùng gốc: một đặc trưng, phẩm chất được gọi là thậtkhi được nhận thức, được kiểm nghiệm là đúng với nội dung của khái niệm, đúng với tên gọi, chúng ta dùng tiểu từ tình thái “thật” để cam kết về thực cách của sự tình sau khi đã có những kiểm nghiệm, chứng cứ nào đó và nhằm xoá đi nghi ngờ nào đó trong nhận thức của người nghe, hoặc chính mình (so sánh: Tiền này là tiền thật/Tiền này là tiền giả thật!);
  • ý nghĩa của các tiểu từ tình thái đây/đấycó mối liên hệ tương thuận, luỹ tiến đối với các cặp từ trực chỉ không gian cùng gốc: nội dung ý nghĩa mang tính trực chỉ thời gian và nhận thức của cặp tiểu từ tình thái đây/đấy rõ ràng là sự mở rộng nội dung của cặp từ trực chỉ không gian theo hai chiều kích khoảng cách (remoteness) và hướng (direction) (về những khái niệm này, xin xem Frawley 1992, tr 378-379)
  1. Những đặc trưng ngữ pháp mới của các dạng thức được ngữ pháp hoá

Như đã nói ở trên, chỉ có thể nói đến hiện tượng ngữ pháp hoá khi dạng thức đang xét có được những đặc trưng ngữ pháp mới. Đối với những ngôn ngữ biến hình thì những đặc trưng ngữ pháp mới này thường là khả năng biến đổi theo một hệ đối vị mới hay sự hình thành các phụ tố ngữ pháp. Còn đối với một ngôn ngữ đơn lập, không biến đổi hình thái như tiếng Việt, những đặc trưng ngữ pháp mới được biểu hiện theo lối phân tích, chủ yếu thể hiện ở thái độ ứng xử cú pháp mới của dạng thức . Có thể xem xét những đặc trưng ngữ pháp như vậy từ góc độ vị trí trong câu, khả năng kết hợp và đối lập hệ hình.

3.1.Vị trí

Các vị từ ngôn liệu có thể làm vị ngữ hoặc làm bổ ngữ cho vị ngữ, làm định ngữ cho danh từ hữu quan và có vị trí phụ thuộc vào vị trí được gán định cho vị ngữ hoặc danh từ hữu quan đó.

Ví dụ:

20) Vịt mất và chết 20 con.

21) Tiền này là tiền thật do Nhà nước phát hành.

22) Tôi đứng đây, còn nó đứng đấy.

Trong khi đó, các tiểu từ tình thái có điểm khác biệt nổi trội là đều chiếm vị trí cuối câu nói (hoặc cuối vế câu, nếu xét trường hợp các câu ghép)

23) Không khéo ông ta lại làm giám đốc thêm một nhiệm kỳ nữa mất!

24) Ông ta lại làm giám đốc thêm một nhiệm kỳ nữa thật.

25) Tôi đi chợ đây, còn anh phải đi đón con đấy.

Xảy ra trường hợp đặc biệt khi một số tiểu từ tình thái, chủ yếu là những tiểu từ biểu thị ý khuyến lệnh, giục giã, hối thúc người nghe hành động, có thể được bứt ra khỏi mệnh đề hữu quan để tồn tại biệt lập, “đồng hiện” với chính nó trong câu, ví dụ:

26) Đi, đi, ăn một chút đi!

27) Nghe, nhớ về sớm nghe!

Trường hợp này, Glêbôva cho là tiểu từ tình thái cuối câu đã quá độ thành thán từ (Glêbôva 1976)

3.2. Khả năng kết hợp

Khả năng kết hợp của các vị từ ngôn liệu do bản chất ngữ nghĩa-ngữ pháp của chúng quy định. Nói chung các vị từ ngôn liệu có thể kết hợp với các từ khác để tạo thành các tổ hợp có quan hệ ngữ pháp chính phụ, đẳng lập hay chủ vị. Khi nghiên cứu đoản ngữ trong tiếng Việt, Nguyễn Tài Cẩn xem xét khả năng tham gia vào đoản ngữ (tổ hợp có quan hệ chính phụ) để làm tiêu chí phân loại các từ loại tiếng Việt. Các tiểu từ tình thái cuối câu tiếng Việt không có những khả năng kết hợp đặc trưng của vị từ ngôn liệu: chúng không thể tham gia vào cấu trúc đoản ngữ, không kết hợp được với các từ khác theo chính phụ, chúng chỉ có thể tham gia vào cấu trúc đẳng lập với một số tiểu từ tình thái khác, trong những tổ hợp kiểu như: thật đây (Tiền này là tiền giả thật đây!), thật đấy (Tiền này là tiền giả thật đấy!), đi xem (Ăn đi xem!)… Kết hợp đặc trưng của các tiểu từ tình thái cuối câu tiếng Việt là với toàn bộ phát ngôn, ví dụ:

28) [Nghe đâu có thể ông ấy phải ngồi tù 3 năm vì tội chiếm đoạt tài sản của nhà nước] đấy.

3.3.Hệ hình

Các vị từ ngôn liệu đều có hệ hình riêng trong hệ thống tổ chức của ngôn ngữ. Khi trải qua quá trình ngữ pháp hoá để trở thành tiểu từ tình thái, chúng có được hệ hình khác, nằm trong thế đối lập hệ hình khác. Có điều là quá trình ngữ pháp hoá diễn ra không đồng đều nên các đối lập hệ hình của các tiểu từ tình thái cuối câu tiếng Việt chưa thật sự hoàn thiện, ổn định. Tuy vậy, cũng có thể nêu ra những đối lập hệ hình mới của những 7 tiểu từ tình thái trên đây như sau:

Mất

Mất 1, với tư cách là vị từ ngôn liệu, có hệ hình đối lập gần gũi với “còn”: mất/còn

Mất 2, với tư cách là tiểu từ tình thái, có hệ hình đối lập với các tiểu từ tình thái khác.

Thật

Thật 1, với tư cách là vị từ ngôn liệu, có hệ hình đối lập gần gũi với “giả”: thật/giả

Thật 2, với tư cách là tiểu từ tình thái, có hệ hình đối lập với các tiểu từ tình thái khác, trong đó, đối lập gần gũi nhất là với “đâu”. So sánh:

29a) Nó nói dối thật!

29b) Nó nói dối đâu!

Xem/Nghe

Xem 1/Nghe 1, với tư cách là vị từ ngôn liệu, có hệ hình đối lập gần gũi với các vị từ cảm nhận khác như “ngửi”, “sờ”, “nếm”: xem/nghe/ngửi/sờ/nếm.

Xem 2/Nghe 2, với tư cách là tiểu từ tình thái, có hệ hình đối lập với các tiểu từ tình thái khác, trong đó đối lập gần gũi nhất với các tiểu từ tình thái có ý nghĩa cầu khiến như “đã”, “thôi”, “nào”, “đi”…

Đi

Đi 1, với tư cách là vị từ ngôn liệu, có hệ hình đối lập gần gũi với các vị từ chuyển động khác như “về”, “đến”, “tới”, “lại”, “qua”, “sang”…

Đi 2, với tư cách là tiểu từ tình thái, có hệ hình đối lập với các tiểu từ tình thái khác, trong đó đối lập gần gũi với các tiểu từ có ý nghĩa cầu khiến.

Đây/Đấy

Đây 1/Đấy 1, với tư cách là vị từ ngôn liệu, có hệ hình đối lập gần gũi với các từ trực chỉ không gian khác như “kia”, “kia nữa”: đây/đấy/kia/kia nữa.

Đây 2/Đấy 2, với tư cách là tiểu từ tình thái, có hệ hình đối lập với các tiểu từ tình thái khác.

  1. Tương tác giữa những đặc trưng ngữ nghĩa và đặc trưng ngữ pháp: nguyên tắc “lưu dấu vết”

Những đặc trưng ngữ nghĩa và đặc trưng ngữ pháp nảy sinh trong quá trình ngữ pháp hoá có mối quan hệ mật thiết với nhau, tương tác với nhau. Khi nghiên cứu quá trình ngữ pháp hoá ở nhiều ngôn ngữ khác nhau, Hopper đã nêu lên một nguyên tắc ngữ pháp hoá phản ánh quan hệ tương tác này, đó là nguyên tắc “lưu dấu vết” (persistence). Nguyên tắc này được phát biểu như sau:

“Khi một dạng thức trải qua quá trình ngữ pháp hoá, từ dạng thức từ vựng biến thành một dạng thức ngữ pháp thì trong chừng mực các thuộc tính ngữ pháp mà nó có được, nó vẫn lưu lại một số dấu vết của ý nghĩa từ vựng ban đầu, và những thuộc tính còn lưu dấu vết này có thể được phản ánh trong những chế định về khả năng kết hợp ngữ pháp của nó” (When a form undergoes grammaticization from a lexical to a grammatical function, so long as it is grammatically viable some traces of its orginal lexical meanings tend to adhere to it, and details of its lexical history may be reflected in constrains on its grammatical distribution” (P.J Hopper 1991, tr 22).

Sự phân tích các tiểu từ tình thái cuối câu tiếng Việt có nguồn gốc vị từ ngôn liệu càng khẳng định nguyên tắc trên đây. Chẳng hạn, vị từ “mất” có hàm ý nuối tiếc (mất tiền, mất thời gian) lưu lại dấu vết trong nội dung thể hiện đánh giá của người về tính tiêu cực, tính không mong muốn của sự tình. Do đó, tiểu từ tình thái chỉ có thể đi kèm với nội dung mệnh đề là một điều mà theo lẽ thường, hoặc theo một lô gich nào đó là không hay, không tốt. Tiểu từ tình thái “mất” khó mà được dùng kèm theo nội nội dung mệnh đề có ý tích cực, đáng mong muốn. Điều đó giải thích tại sao những phát ngôn dưới đây là bất thường (odd) và vì vậy, luôn có hàm ý hài hước:

30) Phen này thì tao trúng số độc đắc mất!

31) Không khéo thì hoa hậu Báo Tiền phong yêu tao mất!

  1. Kết luận

Sự phân tích quá trình ngữ pháp hoá diễn ra đối với một số tiểu từ tình thái tiếng Việt có nguồn gốc vị từ ngôn liệu cùng những hệ luận về sự thay đổi ngữ nghĩa và thay đổi đặc trưng ngữ pháp của chúng đã hé mở cho thấy một khía cạnh phát triển của tiếng Việt. Dưới tác động có tính phát triển của đời sống xã hội, của nhận thức con người, tiếng Việt đã phát triển, đã điều chỉnh hệ thống ngữ pháp nội tại của mình. Khi xem xét sự phát triển của ngôn ngữ thì mặt ngữ pháp thường bị xem là trì trệ, bảo thủ nhất. Tuy nhiên, những phân tích của chúng tôi trên đây phần nào cho thấy cơ cấu ngữ pháp cũng biến đổi linh hoạt theo sự phát triển của xã hội, của nhận thức con người. Hy vọng sẽ có những nghiên cứu khác tiếp tục đi theo hướng này để góp phần xây dựng bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của tiếng Việt ngày hôm nay.

  NGUYỄN VĂN HIỆP (Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội)/ Nguồn: https://vanvn.vn/