Toàn bộ Nghị định có hiệu lực từ đầu tháng 02/2021

Sau đây, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT trân trọng giới thiệu toàn bộ Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ 01-10/02/2021:

1. Thêm 01 loại giấy tờ để được chứng nhận quyền sở hữu nhà ở

Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 08/02/2021.

Theo đó, Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP về chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Cụ thể, theo quy định mới, hộ gia đình cá nhân trong nước có “giấy phép xây dựng nhà ở có thời hạn” đối với trường hợp nhà ở phải xin giấy phép thì được chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

2. Bỏ quy định cấm hát nhép khi biểu diễn nghệ thuật từ ngày 01/02/2021

Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn chính thức có hiệu lực từ ngày 01/02/2021.

Theo đó, quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn gồm:

– Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

– Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

– Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.

– Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.

(Hiện hành, Điều 6 Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định cấm tổ chức, cá nhân biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật “sử dụng dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn”).

Như vậy, từ 01/02/2021, không còn quy định cấm hát nhép khi biểu diễn nghệ thuật.

3. Đã có hướng dẫn về hành vi “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc”

Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động có hiệu lực từ ngày 01/02/2021.

Theo đó, quấy rối tình dục có thể xảy ra:

– Dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc;

– Hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:

– Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;

– Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;

– Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

4. Tăng vốn điều lệ tối thiểu để thành lập Quỹ đầu tư phát triển địa phương

Nghị định 147/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư và phát triển địa phương có hiệu lực kể từ ngày 05/02/2021.

Theo đó, điều kiện thành lập mới Quỹ đầu tư phát triển địa phương được quy định như sau:

– Có vốn điều lệ thực có tại thời điểm thành lập không thấp hơn 300 tỷ đồng (Hiện hành, Điều 30 Nghị  định 138/2007/NĐ-CP quy định vốn điều lệ tối thiểu phải có tại thời điểm thành lập là 100 tỷ đồng).

– Có đề án thành lập Quỹ đầu tư phát triển địa phương được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.

– Có dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương phù hợp với quy định tại Điều 8 Nghị định 147/2020.

5. Nghị định 142/2020/NĐ-CP quy định tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử có hiệu lực từ ngày 01/02/2021.

Thu Linh
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT