TÌNH VÀ LÝ

Ảnh minh họa: Internet

(Quý tặng đồng môn Trương Nghĩa-Trường THCS Đốc Binh Kiều)

Có một điểm trường tiểu học đền bù mặt bằng xong rồi, nhưng chủ đất cũ chần chừ không muốn bốc mấy ngôi mộ nằm chình ình trước sân trường. Mấy cán bộ xuống dùng luật, chỉ đạo kêu di dời cũng không xong. Đứa bạn đang làm phó phòng GD-ĐT quản lý cơ sở vật chất lựa lúc đang tiết trời thanh minh, xách xe xuống nhà ông chủ đất cũ thấy đang nhậu. Cầm ly rượu trên tay, nó nói:
– Sao chú không di dời mấy ngôi mộ trước sân trường
– Im ru.
– Để đó mấy đứa học trò chạy giỡn, giẫm đạp, ồn ào khiến ông bà dưới suối vàng nhức óc đinh tai, sao mà yên nghỉ cho đươc.
-Im ru.
– Biết đâu còn có đứa tè bậy, phóng uế bừa bãi lên phần mộ ông bà. Con nít nó vô tư, đâu biết gì là phải trái.
– Chú này nói có tình có lý tôi chịu nè. Sắp tới có đám giỗ, để tui bàn với gia đình bốc mộ vô trong này luôn.
– Còn tiết tháng ba thanh minh, chú làm là đúng sách rồi. Để cháu bàn với huyện hỗ trợ thêm kinh phí di dời.
– Vậy hả. Tốt quá. Tui làm ngay.

Tại sao tôi đặt tựa đề tình và lý mà không phải là lý và tình. Bao giờ cũng vậy hợp tình rồi mới hợp lý. Tình và lý làm thay đổi nhận thức và cách sống con người. Theo triết lý nhà phật, bố thí tiền bạc, miếng ăn chỉ là cấp thấp. Mà phải làm sao thay đổi nhận thức mới là quan trọng. Biến người bi quan thành lạc quan, biến người lười biếng thành chăm chỉ, biến kẻ sắp tự tử thành người biết quý trọng từng phút giây mình được sống.

Cặp phạm trù tình và lý có khác gì đức và tài của con người. Mấy chục năm trời dạy học, chúng ta chứng kiến nhiều cuộc cải cách, thay đổi, công văn chỉ đạo, chuyên đề về nghề giáo của chúng mình. Tựu trung lại có hai vấn đề cốt lõi: đạo đức và chuyên môn. Thầy giáo chuyên môn yếu, dạy yếu có thể rèn luyện được, nhưng đạo đức xấu (xin lỗi đã thuộc phạm trù đạo đức thì chỉ có tốt, văn hóa thì ko thể có thứ văn hóa đồi trụy), không có đạo đức thì vứt đi. Giống như làm văn nghệ mà không có chút văn nghệ, làm nghệ thuật mà sống chả có chút nghệ thuật gì.

Dạy văn chúng mình không thể bắt học trò đem thơ, truyện ngắn ra giữa chợ đời rao bán, kiếm cơm. Mà hãy xem quá trình khám phá, chinh phục, đam mê mới là cốt yếu. Coi tác phẩm văn chương như người tình, như một khách hàng, một đối tác, một cái gì đó do mình quy chiếu, nghĩ đến.

Nói đến người tình, tôi lại nhớ đến tình yêu tuổi học trò. Nó có khác gì chữ ký trên mặt nước. Tôi chứng kiến những em đập tay vô cửa, đập chảy máu đầu, cắt lưỡi lam, vì không được yêu, chia tay, gia đình cấm đoán. Xong những năm tháng ngồi dưới mái trường rồi lãng quên như nước chảy qua cầu. Có đứa nói, em sẽ đóng băng mặt nước để lưu giữ chữ ký kia thầy ơi. Ý tưởng hay.

Lãnh đạo phải biết văn hóa, thầy cô như chúng mình cũng hiểu biết văn hóa. Văn hóa chứ không phải trình độ nghen bồ tèo. Văn hóa kiểu như thằng bạn làm phó phòng GD lựa đúng thời điểm tiết thanh minh để bàn chuyện di dời mồ mả ông bà. Có văn hóa để giải quyết công việc có tình và lý. À quên, nghe nói người bạn tôi giờ lên chức trưởng phòng rồi nghen. Nhờ nhiều yến tố, nhưng yếu tố quyết định là sống, làm việc có tình và lý.

Hồ Văn (Tháp Mười: 6/6/2020)/Nguồn: https://www.facebook.com/nhinh.hovan?