Có những lúc con người hay lí sự hay nói cách khác là hay cãi cọ đối với những chuyện không đáng. Tuy nhiên, một khi con người già đi và sắp kết thúc một giai đoạn của sự tồn tại thì con người lại thấy cái gì cũng hợp lí, cái gì cũng có nguyên do của nó… Theo Khổng Tử, cuộc đời của mỗi người được chia làm 6 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: “Thập hữu ngũ nhi chí vu học” – nghĩa là 15 tuổi thì để hết tâm trí vào việc học; nói cách khác, thiếu thời cần tập trung vào việc tu dưỡng, xác định chí hướng và tích lũy kiến thức.
Giai đoạn 2: “Tam thập nhi lập” – 30 tuổi lập thân, lập nghiệp, lập gia đình– đã trụ vững, có nghề nghiệp, việc làm, có khả năng nuôi sống bản thân và gia đình, đã xác định vị trí của mình trong xã hội.
Giai đoạn 3: “Tứ thập nhi bất hoặc” – 40 tuổi không còn mê hoặc, đến tuổi này thì đã chín chắn, lịch duyệt; có kiến thức và kinh nghiệm phong phú, nên đối với những việc diễn ra trong xã hội có chính kiến rõ ràng, kiên định, không còn nghi ngờ (bất hoặc).
Giai đoạn 4: “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh” – 50 tuổi thì biết rõ sứ mệnh của mình; đã nắm vững quy luật tự nhiên và xã hội, biết được xu thế của thời cuộc, nên công việc thường thuận lợi và dễ dàng đi đến thành công.
Giai đoạn 5: “Lục thập nhi nhĩ thuận” – 60 tuổi thì không còn chướng tai gai mắt; do lý giải đúng căn nguyên của mọi việc diễn ra xung quanh và thấu hiểu nhân tình thế thái, nên dễ thông cảm và có thái độ khoan dung hơn – nhìn sự việc không còn thấy chướng tai gai mắt (thuận nhĩ); không như tuổi trẻ hiểu biết còn nông cạn, nên trước nhiều sự việc thường cảm thấy khó chịu, bực mình.
Giai đoạn 6: “Thất thập nhi tòng tâm sử dục, bất du cửu” – Tới tuổi 70, cổ lai hy thì đạt đến cảnh giới đắc đạo tâm tính và đạo đã hợp nhất, mọi thứ đã thành bản năng nên nghĩ gì hay làm gì cũng đều hợp đạo, chẳng vi phạm phép tắc (bất du cửu = không vượt ra ngoài quy tắc).
Việt Tạ (sưu tầm)