Phụ nữ Đồng Tháp tiếp nối và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp

Phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ (PN) Việt Nam, nhân kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 – 8/3/2021) và 1981 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chúng tôi đã gặp gỡ những người PN luôn tận tụy với công việc, nhiệt tình với các hoạt động phong trào, năng động làm kinh tế, đồng hành, giúp đỡ hội viên có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Đồng chí Huỳnh Thị Thanh Tuyền khám bệnh cho chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh

* Đồng chí (đ/c) Huỳnh Thị Thanh Tuyền – Đại úy Quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên quân y, Tổ Quân y, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Đồng Tháp

“Vì trót yêu nghề y cùng màu áo xanh của người lính biên phòng, tốt nghiệp cấp 3 xong, tôi chọn ngành y sĩ đa khoa của Trường Trung cấp Quân y I để hiện thực hóa ước mơ. Đó là động lực để tôi ngày càng gắn bó với công việc của mình suốt nhiều năm qua” – đ/c Huỳnh Thị Thanh Tuyền chia sẻ.

17 năm gắn bó với nghề thì có hơn 7 năm đ/c Tuyền công tác tại các phòng khám quân y khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp. Tại đây, ngoài chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP, mỗi ngày tham gia khám chữa bệnh cho từ 30 – 50 lượt bệnh nhân là người dân khu vực biên giới. Năm 2019, đ/c Tuyền được điều động về công tác tại Tổ Quân y, đồng thời là thành viên Tổ truy vết của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 BĐBP tỉnh Đồng Tháp từ năm 2020 đến nay. Bên cạnh việc tham gia khám bệnh, điều trị cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh, hàng năm, đ/c cùng đơn vị khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho nhiều lượt bệnh nhân tại các xã biên giới và người dân nước bạn Campuchia.

Ngoài thời gian làm việc, đ/c Tuyền tranh thủ tự học, nghiên cứu thêm kiến thức chuyên môn, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP và người dân nơi biên giới. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, những ngày qua, đ/c tất bật tham gia các chuyến công tác biên giới để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ BĐBP nâng cao kiến thức phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, vững vàng nơi tuyến đầu chống dịch. Ghi nhận những đóng góp thiết thực đó, vừa qua, đ/c Tuyền vinh dự được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, giai đoạn I.

Cô Phạm Thị Ngọc Nga – Bí thư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lạc 1, TP.Hồng Ngự

* Cô Phạm Thị Ngọc Nga – Bí thư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lạc 1, TP.Hồng Ngự

Đến với Trường Tiểu học An Lạc 1, TP.Hồng Ngự, nhiều người ấn tượng với hình ảnh ngôi trường khang trang, sạch đẹp, học sinh rất lễ phép. Nhiều năm qua, tập thể thầy, cô giáo của trường luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là đơn vị điển hình trong chuyên môn và các hoạt động phong trào. Trong đó có sự đóng góp tích cực của cô Phạm Thị Ngọc Nga – Bí thư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lạc 1.

Cô Nga chia sẻ: “Tập thể đơn vị trường luôn thực hiện đúng theo Nghị quyết mà Chi bộ đã đề ra về công tác chuyên môn; kế hoạch của nhà trường, đoàn kết hoàn thành tốt mọi công việc mà ngành giao phó đạt nhiều thành tích nổi bật trong năm học. Bên cạnh đó, tôi cùng đồng nghiệp còn hưởng ứng, hành lập mô hình “Tương thân, tương ái” trao quà, hỗ trợ học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời vận động thành lập Tổ hùn vốn góp vốn xoay vòng; vận động mạnh thường quân, phụ huynh mua bảo hiểm y tế cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn…”. Không chỉ đảm nhiệm tốt vai trò quản lý, giữ vững thành tích giảng dạy, hoạt động phong trào, cô Nga luôn năng động, sáng tạo, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ; phương pháp làm việc khoa học, dân chủ, đúng nguyên tắc; tinh thần hợp tác, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp; gương mẫu đi đầu trong công tác tuyên truyền, xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp.

Chị Phạm Thị Kim Loan (bìa trái) phát gạo cho người nghèo ở ấp Long Hội, xã Hòa Long, huyện Lai Vung

* Chị Phạm Thị Kim Loan – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hòa Long, huyện Lai Vung

Hơn 10 năm gắn bó với công tác Hội và phong trào PN địa phương, chị Loan đã thực hiện, phối hợp thực hiện tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, quần chúng PN tham gia phong trào thi đua “PN tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; cuộc vận động 5 không 3 sạch; phát huy vai trò PN tham gia xây dựng nông thôn mới,…

Với sự tham gia và hưởng ứng của các hội viên, đến nay, Hội đã thành lập 5 Tổ tự quản môi trường; xây dựng 1 tuyến đường 3 sạch, dài 2km tại ấp Long Phú; vận động PN thường xuyên thu gom rác, vệ sinh môi trường giúp các tuyến đường nông thôn sạch đẹp hơn. Ngoài ra, chị Loan cũng phát động, tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên PN nghèo như: thành lập Tổ tiết kiệm vay vốn; mô hình “Mỗi chi hội giúp 1 hội viên nghèo thoát nghèo”; dạy nghề nông thôn; vận động tặng gạo, cất nhà tình thương;… Với những đóng góp tích cực trong công tác Hội, chị Loan được UBND tỉnh, huyện, Hội LHPN tỉnh, huyện biểu dương, khen thưởng. Chị Phạm Thị Kim Loan chia sẻ: “Để làm tốt công tác Hội, tôi luôn ý thức trách nhiệm trong công việc, thường xuyên lắng nghe góp ý, học tập kinh nghiệm từ người đi trước. Nhờ sự đồng tình, giúp đỡ của các chị em nên công tác lãnh đạo Hội được thuận lợi hơn, các phong trào PN đạt hiệu quả”.

Chị Huỳnh Thị Tới

* Chị Huỳnh Thị Tới – hội viên Chi hội phụ nữ ấp Nam, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình

Gắn bó với nghề nông, năm 2018, gia đình chị Huỳnh Thị Tới cải tạo 4 công ruộng để trồng chanh bông tím và vận động chị em liên kết trồng chanh. Tháng 11/2019, Tổ liên kết trồng chanh ấp Nam (8 thành viên) được thành lập do chị Tới làm Tổ trưởng với diện tích trồng chanh hơn 20.000m2. Chị Tới cho biết: “Các thành viên được học tập, trao đổi kinh nghiệm trồng chanh; đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường; góp phần giải quyết “bài toán” thiếu lao động lúc thu hoạch. Tùy theo giá thị trường, trung bình mỗi công chanh, chúng tôi lợi nhuận khoảng 10 – 16 triệu đồng”.

Với bản tính cần cù, siêng năng lao động và tích cực tham gia làm kinh tế tập thể, chị Tới tham gia vận động các thành viên trong tổ hùn vốn tiết kiệm (6 tháng, hùn 2,5 triệu đồng/chị) để mua cây giống, vật tư nông nghiệp… Thời gian rảnh, chị Tới và chị em trong tổ còn nhận hái ớt, hái xoài, làm cỏ thuê và nhiều việc khác để có thêm thu nhập. Nhờ nỗ lực lao động, kinh tế gia đình chị Tới dần ổn định, xây dựng ngôi nhà kiên cố và mua thêm 4 công ruộng. Cùng với việc phát triển nông nghiệp, trong các buổi sinh hoạt Tổ liên kết trồng chanh, chị Tới lồng ghép tuyên truyền những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Liên hiệp PN các cấp; vận động chị em chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước… Chị Lê Thị Thanh Phương – Chi hội trưởng Chi hội PN ấp Nam đánh giá: “Chị Huỳnh Thị Tới rất siêng năng, nhạy bén trong làm ăn. Chị là một trong những tấm gương PN tiêu biểu của địa phương về làm kinh tế tập thể. Với sự tinh thần trách nhiệm của chị Tới, Tổ liên kết trồng chanh ấp Nam hoạt động hiệu quả”.

Nhóm PV CT-XH/ Nguồn: http://baodongthap.com.vn/