Nhiều “quá” cũng không tốt

Nhân sinh có những thứ như vậy, càng nhiều lại càng gây họa. Nhiều quá ham muốn sẽ khổ hải vô biên.

Người có nhiều ham muốn, nếu không được thỏa mãn sẽ cảm thấy khổ sở, được thỏa mãn rồi lại khơi gợi dục vọng mới, cho nên bị dục vọng tra tấn, khổ không thể tả. Còn người biết tiết chế dục vọng của mình, mới có thể có được tâm an.

Uống rượu không say bậc anh hào; Sắc đẹp không mê mới là cao; Tiền tài bất nghĩa thì không lấy; Khẩu khí chẳng sinh ắt tự tiêu”.

Con người đều có thất tình lục dục, không có gì đáng trách, nhưng một khi quá độ, bị dục vọng thao túng thì chính là tự rước lấy họa, tự hủy diệt bản thân.

Nhiều quá lo sợ sẽ lỡ mất cơ hội, cả đời là kẻ tầm thường.

Người hay lo sợ thường không muốn chủ động tranh thủ, dễ bỏ lỡ cơ hội tốt, cho nên cả đời chỉ là kẻ tầm thường. Trong “Tiểu song u ký” có nói: “Người có nhiều lo sợ sẽ không thể thấy được điều gì lớn lao”.

Người hay sợ hãi, chỉ biết theo sau người khác, sợ phạm phải sai lầm, đương nhiên cũng không có quan điểm siêu việt hơn người.

Tục ngữ nói: “Không có chuyện thì không gây chuyện, có chuyện thì không sợ chuyện”. Con người không có việc gì thì đừng nên rước thêm việc, không sợ chết cũng không cần phải tìm cái chết. Nhưng một khi có việc trước mắt, thì cần có can đảm gánh vác. Khi gặp vấn đề, sợ hãi liệu có tác dụng gì? Cái gì cũng sợ thì cả đời sẽ chìm trong bóng tối.

Càng nói càng thua, nói nhiều quá tất hớ.

Người có uy đức thì không nói nhiều, người giảo hoạt mới dùng nhiều lời để nói. Nói cách khác, khi một người nói nhiều chính là lúc họ bộc lộ khuyết điểm của mình, là một người không có đủ uy danh để phục chúng.

Người ít nói, nói chuyện cẩn thận thì nhiều phúc, người nói nhiều hấp tấp nóng nảy, thích khoe khoang chính mình, không vững vàng thận trọng, tất dễ gây họa.

Lời người xưa dạy: “Chớ nói nhiều lời, càng nói nhiều càng thất bại”. Phương Tây cũng có một câu ngạn ngữ: “Thượng đế cho chúng ta hai cái lỗ tai và một cái miệng, là vì muốn chúng ta nghe nhiều nói ít”.

Nghĩ nhiều quá gặp hoạ đa nghi.

Cổ nhân nói: “Phúc mạc phúc vu thiểu sự, họa mạc họa vu đa tâm”, ý rằng có phúc hay không là ở việc có ít chuyện hay nhiều chuyện, có họa hay không là ở việc đa nghi nhiều hay ít.

Người nhạy cảm thường tự cho mình là người thông minh, thích suy đoán tâm tư của người khác, nhẹ thì dẫn đến hiểu lầm phiền não, nặng thì thành mối bất hòa giữa con người. Càng là người thông minh, càng sẽ làm ra chuyện ngu xuẩn.

Nhân sinh cả đời, hồng trần hỗn loạn, thật khó để trở nên hồ đồ.

Nhìn quá rõ ràng, sẽ làm tổn thương con mắt; nghĩ quá minh bạch, sẽ làm mệt mỏi tâm thần;

Sống quá tỉnh táo, sẽ phiền não vô tận. Tính toán quá nhiều, cuối cùng lại mất đi chính mình;

Khôn khéo quá mức, ông trời cũng cảm thấy chán ghét.

Tranh giành nhiều quá lại chịu tổn thất, vì lợi ích nhỏ mà mất cái lớn

Người hay tranh giành, là người thích những món lời nhỏ, không biết cảm ơn; đạt được lợi ích từ người khác nhưng lại không muốn báo đáp.

Người hay tranh giành, thường là người nhất thời chiếm được lợi, lại đánh mất nhân tâm, cuối cùng lại chịu thiệt thòi lớn, có thể nói là bởi vì lợi nhỏ mà mất lớn.

Trong Hồng Lâu Mộng viết: “Thế sự tinh thông đều nhờ vào học vấn, từng trải nhân tình mới đạt tới văn chương”. Tình người là một cái cân, thứ để đo chính là nhân tâm. Tình người đến rồi đi, mấu chốt chính là cân bằng.

Chỉ có đòi hỏi mà không muốn cho đi, mọi người cuối cùng cũng sẽ rời xa bạn. Có qua có lại, trân trọng tình người thì mới có thể thắng được duyên kiếp, có thể thắng được nhân sinh.

Viet Ta (Sưu tầm)