Ảnh minh họa/internet
GD&TĐ – Qua quá trình lựa chọn sách giáo khoa (SGK), giáo viên, phụ huynh học sinh đều nhận thấy được tầm quan trọng của việc thay đổi nội dung chương trình; thấy được tầm quan trọng của việc lựa chọn một bộ SGK phù hợp để giảng dạy cho địa phương.
Nhận định của NGƯT Tô Ngọc Sơn, chuyên viên phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Đồng Tháp: Sau một thời gian thực hiện 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ngành Giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực. Với quan điểm cá nhân, tôi nhận thấy rằng, chủ trương 1 chương trình, nhiều bộ SGK là rất đúng, rất phù hợp với xu hướng thời đại, phù hợp với tình hình phát triển chung trên toàn thế giới. Chủ trương này đã thực sự đi vào thực tiễn.
Cũng theo NGƯT Tô Ngọc Sơn, Hội đồng lựa chọn SGK, trong đó có thầy cô, phụ huynh đã nghiên cứu, phân tích, đánh giá để chọn được bộ sách phù hợp nhất; qua đó thấy được tầm quan trọng của việc thay đổi nội dung chương trình, SGK, thấy được tầm quan trọng của việc lựa chọn một bộ SGK phù hợp để giảng dạy trong nhà trường. Sự hiểu biết và thông suốt chương trình, SGK là một thành công trong quá trình triển khai Nghị quyết của Quốc hội.
Qua việc tích cực, chủ động nghiên cứu lựa chọn SGK đã giúp giáo viên hiểu thấu đáo về chương trình, về bộ sách mình sẽ giảng dạy. Có thể nói, điểm sáng của chủ trương 1 chương trình, nhiều bộ SGK là giáo viên có cơ hội tiếp cận với nhiều tư tưởng, nhiều nội dung, nhiều cách thức giảng dạy. Trọng tâm nhất vẫn là sự hiểu biết, thông suốt về điểm khác biệt của các đầu SGK.
“Việc thực hiện quy trình lựa chọn SGK phát huy tính chủ động, sáng tạo, vai trò trách nhiệm của cá nhân đối với ngành, đối với địa phương, đối với đất nước. Với bộ sách chính mình lựa chọn, giáo viên sẽ sử dụng, khai thác một cách sâu sắc nhất, phát huy hiệu quả nhất. Với việc tham gia lựa chọn SGK, phụ huynh cũng sẽ đồng thuận, sẵn sàng hỗ trợ, tiếp sức giáo viên khi cần thiết” – NGƯT Tô Ngọc Sơn chia sẻ.
Từ sự khác biệt đó, giáo viên mở rộng thêm kiến thức, phát hiện thêm nhiều điều mới lạ. Từ đó, mạnh dạn vận dụng, tích hợp vào nội dung giảng dạy; sửa đổi, bổ sung phương pháp truyền đạt của mình với mong muốn giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức, phát triển năng lực, phẩm chất một cách chủ động, hài hòa và hoàn thiện nhất.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục tại Đồng Tháp đều đã lựa chọn được SGK lớp 1 phù hợp để giảng dạy từ năm học 2020-2021. Thông tin từ NGƯT Tô Ngọc Sơn, nhiều giáo viên đánh giá rất cao giá trị các đầu sách, bộ sách. Dù có cách tiếp cận riêng, nhưng các bộ sách đều hướng tới phát triển năng lực và phẩm chất của người học.
Hải Bình – 13/06/2020, 11:00 GMT+7/Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại