Cách duy nhất để vượt qua nỗi buồn ấy chính là thay đổi thái độ và điểm nhìn. Chỉ cần lùi lại một bước, không tranh với người, không đấu với đời, giữ gìn tâm thiện… một chân trời mới sẽ mở ra.
Chuyện xưa kể lại, có một chàng hoàng tử trẻ đi thỉnh giáo sư phụ của mình, một bậc đại sư danh tiếng. Chàng hỏi rằng: “Tương lai trước mắt con sẽ như thế nào ạ?”.
Vị sư phụ kia đáp lại: “Trong suốt cuộc hành trình của đời mình, con sẽ phải đi qua ba cánh cửa. Mỗi cánh cửa đều có những thông điệp riêng ở trên đó. Khi đọc, con sẽ dần giác ngộ ra chân lý. Ta sẽ đợi con sau khi con bước qua được cánh cửa cuối cùng”.
Hãy thay đổi chính mình thay vì thay đổi người khác
Chàng hoàng tử liền rời bỏ cung điện nguy nga để bắt đầu cuộc hành trình của riêng mình. Lúc bước qua cánh cửa đầu tiên cũng là lúc chàng nhìn thấy thông điệp được khắc trên đó: “Thay đổi thế giới”.
Chàng tự nhủ: “Ta sẽ cải biến xã hội này như cách ta muốn nó phải như vậy”.
Một thời gian sau, chàng bước qua cánh cửa thứ hai, cùng với đó là thông điệp tiếp theo: “Thay đổi người khác”. Chàng nghĩ rằng: “Ta sẽ bắt đầu truyền đạt những tư tưởng đạo đức đúng đắn cho mọi người”.
Nhiều năm sau đó, chàng trai cuối cùng cũng tìm đến được bức thông điệp còn lại: “Thay đổi bản thân”. Lúc đó, chàng liền ngộ ra: “Đã đến lúc ta cần phải cải thiện chính mình”.
Hoàng tử sau đó liền gặp sư phụ của mình và nói: “Kết thúc cuộc hành trình, cuối cùng con cũng ngộ ra rằng thay đổi nhân gian sẽ tốt hơn là thay đổi cả thế giới này. Và thay đổi chính mình cũng dễ hơn thay đổi người khác”.
Bậc đại sư mỉm cười và trả lời: “Có lẽ con nên tiếp tục cuộc hành trình và bước qua ba cánh cửa kia thêm một lần nữa”.
Chấp nhận và đón nhận thế giới
Trên hành trình quay trở về, chàng hoàng tử lại phải đi qua cánh cửa thứ ba. Tuy nhiên, thông điệp trên cánh cửa giờ đã khác khi xưa. Dòng chữ trên cánh cửa ghi rằng: “Chấp nhận bản thân”.
Lúc đó, chàng mới chợt nhận ra vì sao mỗi khi gặp thất bại, chàng luôn tự coi thường bản thân. Đó là bởi vì chàng luôn chối bỏ những thiếu sót mình đang mắc phải.
Từ trước tới nay, chàng luôn cố tập trung quá nhiều vào những việc không làm được, khiến chàng vô tình coi nhẹ và bỏ qua những điểm mạnh của riêng mình. Hoàng tử nhận ra mình cần học cách đón nhận bản thân và hài lòng với những gì mình đang có.
Thông điệp trên cánh cửa thứ hai ghi rằng: “Chấp nhận người khác”. Chàng liền hiểu rằng vì sao mình luôn oán giận và khiển trách người khác. Khi có quá nhiều điểm khác biệt giữa con người, chàng không thể hiểu được những khó khăn riêng mà ai cũng có thể mắc phải trong cuộc sống. Từ đó, chàng bắt đầu học được thêm sự cảm thông.
Vài ngày sau, hoàng tử tìm về đến cánh cửa đầu tiên, cùng với dòng thông điệp cuối cùng: “Chấp nhận thế giới”. Lúc đó, hoàng tử thấy rằng mình đã thất bại trong việc thay đổi thế giới. Chàng luôn tự chối bỏ sự thật rằng đôi khi trong cuộc sống có những điều không thể thay đổi được.
Ngoài ra, chàng cũng hiểu được sự áp đặt lý tưởng, cũng như việc phủ nhận điểm mạnh của riêng từng người chính là lí do vì sao luôn có một rào cản giữa chàng và mọi người.
Cuối cùng, hoàng tử cũng ngộ ra được cách mở rộng lòng mình với thế giới bên ngoài và đón nhận nó. Khoảnh khắc đó cũng là lúc vị sư phụ hiện ra, mỉm cười và nói:
“Giờ thì con đã hiểu ra ý nghĩa của sự cân bằng và bình yên trong cuộc sống rồi chứ?”.
Trong cuộc sống này, con người thường bị trói buộc trong những mối ràng buộc chằng chịt khiến thân thể chẳng thoải mái, cõi lòng cũng nặng trĩu. Rất nhiều người mang trong tâm mong muốn thay đổi thế giới, cải biến, điều khiển người khác. Khi hoàn cảnh không thuận lợi, mọi chuyện diễn ra chẳng như ý, họ sẽ chỉ tự chuốc lấy nỗi buồn.
Nếu đã không thể thay đổi ngoại cảnh bên ngoài, nhân tâm người khác, chi bằng bạn thay đổi chính nhân tâm của mình. Người xưa nói: “Tướng tại tâm sinh, cảnh tuỳ tâm chuyển”, ý tứ là tướng mạo, ngoại cảnh bên ngoài là từ trong tâm mà sinh ra, cũng theo tâm mà chuyển biến.
Một chàng trai lêu lổng đi qua khoảnh ruộng gặp một nông phu đang đánh trâu kéo cày, bèn lớn tiếng hỏi: “Bác kéo cày làm gì, dù sao cũng không thể cày xới được toàn bộ cánh đồng lớn này, sao phải nhọc công, gắng sức làm vậy?“.
Bác nông phu tháo nón, mỉm cười nói: “Đúng vậy, tôi không thể cày xới cả cánh đồng lớn nhưng mảnh ruộng nhỏ này của tôi chắc chắn phải được xới đi xới lại đến khi đất tơi xốp. Chàng trai à, dẫu không thay đổi được cả thế giới nhưng lẽ nào cuộc đời trong tay mình cũng để buông xuôi ngày tháng? Hơn nữa nếu ai cũng có thể cày tốt mảnh ruộng của mình chẳng phải là cả cánh đồng lớn kia, tất cả ruộng đất trên thế giới này cũng đều được cày xới hay sao?“.
Vậy thì ngay bây giờ bạn cũng hãy làm như chàng hoàng tử trẻ kia, biết cách thay đổi chính mình và chấp nhận thế giới để cuộc đời mình tươi đẹp, hoàn mỹ hơn.
Theo Vision Times – Minh Quang biên dịch