Năng lực thành viên hội đồng chọn sách giáo khoa: Yếu tố quyết định

Việc lựa chọn SGK sẽ được tổ chức từ cơ sở giáo dục. Ảnh: Bá Hải

GD&TĐ – Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông, năm học 2020 – 2021, mỗi nhà trường sẽ thành lập một hội đồng lựa chọn SGK để sử dụng cho trường mình. Dự thảo cũng  có những định hướng khá cụ thể trong việc tổ chức và lựa chọn SGK ở mỗi cơ sở giáo dục.

Chọn 1 bộ SGK của 1 nhà xuất bản cho các khối lớp trong một trường?

Góp ý dự thảo Thông tư, NGƯT Tô Ngọc Sơn – chuyên viên Sở GD&ĐT Đồng Tháp phụ trách chuyên môn tiểu học – dẫn khoản 2, điều 2 về nguyên tắc lựa chọn SGK (lựa chọn 1 SGK cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp) và cho rằng: Chỉ nên quy định lựa chọn 1 bộ SGK của 1 nhà xuất bản cho các khối lớp trong một đơn vị.

Lý do ông đưa ra là, một bộ sách của một nhà xuất bản, các nhà khoa học viết sách sẽ có tính toán đến tính tương quan, liên thông các nội dung của các môn học. Trong quá trình giảng dạy giáo viên sẽ dễ dàng liên hệ và tích hợp liên môn để dẫn dắt, hướng dẫn và giúp học sinh hiểu sâu kiến thức cũng như nhớ kiến thức dễ dàng.

Liên quan đến Chủ tịch Hội đồng lựa chọn SGK, NGƯT Tô Ngọc Sơn góp ý, cần bổ sung Chủ tịch Hội đồng có nhiệm vụ và quyền hạn: Báo cáo kết quả làm việc của Hội đồng cho lãnh đạo ngành, UBND địa phương để nắm bắt và chủ động trong việc quản lý chuyên môn cũng như việc hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ việc sắp xếp nhân sự.

Về quy trình lựa chọn SGK, Dự thảo ghi rõ: “Tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK, đề xuất với Hội đồng bằng văn bản danh mục lựa chọn SGK”.

Theo NGƯT Tô Ngọc Sơn, nội dung cần được quy định cụ thể hơn, là: “Tổ trưởng chuyên môn cùng với giáo viên trong tổ nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK của môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK. Tổng hợp ý kiến các tổ viên, đề xuất với Hội đồng bằng văn bản, kèm theo danh mục lựa chọn SGK”.

Cũng liên quan đến quy trình chọn SGK (ở khoản 2, điều 8), NGƯT Tô Ngọc Sơn đề xuất chỉnh sửa: Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá đề xuất danh mục lựa chọn SGK của các tổ chuyên môn theo các nguyên tắc quy định tại Điều 2 Thông tư này và tiêu chí lựa chọn SGK do sở GD&ĐT địa phương quy định; lựa chọn SGK bằng hình thức bỏ phiếu kín;

SGK được lựa chọn phải đạt trên 50% số phiếu của các thành viên trong Hội đồng đồng ý lựa chọn. Hội đồng tổng hợp kết quả thành biên bản, có chữ ký của chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký và các thành viên tham dự.

 Ảnh minh họa/ INT

Băn khoăn hiệu quả chọn SGK ở trường không “mạnh” về đội ngũ

Ông Lê Việt Cường – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Luận (Thanh Thuỷ, Phú Thọ) – chia sẻ một số băn khoăn trong quy định về Hội đồng lựa chọn SGK tại Dự thảo. Vậy, để thuận lợi cho các cơ sở giáo dục trong việc lựa chọn SGK năm học 2020 – 2021, mỗi huyện chỉ nên thành lập 1 hội đồng lựa chọn SGK cho các trường trên địa bàn. Thành phần tham gia hội đồng là những người được lựa chọn trong các lãnh đạo, giáo viên cốt cán các trường, cơ sở giáo dục của huyện. Đại diện cha mẹ học sinh tham gia hội đồng phải là những người có con học lớp 1 năm học mới. Ông Lê Việt Cường

Ông Cường cho rằng, một số trường quy mô nhỏ, số lượng giáo viên ít, năng lực chuyên môn hạn chế dẫn đến khó khăn khi lựa chọn sách. Thành phần Hội đồng có đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường nhưng thời điểm chọn sách lớp 1 chưa tuyển sinh, không có phụ huynh khối 1, khó tạo sự đồng thuận.

Tâm lí phụ huynh không an tâm khi 2 địa phương gần nhau, 2 trường gần nhau, thậm chí trên cùng một địa bàn xã nhưng học sinh có thể dùng SGK khác nhau. Thêm nữa, ngay từ năm học đầu tiên, nếu các trường sử dụng các bộ SGK khác nhau sẽ khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo, bồi dưỡng giáo viên, việc trao đổi chia sẻ hỗ trợ giúp đỡ nhau giữa các đơn vị sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chất lượng hội đồng lựa chọn SGK vô cùng quan trọng

Có cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Phong Lan – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoan Hạ (Phú Thọ) – góp ý cho Điều 4, Điều 5, Chương II của Dự thảo, hướng dẫn về việc thành lập hội đồng và cơ cấu của hội đồng lựa chọn SGK. Nhìn vào cơ cấu đối với các thành phần lựa chọn sách, thấy hướng dẫn rất chi tiết, bởi có đầy đủ các thành phần đại diện trong nhà trường, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường.

Tuy nhiên, từ thực tế nhiều trường học ở vùng nông thôn, miền núi quy mô trường lớp không lớn, số giáo viên ít, một số môn học mỗi trường chỉ có 1 – 2 giáo viên thậm chí có môn không có giáo viên, bà Lan cho rằng, những trường này sẽ rất khó, chưa nói là không thể đảm bảo thành phần tham gia hội đồng lựa chọn SGK.

Một thực tế nữa là, để chọn SGK cho năm học 2020 – 2021 đảm bảo trước 5 tháng thì thành phần đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia hội đồng khi đó chưa phải là những người đại diện cho các cha mẹ học sinh lớp 1 năm học mới do chưa tuyển sinh cũng là vấn đề cần quan tâm.

Bên cạnh đó, theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phong Lan, để đi đến quyết định lựa chọn bộ SGK phù hợp trong nhiều bộ sách cũng không hề dễ dàng với các hội đồng của nhà trường.

Đọc hết tất cả các đầu SGK để có sự lựa chọn chính xác, phù hợp đòi hỏi mọi thành viên trong hội đồng phải có năng lực chuyên môn vững vàng, phải có sự tìm hiểu, nghiên cứu kĩ càng, phải so sánh đối chiếu, chỉ ra được những ưu, nhược điểm giữa bộ sách nọ với bộ sách kia nhưng trong thực tế nhiều trường tiểu học chất lượng của hội đồng sẽ khó được đảm bảo để lựa chọn được SGK cho tất cả các môn học…

Nếu chất lượng hội đồng lựa chọn sách không đảm bảo, việc lựa chọn một bộ sách phù hợp với nhà trường cũng chỉ mang tính hình thức, tốn kém và không hiệu quả.

“Theo chúng tôi, trong cùng một huyện, mặc dù cũng có trường ở trung tâm và vùng ven nhưng nhìn chung đặc điểm kinh tế xã hội gần giống nhau, giữa các trường không có nhiều khác biệt nên nếu có thành lập hội đồng lựa chọn SGK thì đối với cấp tiểu học chỉ cần mỗi huyện có 1 hội đồng lựa chọn SGK cho tất cả các trường là đủ.

Nếu trên địa bàn huyện có các nhóm trường có đặc điểm không giống nhau, hội đồng cũng có thể lựa chọn các bộ SGK cho các nhóm trường khác nhau. Các thành phần tham gia hội đồng là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, một số tổ trưởng chuyên môn và các giáo viên cốt cán của huyện đại diện cho các môn học, các nhóm trường khác nhau trên địa bàn huyện. Riêng thành phần đại diện cha mẹ học sinh phải là những người có con trực tiếp học và sẽ sử dụng bộ SGK mới.

Có như vậy, việc lựa chọn bộ sách phù hợp với các nhà trường sẽ đảm bảo hiệu quả, tránh tốn kém và hình thức, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cấp. Ngoài ra, Thông tư này nếu ban hành cần quy định rõ chỉ áp dụng cho việc lựa chọn SGK cho học sinh lớp 1 năm học 2020 – 2021, từ năm học sau sẽ thực hiện theo Luật Giáo dục 2019”, bà Nguyễn Thị Phong Lan góp ý.

Hiếu Nguyễn /Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/