Một câu chuyện ý nghĩa

Hai mẹ con ghé vào quán bún hải sản, ăn rồi con đi học, mẹ thì đi làm. Sáng hôm nay trời nhiều mây nhưng oi ả, mặc dù hàng bún nằm gần bờ biển nhưng cũng chả có tý gió nào. Nay cũng đông khách như mọi khi, nhân viên chạy bàn tất bật, mồ hôi ướt đẫm.

Hai mẹ con tôi ăn sắp xong thì thấy có tiếng ồn ào ở hàng bàn bên cạnh, một người đàn ông trung niên đang lớn tiếng.

– Bà không ăn thì đứng đây làm gì, đã chật chội thì chớ, biến ra ngoài lấy chỗ để người khác còn ngồi, lù lù một mớ như cái giẻ rách mất cả ngon.

Một bà cụ khoảng ngoài 70 tuổi đứng đó, mặt nhăn nhó sợ hãi thanh minh.

– Chú thông cảm, cháu tôi hôm nay mới ốm dậy, nó thèm bát bún hải sản nên tôi mới dám đưa nó vào đây, tôi cũng chẳng dám ăn, chỉ mua được một bát cho nó thôi…

– Không có tiền thì ăn cái khác là được rồi, bày đặt vào đây làm gì. Chiều cho nó lắm vào sau này có thành cướp. Còn mày, ăn nhanh rồi biến, nhìn cái gì

Ông ấy quát đứa bé.

Cô chủ quán chạy ra phân trần gì đó với người đàn ông kia rồi kéo thêm cái ghế cho ông ta ngồi, tuy nhiên trên cái mặt lạnh lùng đó vẫn tuôn ra những lời cằn nhằn cay nghiệt.

Bà cụ cúi mặt, nước mắt rưng rưng rồi giục cháu. Ăn mau đi con, rồi còn đi học không muộn.

Bà cụ đó thì ai cũng biết. Chồng mất sớm, có một người con trai duy nhất đã lấy vợ muộn xong còn dính nghiện ma túy, con dâu bà bỏ đi đâu đó không ai hay tin từ khi sinh xong đứa thứ hai, còn cậu con trai cũng đã chết sau đó không lâu, để lại cho bà hai đứa cháu tội nghiệp. Đứa lớn được một người họ hàng nhận về nuôi giờ đang ở quê, còn đứa cháu gái nhỏ này năm nay đang học lớp 4, được cái con bé xinh xắn, ngoan và học rất giỏi. Ngoài mấy triệu tiền lương hưu ít ỏi, hai bà cháu không có nguồn thu nhập nào khác.

Tôi tiến đến bên bàn họ và hỏi bà lão. Chào hai bà cháu, bé Na ốm thế nào, hôm nay đi học được rồi hả?

Tôi xoa đầu bé Na và quay sang bà cụ. Bà ơi, hôm nay cho cháu được mời bà ăn sáng bà nhé.

– Úi, tôi không dám đâu, cảm ơn cô. Cụ bà luống cuống, tôi cầm tay cụ trấn an.

– Bà yên tâm đi, cháu gọi cho bà bát bún, bà thong thả ăn rồi cho bé Na đi học. Còn sớm bà ạ.

Người đàn ông đó ngẩng đầu lên nhìn tôi, bối rối và ngắt lời nhiều lần khi tôi và bà cụ nói chuyện, tôi vờ như không để ý cho đến tận khi kết thúc câu chuyện với bà cháu nhà bé Na.

Vâng, đó là người đàn ông tôi rất quen. Thực sự chưa bao giờ tôi để ý và tìm hiểu sâu về hoàn cảnh của ông ấy, một người đàn ông đã ly hôn và độc thân nhiều năm nay, thành đạt, phong độ và bề ngoài có vẻ lịch lãm…

Cũng nhiều năm trước, bạn tôi nói rằng tôi đừng có dại mà từ chối ông ấy vì đó là một người đàn ông lý tưởng…

Còn tôi, với ông ấy tôi không có ấn tượng một chút nào, cho dù ông ấy nhiệt tình rất nhiều năm.

– Em khỏe chứ, lâu rồi không gặp.

Xin lỗi em, đây là người quen của em à. Tại hôm nay anh thấy khó chịu trong người nên hơi quá lời…

Ông ấy chìa tay về phía tôi. Không cần đâu ạ, tay em hơi bẩn, xin lỗi anh.

Tôi gọi cô nhân viên tính tiền 4 bát bún, chào hai bà cháu bé Na rồi giục con trai đi ra xe, bỏ lại ánh mắt ngượng ngùng của người đàn ông đó cùng nụ cười hồn nhiên của bé Na…

Nghe bạn tôi nói, bà vợ ông ấy đã bỏ đi mang theo hai đứa con, giờ cả hai đứa đều trưởng thành, giỏi giang nhưng không hòa đồng được với bố.

Đây là câu chuyện rất thật, cho dù ai đó nói về cách xử lý tình huống như thế nào, nhưng có lẽ cũng nên thấm thía một câu rằng … THẤY ĐỎ ĐỪNG TƯỞNG CHÍN.

Sưu tầm