Lý do phải có minh chứng khi truy cập hệ thống bồi dưỡng giáo viên

Quản lý chất lượng giáo dục bao hàm cả quản lý chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Ảnh minh họa

TS Lê Thị Kim Anh giải đáp băn khoăn của giáo viên khi muốn truy cập hệ thống bồi dưỡng giáo viên buộc phải có minh chứng.

TS Lê Thị Kim Anh là Chuyên gia tư vấn về giám sát, đánh giá của Ban Quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP).

Yêu cầu bắt buộc

– Bà lý giải sao về việc chưa có minh chứng, giáo viên (GV) sẽ không được truy cập vào hệ thống bồi dưỡng? Tập huấn trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến liên quan gì đến minh chứng?

– Trước khi tập huấn, cần có khảo sát năng lực đầu vào.

Năng lực ban đầu của GV phải được đánh giá đầy đủ, chính xác dựa trên minh chứng tường minh mới theo dõi được.

Hằng năm, sau mỗi chương trình bồi dưỡng, GV sẽ triển khai tự đánh giá.

Việc này cũng phải dựa trên hoạt động đã được thực hiện, có minh chứng kèm theo và có sự phê duyệt của thủ trưởng.

Qua đó mới theo dõi, hỗ trợ sự phát triển nghề nghiệp của từng GV theo đúng nhu cầu cụ thể cũng như nhu cầu từng vùng miền, địa phương.

Bồi dưỡng theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đã hoàn thành 2 mô-đun và hoạt động đánh giá trong năm 2020 được coi như đánh giá đầu vào.

Những GV, cán bộ quản lý (CBQL) đã học xong 2 mô-đun, khi bắt đầu học mô-đun 3 – chương trình bồi dưỡng của năm 2021 – buộc phải có dữ liệu đầu vào của năm 2020.

Đó là lý do trước khi học mô-đun 3, GV phải hoàn thành đánh giá này và tải kết quả lên hệ thống.

Đây là yêu cầu bắt buộc.

Vì nhiệm vụ ban đầu chưa hoàn thành không thể tiếp tục nhiệm vụ của năm tiếp theo.

Thời gian hoàn thành nhiệm vụ đánh giá sự phát triển năng lực sau khi học xong mô-đun 1 và 2 đã được kéo dài 3 tháng, tức là từ tháng 12/2020 – 31/3/2021 để GV hoàn thành việc này.

GV đã hoàn thành việc đánh giá.

Kết quả đã có, minh chứng đầy đủ thì mới được thủ trưởng phê duyệt, đánh giá “Đạt”.

Cho nên, GV chỉ ghi kết quả đánh giá kèm minh chứng tải lên hệ thống, chứ không phải đi tìm minh chứng. 

TS Lê Thị Kim Anh.

Lợi từ nhiều phía

– GV, CBQL giáo dục có lợi gì khi tham gia đánh giá có kèm theo minh chứng?

– Chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT đặc biệt chú trọng chuẩn bị cho đội ngũ; vì đội ngũ có phát triển tốt mới triển khai thành công chương trình này.

2 Thông tư về Chuẩn hiệu trưởng cơ sở GDPT (Thông tư 14) và Chuẩn nghề nghiệp GV cơ sở GDPT (Thông tư 20) giúp GV phổ thông soi xét bản thân, nhìn nhận mình xem đáp ứng mức độ nào để thực hiện chương trình.

Đồng thời, xem có tiêu chí, tiêu chuẩn nào còn yếu mà nỗ lực học tập phát triển năng lực bản thân.

Cùng với 2 Thông tư trên, Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn đánh giá GV và hướng dẫn đánh giá hiệu trưởng.

Theo đó, cả 2 đối tượng đều được đánh giá ở 3 mức: Đạt, Khá và Tốt.

Từng mức độ phải có miêu tả, kèm theo đó là các minh chứng thể hiện là mình đạt được mức độ ấy.

Theo hướng dẫn thực hiện 2 Thông tư này, khi GV đánh giá phải có minh chứng.

Có minh chứng thì mới tường minh, bảo đảm tính khách quan, minh bạch, công bằng.

Đánh giá theo chuẩn có lợi từ nhiều phía. Với GV, thầy cô nhìn nhận bản thân mình, tự đánh giá những gì mình đã làm được, xem mình đạt ở mức độ nào và kèm theo đó là minh chứng – chứng minh mình đã làm được việc đó – bảo đảm minh bạch, công khai, khách quan, không mơ hồ, cảm tính.

Thầy cô cũng nhìn nhận được mình sẽ cần phải làm gì – thể hiện qua minh chứng, hành động – để tiến lên một mức cao hơn.

Với cán bộ sở/phòng GD&ĐT, khi triển khai đánh giá theo chuẩn, họ đã thống kê được trình độ GV theo chuẩn; đồng thời có được minh chứng để bất cứ khi nào nhìn nhận lại sẽ biết là GV, nhà trường đánh giá theo chuẩn nghiêm túc hay chưa.

Minh chứng giúp cho việc đánh giá của người quản lý với GV minh bạch, tránh bất đồng, mâu thuẫn, từ đó xây dựng nội bộ đoàn kết. Minh chứng có rõ ràng, tường minh thì mới được đánh giá.

– Ở cấp vĩ mô, việc đánh giá GV theo chuẩn có ý nghĩa như thế nào?

– Đánh giá theo chuẩn giúp Bộ GD&ĐT theo dõi được xu hướng phát triển nghề nghiệp của cá nhân GV.

Cấp phòng ban, sở, và trên hết là Bộ GD&ĐT nhìn thấy được cơ sở dữ liệu về năng lực đội ngũ của ngành để có chiến lược phát triển nhằm đổi mới giáo dục.

Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT ban hành chương trình bồi dưỡng GV, CBQL cơ sở GDPT với 9 mô-đun ở mỗi cấp học.

Mục đích trang bị cho GV, CBQL toàn diện năng lực nghề nghiệp nhằm thực hiện Chương trình GDPT mới.

Hoạt động bồi dưỡng được triển khai theo mô hình mới, vừa trực tiếp, trực tuyến.

GV chủ yếu tự bồi dưỡng qua mạng trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến LMS.

Hoạt động tập huấn vừa qua, đội ngũ cốt cán đã học 3 mô-đun và đại trà học xong 2 mô đun. Phản hồi của GV đại trà, cốt cán là tích cực, thể hiện qua con số hài lòng là 95 – 98% với mỗi đối tượng.

Trong quản lý chất lượng, quản lý và phát triển đội ngũ, minh chứng cũng đóng vai trò quan trọng.

Xu hướng quản lý chất lượng ở tất cả lĩnh vực và cấp học hiện nay đều dựa vào minh chứng –  gọi là “văn hóa minh chứng”.

Các trường đại học, phổ thông cũng đang tự đánh giá và được đánh giá ngoài.

Cái quy chiếu để đánh giá, tự đánh giá và được đánh giá ngoài chính là hệ thống minh chứng, lưu giữ toàn bộ hoạt động mà cơ sở, cá nhân thực hiện.

Bộ GD&ĐT đã công nghệ thông tin hóa toàn bộ quá trình đánh giá theo chuẩn này.

Việc triển khai đánh giá GV, CBQL trên Hệ thống quản lý thông tin đào tạo và bồi dưỡng GV và CBQL cơ sở GD phổ thông giúp nhà quản lý các cấp nhìn nhận được số liệu của cấp học mình quản lý, biết được từng GV, từng cán bộ quản lý thuộc cấp mình phục trách, xem hoạt động bồi dưỡng đã thực sự giúp GV phát triển nghề nghiệp như thế nào.

Cũng qua việc đánh giá, chương trình bồi dưỡng sẽ được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nghiệp của GV.Tính đến thời điểm này, hơn một nửa số sở GD&ĐT trong cả nước đã số hóa được toàn bộ quá trình đánh giá theo chuẩn kèm theo minh chứng.Chỉ khi có thông tin đầy đủ mới có một chương trình đào tạo, bồi dưỡng thực sự đáp ứng được nhu cầu.Không có hệ thống thông tin tốt khó có thể vận hành tốt.Bộ GD&ĐT đang triển khai việc này và nó sẽ tác động mạnh đến cả hệ thống sư phạm, không chỉ GDPT. 

TS Lê Thị Kim Anh