Luật hóa việc dạy thêm, học thêm

Ảnh minh họa/INT

GD&TĐ – Mới đây Bộ GD&ĐT có công văn gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đưa dịch vụ dạy thêm, học thêm theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Thông tin này đã và đang nhận được nhiều sự đồng tình của những ai quan tâm đến giáo dục.

Dạy thêm và học thêm dù khó nhận được sự thống nhất ý kiến trong xã hội nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là cấm hay không, hoạt động này vẫn tồn tại. Sở dĩ vậy bởi dạy thêm và học thêm xuất phát từ nhu cầu có thật, cả từ phía người dạy lẫn người học. Học sinh có nhu cầu củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, nhất là các lớp cuối cấp. Giáo viên, với năng lực, uy tín của mình cũng có nhu cầu hành nghề ngoài giờ như bác sĩ, dược sĩ… Vấn đề quan trọng nhất là công tác quản lý, cần phải làm sao để việc dạy thêm và học thêm không biến tướng với những mặt trái tiêu cực.

Thực tế nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT có nhiều văn bản quy định, chấn chỉnh về dạy thêm, học thêm, rõ nhất là Thông tư 17/2012/TT-BGD&ĐT ngày 16/5/2012. Ở từng địa phương cũng có quy định khác nhau để quản lý hoạt động này. Với những giải pháp chỉ đạo đồng bộ, xuyên suốt từ Bộ đến từng trường học, thời gian qua tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định giảm đáng kể. Tuy vậy, ở một số nơi, tình trạng này chưa được khắc phục triệt để, có nơi có lúc giáo viên vẫn gây áp lực với học sinh không tham gia lớp mình. Thực tế này không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín ngành Giáo dục, lãng phí tài chính của phụ huynh, sức khỏe – tâm lý học sinh mà còn làm xáo trộn những chuẩn mực đạo đức thiêng liêng trong quan hệ thầy trò.

Có nhiều nguyên nhân để dạy thêm và học thêm sai quy định còn tồn tại, trong đó có việc hoạt động này chưa được luật hóa. Theo Luật Đầu tư năm 2014, việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm hiện nay chưa có trong danh mục hoạt động đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Trong bối cảnh các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường mọc lên như nấm, khá tự phát, việc thiếu một quy định chung mang tính minh bạch về dịch vụ dạy thêm, học thêm đã làm giảm hiệu quả công tác quản lý trong lĩnh vực này.

Thực tế cho thấy không được luật hóa nên chế tài xử phạt đối với hành vi dạy thêm, học thêm sai quy định chưa có sức răn đe; nhiều nơi quản không được dạy thêm, học thêm là cấm, ảnh hưởng đến giáo viên uy tín, gây thiệt thòi cho cả người dạy và người học. Có địa phương, có lúc, ban giám hiệu còn buộc phải cùng chính quyền đi “bắt” giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường, gây phản ứng trong dư luận. Một hiệu trưởng cho biết: “Có không ít lần chúng tôi phải theo các đoàn kiểm tra của chính quyền xem giáo viên của mình có dạy thêm “không phép” hay không. Việc đi bắt như “bắt trộm” và lập biên bản với giáo viên mình vi phạm là điều không ai muốn. Mà có bắt được thì chúng tôi cũng không có chức năng xử phạt”.

Luật hóa dạy thêm, học thêm dựa trên những tiêu chí, điều kiện cụ thể minh bạch, thống nhất không chỉ để xử lý với các trung tâm, giáo viên vi phạm, mà quan trọng là giúp họ phải có đủ tiêu chí mới được hoạt động, từ việc bảo đảm an toàn cho học sinh đến số tiết, giờ được dạy, cơ sở vật chất, chuẩn đội ngũ… Luật hóa việc dạy thêm cũng đồng thời giúp cho tư cách, vị trí người thầy sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực khi được hành nghề mà pháp luật không cấm.

Nếu đề xuất luật hóa việc dạy thêm, học thêm được cấp có thẩm quyền thông qua, cùng với việc ngành Giáo dục đang nỗ lực thực hiện Chương trình GD phổ thông mới, chú trọng tinh giản nội dung, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá… tin chắc rằng tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định, tràn lan sẽ được hạn chế tốt nhất.

Tâm An / Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại