LÃO ĐÁNH TRỐNG ĐÁM MA

Ảnh minh họa: Internet

Thấy Cà Tha đầu cà gục, bước xiêu vẹo vô cổng, giương mắt trờn trợn nhìn đảo điên, tôi thoáng giật mình. Cả xóm này rất sợ lão ghé nhà chơi. Vì đơn giản, lão là tay đánh trống đám ma có tiếng ở xóm này. Xóm ngoài lộ có anh Năm Chùa chuyên đi đờn đám ma.

Nghe nói, đờn hay quá đến nỗi linh hồn người chết hỏng chịu đầu thai mà theo dìa nhà Năm Chùa lập thành các đảng, lâu lâu trêu ghẹo người đi đường. Chị Năm thấy vậy phải lập miễu mới yên. Người ta ngán lão Cà Tha này cũng giống vậy.

Lão nhe hàm răng vàng lịa xịa, cười muốn tét hai cái môi dày thâm đen như hai miếng dưa mắm, làm rung rung hai cục thịt bủn xệ dính ở hai bên má, do chứa nhiều rượu hay ăn nhiều thịt mỡ kho rệu của đám ma nói:

– Thầy rảnh hông thầy?

– Thấy ngồi uống trà, ngắm cây kiểng là biết rồi.

– Thầy chở giúp em vô chướng 500 có đám ma.

– Tết nhứt chưa hết mà ma với đám gì ở đây.

– Chết đâu có ai lựa ngày, thầy ạ.

Hạy. Rất hay. Đời này, người chết mà lựa ngày, trùng với ngày tốt, giờ thiêng rất hiếm. Đến lúc này tôi ngóng lỗ tai, nghe trong gió có tiếng kèn, tiếng nhạc bi thương réo rắc vòng vọng lại.

– Sao. Chở không thì nói ông thầy?

– Dạ chở.

– Tôi làm từ thiện. Làm từ thiện thôi mà. Thầy chở tôi vô đám ma trong đó cũng làm từ thiện.

– Dạ anh.

– Ngoan. Vậy mới gọi là thầy giáo chứ. khà…khà…khà…

 Người ở xóm này không nhớ Cà Tha hành nghề đánh trống cho đám ma từ khi nào, bởi hễ có đám ma là có lão xuất hiện. Còn lão tâm sự: hông biết thì thôi, chứ ngửi trong gió có mùi nhang khói, nghe tiếng khèn, nhạc lễ đưa đám là chân giựt, tay run, mũi hỉnh…kêu đi. Ghiền đánh trống đám ma đã ăn vào máu thịt, xương tủy. Có thể là do di truyền. Ba của lão là ông Năm Bê chơi tài tử rất cứng. Cha tên Bê, đặt con tên Tha, bởi vậy tối ngày bê tha, đam mê ca hát, rượu chè, văn nghệ với văn gừng.

Ông Năm Bê đàn hát rất chắc nhịp. Nghe nói trước đây ông từng cầm chầu, đánh trống cho đoàn hát bội trong những dịp cúng miễu Bà chúa xứ dưới Kinh Tư. Tôi từng chứng kiến cảnh ông ấy xách dao lên sân khấu hâm mấy anh chị nghệ sỹ hát cương, hát bậy vở tuồng kinh điển Lâm Sanh Xuân Nương:

– Tụi bây không hát thì xuống. Đừng hát bậy kiểu đó. Bà con mua vé vô coi đàng hoàng, chứ có coi chùa đâu mà diễn tào lao.

– Giá vé bèo quá bác ơi.

– Thì hát cho ra hát, diễn cho ra diễn đi. Bà con xem đông mà ủng hộ.

– Hôm rày mưa dầm, ế ẩm. Tụi con ăn toàn cá biển, đầu cá ba sa nấu canh chua rau muống đồng muốn chết luôn nè.

– Được, sáng mai ghé nhà tao xúc vài bao gạo, bắt cá dưới ao dìa ăn. Nhưng đêm sau phải diễn cho đàng hoàng nghen.

– Dạ…dạ…dạ…tuân lệnh

 Phía dưới khán giả vỗ tay rần rần, khoái chí vô cùng.

Có người đồn rằng Cà Tha khoái đánh trống đám ma bởi lúc đi bộ đội ở chiến trường Tây Nam, lão chuyên moi tìm, tẩn liệm xác chết đồng đội. Ngồi lai rai với lão vài xị đầu nói năng lễ phép ngon lành. Chứ đến khúc sau, thấy mắt đỏ có vằn thì nên bỏ giò lái, rút lui êm đẹp. Bởi lão không còn là Cà Tha nữa rồi. Có một con người khác trong con người của lão hiện ra xổ toàn tiếng Cam, bàn chuyện thiên cơ, đoán cuộc đời, vận số. Những điều lão Cà Tha đoán như lời tiên tri. Tôi chiêm nghiệm và thấy linh ứng vô cùng.

 Xuất ngũ về quê, Cà Tha nhảy vô xin việc ở trại hòm Lý Tèo, đánh phá quàn, múa lửa, ngửi khói nhang cho đỡ ghiền. Kẹt kẹt giả làm ma cũng chơi luôn. Gần nhà tôi có anh Bảy Thép thuở trẻ là tay lang bạt kỳ hồ, gốc ở Mỹ Tho, lên đây lấy vợ và lập nghiệp kể rằng: Phía sau nhà Lý Tèo có cái ao rộng, bỏ hoang nhưng cá, ếch nhiều vô kể. Vì không ai dám vô câu bắt. Chỉ Bảy Thép có lá gan to đùng nên chẳng sợ gì. Đêm đó mới thả tay lưới xuống nước, liếc vô trại hòm thấy có một bóng trắng mở nắp quan tài, từ từ lướt ra ngoài hè. Bảy Thép ù chạy. Bóng trắng chạy đuổi theo. Bảy Thép té ngửa. Bóng trắng cất lời:

– Anh Bảy đi đâu đêm khuya vậy?

– Má ơi, ai mà biết tên tui?

– Cà Tha nè. Mắc đái quá. Nằm hoài trong ấy chịu hông nổi.

– Trời. Vậy mà tui tưởng…    

Khi trại hòm bị ế, ông chủ Lý Tèo phải kiếm người đóng vai người chết, lựa giờ thiêng trong đêm, rồi nằm vô quan tài lấy hên, thì y như rằng mấy ngày tới có người đến mua hòm.

Nghe đồn có lần, Cà Tha giả người chết nằm trong hòm thì mình mẩy sưng phù, tay chân quéo cong, lưỡi ú ớ như người sắp chết thiệt. Lão cố sức hất tung nắp quan tài, lăn lết ra ngoài hít sương đêm. Bình tâm lại, Lão quyết định bỏ nghề, về sống với vợ con. 

 Tay phải chạm hờ vô thành trống, tay trái cầm dùi, dang hai chân giữ bộ, mắt trờn trợn nhìn xa xăm về phía không người, lão Cà Tha đang tập trung sức lực của mình để đánh những hồi trống đám ma. Mồ hôi nhễ nhại ướt nhẹm chiếc áo màu xanh đã cũ mèm, kỷ niệm thời chiến trường lửa khói. Nhìn điệu bộ, thần sắc như thế này đâu ai nghĩ rằng lão là một kẻ thất thời, bị chủ trại hòm chê.

Nhưng quan sát kỹ lại, tôi thấy lão Cà Tha là một nghệ sỹ đích thực giữa đời thường. Khán giả không chỉ có người còn sống. Hai miếng thịt ở hai bên gò má của lão co thắt lại, dãn ra, rung rinh theo nhịp tùng…tùng…tùng… Lão đánh trống bằng cả trái tim của mình.

Mỗi lần phải đánh ba hồi từ to đến nhỏ dần. Và kết thúc bằng ba tiếng: Tùng tùng…tùng. Lão Cà Tha cho rằng ba hồi trống để thúc giục, kêu gọi linh hồn thức tỉnh trở về từ cõi u mê để hướng đạo. Còn ba tiếng cuối cùng lão không có đánh mà tự cõi vô hình có ai đó dìu cánh tay mình thôi dùi vô mặt trống. Đáp lại rằng linh hồn đã về rồi đây.

Đánh trống đám ma không phải chỉ phục vụ cho người nằm trong cỗ quan tài, mà còn làm thức tỉnh những người đang sống. Đời là cõi vô thường, ai rồi cũng ra đi về cõi vĩnh hằng, nên sống sao cho ra sống.

Tiếng trống của Cà Tha nối kết cõi thực và hư, người sống và kẻ chết. Cả quá khứ với hiện tại. Vì nghe nói, mỗi khi đánh trống là dịp lão nhớ về chiến trường xưa, nhớ đồng đội, bạn bè, những người đã nằm mãi bên đất bạn Cam-Pu-Chia.

Lão Cà Tha lầm rầm khấn vái, lấy mồi, đổ rượu xuống đất, mời tụi nó dìa ăn. Kể cho tụi nó nghe những thế sự cuộc đời. Những thằng bạn mãi trẻ, chứ không già như lão.

Tùng tùng…tùng.                                                                                

Tác giả: H.V/ Nguồn: Facebook Nhịnh Hồ Văn