10 ý tưởng dưới đây có thể nói là rất hay. Là một giáo viên, chúng ta không thể không xem qua. Hãy tự bồi dưỡng mình, bồi dưỡng nghề!
1/ Hãy cố gắng trở thành một giáo viên giỏi, nếu không giỏi, chí ít phải là giáo viên tốt !
2/ Không ai ép buộc chúng ta phải chọn nghề giáo, nếu không thích mà vẫn chọn, xin đừng bước vào. Nếu bước vào, hãy học cách yêu nghề, bắt đầu từ yêu trẻ.
3/ Nếu bản thân ta vẫn chưa được đứng trên bục giảng ở trường học để giảng dạy, hãy cố gắng đứng trên bục giảng của trường đời.
4/ Nếu một ngày kia, cơ duyên trở thành giáo viên chợt đến, hãy nhớ rằng cái chúng ta ghét khi đi học cũng chính là cái học trò ghét, đứng vào góc độ học trò để xét đoán, bảo vệ học trò bằng tấm lòng và dạy học trò cách vấp ngã vẫn đàng hoàng đứng dậy, bước đi bằng đôi chân của mình.
5/ Xã hội ngày càng lắm nghề, nhưng có 1 nghề tạo ra nền tảng cho mọi nghề: Đó là nghề giáo. Vô cảm với học trò cũng là sự vô trách nhiệm đối với xã hội.
6/ Lời nói con người là vũ khí, bén hơn gươm dao, độc hơn rắn rết. Chỉ quá lời đôi ba câu, nói vu vơ dăm ba chữ, giáo viên có thể làm hại cả cuộc đời của học trò, đưa trò vào con đường cùng cực không ngờ.
Trái lại, lời nói có thể là liều thuốc đưa học trò đến sự thành công bất ngờ, có lời nói vu vơ nhưng lại tạo ra sự xúc động lớn nơi học trò, theo học trò đến suốt cuộc đời.
7/ Nếu không yêu trẻ, tốt nhất hãy chọn 1 nghề khác.
Nếu muốn làm giàu, chọn nghề giáo là không nên.
8/ Thành quả của người thợ xây là những ngôi nhà. Thành quả của người nông dân là những cánh đồng lúa trĩu bông.
Thành quả của nghề giáo là sự thành đạt của học trò. Chúng ta chỉ có thể tận hưởng niềm vui với thành quả của mình khi tóc đã bạc dần. Và hãy học cách chấp nhận nếu thành quả ấy chẳng bao giờ quay lại với chúng ta.
9/ Nếu không thể dạy học trò thành 1 người thành đạt, chí ít hãy cố gắng hướng học trò thành 1 người tử tế.
10/ Một mai nhắm mắt, giọt nước mắt học trò dành cho ta trong những phút cuối cùng mới là thành quả đáng tự hào, là tài sản to lớn nhất của nghề giáo.
Nguyễn Ngọc Song Hà/ Nguồn: sưu tầm