Ảnh minh họa: Internet
Nền văn hóa Châu Á ảnh hưởng bởi Khổng Tử, Lão Tử, và Phật giáo khá nhiều. Tuy nhiên văn hóa Việt Nam nói riêng thì tôi tìm thấy 8 chữ – Học ăn – Học nói – Học gói – Học mở hàm chứa nhiều triết lý sống cũng đối nhân xử thế sâu xa.
Tôi may mắn được ông bà Nội nuôi dưỡng từ lúc 3 đến đến 11 tuổi ở Bồng Sơn, Bình Định. Mỗi tối sau khi ăn, tôi ngồi bóp tay cho ông Nội, trò chuyện với Nội và cũng để nghe Nội kể đủ chuyện trên đời. Và ngày nào cũng như thế.
Một hôm trong một đám giỗ lúc tôi còn nhỏ, tôi thích ăn cái món chả giò thế là trên bàn ăn tôi ngồi kế bên đĩa ấy và cứ gắp ăn thoải mái. Nội thấy thế gắp vào chén tôi món khác và bảo ăn nhưng đừng có thấy ngon mà ăn quá no. Tối ấy Nội hỏi: ‘Con có nghe ai nói Học ăn – Học nói – Học gói – Học mở chưa?’ ‘Dạ chưa ạ’ tôi trả lời. Thế là Nội bắt đầu giải thích 4 chữ đầu ấy ở trình độ mà tôi hiểu được.
Học ăn
Chắc bạn đã từng nghe câu tục ngữ: “Ăn coi nồi – Ngồi coi hướng”
Khi bước vào bàn ăn cần phải coi mình nên ngồi đâu. Là trẻ nên ngồi gần nồi cơm để bới cơm cho người lớn. Không nên cầm đũa trước và mời người lớn ăn, v.v. Văn hóa này tôi vẫn còn thấy ở nhiều gia đình ở Việt Nam, đặc biệt người gốc Bắc. Thời xưa đa số nghèo, nên nồi cơm có thể hết sớm. Do đó khi bới cơm cho mình thì cũng để ý coi nồi còn cơm không và không nên vét bát cơm cuối cùng mà nên nhường cho em hay người đau yếu.
Khi ăn phải biết chia phần thức ăn trên đĩa cho mọi người. Thí dụ đĩa có 8 cái chả giò mà trên bàn có 8 người thì con chỉ nên ăn một cái thôi. Con ăn cái thứ 2 thì sẽ có 1 người không có ăn đấy. Như hôm nay con ăn chả giò mà không biết mình đã ăn bao nhiêu cái !!! Con có biết không “Miếng ăn là miếng tồi tàn. Mất ăn một miếng là lộn gan lên đầu”. Người mà bị con ăn mất phần sẽ không vui với con đấy. Lời nói của Nội vẫn còn văng vẳng bên tai tôi.
Sau này lớn lên tôi hiểu hơn là cần phải chọn thức ăn có chất lượng dinh dưỡng. Văn hóa phương Tây có câu “You are what you eat” (Bạn là những gì bạn ăn) và có thể hiểu thể chất của bạn tốt hay xấu là do những thức ăn mà bạn dùng. Ngày nay kinh tế gia đình ở Việt Nam tốt hơn xưa và với sự hiện diện của thức ăn nhanh như gà rán, khoai chiên, pizza, trẻ em ngày càng có nhiều nguy cơ bị béo phì và những hệ lụy về sức khỏe do nó mang lại.
Chẳng những thế mỗi xã hội có một văn hóa ăn uống khác nhau và trong những món ăn truyền thống thường có những câu chuyện văn hóa thú vị của xã hội đó. Khi viếng thăm các đại học ở nước ngoài tôi thường có thú vui đi ăn những món ăn truyền thống bản xứ ở những quán ăn bình dân với sinh viên và học hỏi phong tục cũng như văn hóa từ đó.
Đối với Nội “Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn”. Bữa ăn trưa và tối của Nội ngày nào cũng thế gồm: 1 chén lưng cơm, một đĩa rau (luộc hay tươi), một bát canh, và một món mặn như cá chiên nước mắm, thịt kho, v.v. Kể cả khi Nội đã ngoài 100 tuổi, bữa ăn của Nội vẫn thế. Cá nhân tôi không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này của Nội. Có lẽ vì Nội lớn lên trong hoàn cảnh túng thiếu nên hình thành tư duy như thế vì còn nhiều thử thách trong cuộc sống để vượt qua.
Bạn có thể nói tôi là một người có tâm hồn ăn uống vì tôi cho rằng ăn là một niềm hạnh phúc cơ bản nhất của con người. Cảm nhận vị giác của con người lệ thuộc vào khá nhiều yếu tố như từ các giác quan khác. Thị giác từ môi trường xung quanh, cảnh trí cũng như cách trưng bày món ăn ảnh hưởng đến cảm nhận vị giác của bạn. Thính giác, khi ăn mà bạn nghe dòng nhạc nhẹ nhàng du dương thì bạn có cảm nhận món ăn ngon hơn. Cũng món ăn đó nhưng hôm nào trời mát mẻ thì cảm giác nó ngon hơn lúc trời oi bức và đó là ảnh hưởng của xúc giác. Và đương nhiên khứu giác gắn liền với vị giác. Khi món ăn bốc mùi thơm sẽ làm cho bạn chảy nước miếng thèm ăn và món ăn có cảm giác ngon miệng hơn nếu không có mùi thơm. Ngoài ra tâm trạng của bạn cũng ảnh hưởng đến cảm nhận vị giác của bạn không ít. Khi vui món ăn có cảm giác ngon miệng hơn khi buồn. Khi bạn ăn và trò chuyện vui vẻ với người đối diện thì món ăn có cảm giác ngon hơn là vừa ăn và vừa cãi lộn với người yêu!
Khi biết được những điều này, để tạo ra những yếu tố cộng hưởng giúp bạn thưởng thức được một bữa ăn ngon miệng trọn vẹn thực sự không tốn nhiều tiền và bạn cũng không cần phải là đại gia hay vào nhà hàng năm sao để có nó.
Đấy tuy ăn là một bản năng tự nhiên của con người. Khi mới sinh ra con người đã biết ăn (bú sữa mẹ). Thế mà đến chừng tuổi này, tóc đã bạc trắng mà tôi vẫn còn phải học ăn!
Học Nói (bấm vào đây để xem tiếp)
Pingback: HỌC ĂN – HỌC NÓI – HỌC GÓI – HỌC MỞ - TRUNG TÂM RÈN LUYỆN KỸ NĂNG - NGỌC SƠN