Hãy công bằng với chúng tôi!

Tôi đã xem một số clip cũng như bài báo về vụ việc một người dạy chửi học viên tục tĩu ở trung tâm ngoại ngữ Hà Nội. Cảm xúc đầu tiên là choáng váng, bức xúc, bất bình, nhưng sau đó là nỗi buồn khôn kể – không phải chỉ vì hành xử chợ búa ở một nơi được coi như lớp học, mà còn bởi nhiều người từ câu chuyện này đánh đồng với tư cách của một giáo viên đứng lớp.

Cô gái đó đáng được gọi là giáo viên hay không, có thực sự là một giáo viên hay không? Tôi khẳng định là không.

Luật Giáo dục ghi rõ: Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác. Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp gọi là giáo viên. Nhà giáo giảng dạy trong các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học gọi là giảng viên.

Các tiêu chuẩn của nhà giáo cũng được ghi rõ trong luật: Phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt; đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ; đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; lý lịch bản thân rõ ràng.

Trong khi đó, thông tin kiểm tra, xác minh MST English của Sở GD&ĐT Hà Nội được đăng tải trên hàng loạt báo đã làm rõ MST English hoạt động trái phép, cả 3 cơ sở đào tạo công khai của cơ sở này đều chưa đăng ký hoạt động đào tạo ngoại ngữ. Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến – nhân vật trung tâm của tất cả các ồn ào trên – xác nhận là giám đốc Công ty MST, một công ty kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, là cá nhân dạy học. Tại thời điểm kiểm tra, bà Tuyến chỉ xuất trình được bản sao Bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán.

Tôi và đồng nghiệp của mình theo dõi từng bài báo, giật mình và thấy buồn khôn xiết với những tít bài kiểu “cô giáo chửi học viên…”. Người viết chắc khó tưởng tượng, sự vội vàng, suy nghĩ thiếu thấu đáo của họ có thể gây ra tổn thương với chúng tôi như vậy. Chưa nghĩ đến việc được tôn vinh, chúng tôi chỉ cần được nhìn nhận đúng, công bằng.

Miên man nghĩ về câu chuyện này, tôi nhớ đến cô giáo chủ nhiệm cũ của mình. Tôi là đứa học trò nghèo của những năm học 1989 – 1990. Gia đình cô giáo khi ấy cũng khó khăn lắm, vậy mà cô vẫn trích từ đồng lương ít ỏi của mình giúp tôi và các bạn khác đóng quỹ để được tham gia dự cắm trại nhân ngày 26/3.

Rồi đồng nghiệp của tôi, cô Lý Thị Kim Chẻn – giáo viên tiểu học Trường tiểu học B Tây Phú (Thoại Sơn, An Giang) – ngôi trường đầu tiên tôi hành nghề dạy học. Ngày nào trên chiếc xe đạp “cà tàng”, cô giáo thân hình nhỏ bé cũng đèo theo 1 – 2 học sinh, có hôm em ngồi trước, em ngồi sau; đến trường là người mệt lử. Khi tôi buột miệng hỏi vui: “Sao ngày nào cô cũng phải làm mệt thân vậy?”.

Câu trả lời nhẹ bẫng làm tôi thấy ngỡ ngàng: “Trời! Thầy thấy trưa nắng ghê không? Thấy tụi nhỏ đi bộ tôi chịu không nổi.” Từ đấy về sau, trên đường tôi đi dạy cũng luôn đèo theo 2 em trên chiếc xe đạp cà tàng như cô. Nhờ vậy mà tình cảm thầy trò rồi phụ huynh mỗi ngày thân thiện hơn nhiều.

Tôi cũng nhớ mãi câu nói của cô Nguyễn Thị Thu Nga, hiện nay là Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp: Chúng ta sống được với nghề chính là nhờ học sinh. Tại sao ta không chăm chút, thương yêu người đã cho chúng ta niềm vui, kinh nghiệm, kĩ năng và cả chén cơm, tấm áo… cho chúng ta giá trị cuộc sống! Sự trưởng thành của tôi một phần được vun đắp từ câu nói ấy, giá trị ấy.

Còn biết bao người, bao thầy cô giáo khác đang ngày đêm vun vén, bồi đắp làm đẹp thêm cho xã hội, cho nghề và cho đời. Mía sâu có lóng, nhà dột có nơi. Hãy thận trọng suy xét, đừng đánh đồng làm ảnh hưởng đến những thầy cô giáo đang thầm lặng làm việc, cống hiến.

Qua vụ việc này, tôi cũng xin gửi gắm đến những những người được may mắn làm nghề dạy học: Hãy phát huy thế mạnh của mình, hãy tự trau dồi, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, trình độ sư phạm, để xứng đáng là người được trân trọng gọi với hai chữ “nhà giáo”. Các cấp quản lý cần bổ sung tiêu chuẩn sư phạm trong giấy phép kinh doanh, hành nghề dạy học.

Tôi cũng mong dư luận xã hội hãy có cái nhìn thật công bằng, công tâm trong cả phê phán và ngợi khen. Chúng tôi chỉ cần có bấy nhiêu đó để tiếp tục “quẳng mọi gánh lo” ngoài lớp học, tiếp tục với sự nghiệp trồng người cao quý.

Theo GIÁO DỤC VÀ THỜI ĐẠI