Môn học Mĩ thuật trong chương trình phổ thông luôn được chú trọng và có rất nhiều cải tiến mới mang lại giá trị thiết thực vào cuộc sống. Tôi xin giới thiệu một ý tưởng hay của nhà giáo, họa sĩ, ThS. Nguyễn Gia Bảy, giảng viên trường CĐSP Thái Nguyên để thầy cô cũng như các em học sinh tham khảo.
Trong điều kiện hiện nay, tiêu chí trường học tiện nghi, đẹp đẽ – trang trọng với khẩu hiệu “tất cả vì học sinh thân yêu” đang được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, tình trạng đầu tư khá tốn kém mà trường lớp cũng không đẹp, còn gây bất tiện, cho thấy việc trang trí phòng học là cả một nghệ thuật.
Là ngành mĩ thuật ứng dụng
Môi trường giáo dục có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học. Không gian lớp học là ngôi trường chung, ngôi nhà thứ 2 của các em, ở đó học sinh được tiếp thu những tri thức bổ ích, được giáo dục rèn luyện thành người. Môi trường học tập càng thân thiện, gần gũi, hấp dẫn, thu hút thì sự hứng thú, say mê học tập càng tăng, hiệu quả giờ học sẽ càng cao. Khác với thời đoạn khó khăn trong kháng chiến và giai đoạn đầu đổi mới, trường lớp còn sơ sài, giản đơn, thì đến nay trường lớp đã khang trang đẹp đẽ. Đặc biệt những năm gần đây nhiều trường học được thiết kế xây dựng đúng quy chuẩn, phòng học được trang trí công phu, hấp dẫn mang lại nhiều phấn khích cho người học.
Trang trí phòng học là nghệ thuật thuộc lĩnh vực trang trí ứng dụng, nằm trong ngành mỹ thuật ứng dụng. Trang trí ứng dụng được chia làm nhiều loại hình như: thời trang, ấn loát, mỹ nghệ, ngoại thất, nội thất… Trang trí phòng học thuộc loại hình trang trí nội thất, gắn liền với kiến trúc nội thất.
Phòng học đẹp trước hết phụ thuộc vào kiến trúc nội thất có phù hợp với lớp học không. Tức là phải đủ các yếu tố cấu thành nên không gian như: tường nhà, trần nhà, sàn nhà, mái che, cửa… Khi đó người làm trang trí nội thất chỉ việc tính toán sẽ xếp đặt như thế nào để phù hợp, tăng sự hấp dẫn ở không gian sử dụng mà thôi. Việc bày đặt hay treo cái gì đều phụ thuộc vào nội dung của căn phòng ấy. Đơn giản như tại gia đình, việc trang trí phòng khách phải khác phòng ăn, khác với phòng ngủ và khác với phòng vệ sinh.
Nguyên tắc cơ bản, khái quát nhất của thiết kế kiến trúc trường học là vừa thống nhất, hài hòa vừa biến hóa phù hợp. Tức là quá trình xây dựng trường học phải được thực hiện tuần tự các khâu: Thiết kế, trang trí nội thất – Kiến trúc đơn thể và quần thể kiến trúc.
Trang trí phòng học cần thực hiện theo quy định về nội dung, còn hình thức không rập khuôn máy móc, tùy theo đối tượng học sinh mà trình bày sắp đặt sao cho đảm bảo nguyên tắc chung của trang trí như: tính hài hòa, thuận mắt và tiện nghi. Nội thất lớp học thỏa sức sáng tạo, song làm thế nào để có một không gian học tập phù hợp với đặc điểm tâm lí học sinh, như vậy sẽ giúp cho các em học tập tốt hơn.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến không gian phòng học đó là ánh sáng. Không có ánh sáng thì không có màu sắc, nếu ánh sáng kém thì không rõ màu, làm cho tinh thần con người dễ mệt mỏi. Khi phòng học đủ ánh sáng thì không cần sử dụng những màu tương phản mạnh. Không nên dùng các màu tươi rực như: khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng; nền xanh lá cây chữ đỏ và ngược lại; hoặc tường sơn màu vàng, rèm cửa cũng màu vàng hay vải hoa màu sặc sỡ…, vì như thế sẽ gây tâm thần phân tán, ức chế tâm lí. Ví như, trong phòng học treo ảnh Bác Hồ đang quàng khăn đỏ cho thiếu nhi sẽ rất đẹp và ý nghĩa. Song cần chọn lựa, không nên dùng ảnh Bác đang quàng khăn đỏ cho thiếu nhi, miệng ngậm điếu thuốc lá, sẽ không phù hợp với các nhà trường trong giai đoạn hiện nay.
Việc trang trí bày biện trong phòng học cũng phải chọn lọc sao cho không quá cứng nhắc, nếu phòng học chật trội thì không nên bày nhiều thứ, trần nhà thấp – không gian hẹp thì tường và trần nhà nên sơn màu lạnh (xanh lơ, xanh lá cây), tránh dùng nhiều đồ vật có màu nóng (vàng, đỏ, nâu) để tạo cảm giác rộng rãi, thoáng mát.
Phát huy sự sáng tạo
Tiếp nhận phòng học được trang trí mới thì từ phụ huynh – học sinh đến các thầy, cô giáo ai cũng thấy vui mắt. Nhưng phòng học nào cũng treo giống nhau đều răm rắp thì lại không ổn vì mỗi lớp độ tuổi học sinh khác nhau. Trong thực tế một số các trường học khi có những quy định về trang trí phòng học thì thường nghĩ đến việc đặt các cơ sở quảng cáo “sản xuất” bảng biểu thống nhất đồng bộ. Một trường làm, trường khác đến học tập, làm theo cùng mô típ, nên chỉ hấp dẫn thời gian đầu, sau một thời gian quen mắt sẽ không thấy hấp dẫn nữa.
Ngôi trường đẹp, phòng học đẹp sẽ giúp các em có ý thức hơn trong việc gìn giữ trường lớp của mình. Thời gian qua, mô hình “trường học mới Việt Nam” được thực hiện ở một số trường đã làm thay đổi không gian lớp học. Trên lớp học không chỉ quan niệm học với thầy, cô giáo – bảng đen – phấn trắng nữa, mà học cùng với “bốn bức tường”. Tức là mọi thông tin gắn lên tường đều góp phần giáo dục. Với tinh thần đó, nhiều đơn vị đã phát động các cuộc thi trang trí phòng học với chủ đề: “lớp học thân thiện với thiên nhiên”, “trường học mới Việt Nam”… Sau mỗi cuộc “thi” hầu như các lớp học được làm mới lại, sáng sủa hơn. Tuy vậy với lớp học đông học sinh, diện tích phòng học không thay đổi thì cũng khó cho việc sắp xếp bày biện, tạo không gian hấp dẫn.
Với mô hình trường học mới, học sinh được chủ động, làm chủ trong mọi lĩnh vực. Việc tự tay mình tổ chức trang trí lớp học đã tạo cơ hội cho các em được rèn luyện kĩ năng cảm thụ thẩm mĩ. Ngoài những quy định về trang trí lớp học của ngành, giáo viên chủ nhiệm có thể cùng với học sinh sáng tạo thêm một số góc, chẳng hạn như: “Góc thiên nhiên” thì có cây xanh, cây dây leo; “Góc học tập” thì bày những cuốn sách mới dành cho học sinh tham khảo, những bài làm tốt, kết quả thi đua, gương điển hình; còn “Góc địa phương” thì trưng bày những đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống (bằng hiện vật hoặc tranh ảnh). Lớp có thể chụp một bức ảnh tập thể cỡ lớn treo ở trung tâm phòng để hằng ngày các em được nhìn thấy hình ảnh của mình, tạo cảm giác được sống trong một cộng đồng tràn đầy tình yêu thương. Qua đó giúp các em biết yêu và tạo ra cái đẹp; có ý thức gìn giữ môi trường học tập; giáo dục về tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết đối với tập thể.
Trang trí lớp học là một trong những mục tiêu góp sức cho Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Việc làm này cũng phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh trong học tập và các hoạt động xã hội; bồi dưỡng và giáo dục thẩm mĩ cho học sinh. Tuy vậy cũng không nên rập khuôn máy móc làm đại trà giống nhau, mà cần áp dụng theo điều kiện, mục tiêu thiết thực của từng lớp, từng trường.
Hạn chế việc in ấn đồng loạt, dễ dẫn đến nhàm chán, giáo viên chủ nhiệm có thể làm cùng học sinh. Các em lớp 1, dù nét vẽ, nét cắt còn ngô nghê, nhưng đó là sản phẩm của các em. Kể cả chân dung các em cũng để bạn vẽ cho nhau hoặc tự vẽ. Trích ngang bản thân cũng để các em tự trình bày. Hằng ngày trên lớp, được ngắm nghía các sản phẩm tự tay mình làm ra, khiến học sinh tự tin, hưng phấn nhiều hơn trong giờ học. Khi phát hiện ra những điều chưa hay các em tự rút kinh nghiệm và tự sửa chữa. Tự do sáng tạo sẽ là điều kiện để các em được thể hiện bản thân, học hỏi lẫn nhau. Qua đó tích lũy và rèn luyện thêm, nếu chữ xấu sẽ phải tập cho đẹp hơn; trau dồi bộ môn Mĩ thuật để vẽ trang trí ngày càng đẹp.
Quá trình trang trí trường lớp rất cần sự tư duy giáo dục của các thầy, cô giáo dạy Mĩ thuật ở các nhà trường. Tất cả những gì phơi bày ra trên lớp học cần phải cân nhắc: nội dung trong sáng phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi học sinh; tránh trang trí lòe lẹt, rườm rà ảnh hưởng đến mĩ quan, đặc biệt không có lợi cho việc học tập của học sinh. Cố gắng trang trí đơn giản nhưng đảm bảo tính thẩm mĩ, tính giáo dục. Việc phát huy trí tuệ tập thể trong sáng tạo trang trí sẽ nâng cao chất lượng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
10/4/2018
Gia Bảy/ Nguồn: http://www.hoangmaile.com/