Một lớp học ở Trường THPT Chu Văn An Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Lâm
Đổi mới kiểm tra, đánh giá ở phổ thông bước đầu đem đến kết quả tích cực, trong đó thấy rõ là giảm bớt áp lực; HS trung học có nhiều cơ hội để cải thiện điểm, thái độ và kết quả học tập.
GV chủ động trong thiết kế hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp và đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá…
Giảm áp lực điểm số
Em Trần Ngọc Quỳnh – HS lớp 11A8, Trường THPT Nguyễn Sinh Sắc (An Giang) cho biết: Em từng cảm thấy áp lực, lo sợ về điểm số thời điểm các môn cùng kiểm tra trong tuần và phải làm bài liên tục. Nhưng trong năm học này, khi các trường trung học áp dụng Thông tư 26, áp lực về kiểm tra trên lớp đã giảm rất nhiều.
“Chúng em không còn phải học theo kiểu nhồi nhét, học thuộc lòng kiến thức để đối phó với các bài kiểm tra; thay vào đó là những cột điểm đánh giá năng lực HS thông qua thảo luận nhóm, rồi GV thông qua sản phẩm của nhóm để đánh giá HS. Việc đánh giá qua nhiều mặt không chỉ trên giấy như trước mà cho em nhiều cơ hội thực hiện những kỹ năng như thuyết trình, hoạt động nhóm, thái độ tinh thần tự giác khi thực hiện nhiệm vụ của GV.
Nói chung, hình thức kiểm tra đánh giá mới này giảm rất nhiều áp lực điểm số, tạo cơ hội cho chúng em thể hiện khả năng hiểu, vận dụng hoặc cùng làm việc nhóm khi giải quyết một yêu cầu kiến thức trên lớp. Bản thân em nhận thấy đây là giải pháp phù hợp, cần thiết cho tất cả HS trong xu hướng dạy học hiện đại như hiện nay” – Trần Ngọc Quỳnh chia sẻ.
Là HS trường chuyên, học lớp cuối cấp, Nguyễn Thành Đạt, Trường THPT chuyên Thủ Khoa Nghĩa (An Giang) đặc biệt tâm đắc với thay đổi trong Thông tư 26 là tăng cường vai trò môn Ngoại ngữ trong xét danh hiệu HS giỏi; từ đó tạo ra cơ hội, động lực học môn Tiếng Anh. Đạt cho biết: Sau khi triển khai đổi mới, việc học tập môn Tiếng Anh của em, các bạn chuyển biến tốt; thầy cô bộ môn Tiếng Anh đầu tư hơn trong công tác giảng dạy.
“Ngoài ra, Thông tư 26 còn giảm số cột kiểm tra hệ số 2 giúp HS bớt áp lực trong việc học. Tăng cột kiểm tra thường xuyên giúp HS ghi nhớ bài tốt hơn, có sự đánh giá một cách thường xuyên về quá trình học tập trên lớp, gia tăng công bằng trong kiểm tra, đánh giá” – Nguyễn Thành Đạt nhận định.
Phụ huynh đồng lòng
Nhiều năm gắn bó với giáo dục tiểu học, NGƯT Tô Ngọc Sơn, Trường Tiểu học Chu Văn An (Cao Lãnh, Đồng Tháp) thấy rõ Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT quy định đánh giá HS tiểu học đã tác động tích cực, giúp GV hiểu rõ hơn cách thức đánh giá HS theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất. Theo đó, mục đích đánh giá HS giúp GV cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, xác định được thành tích học tập, rèn luyện theo mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình tiểu học.
Và cũng qua đó, GV hiểu rõ hơn sự tiến bộ của HS để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục. Yêu cầu đánh giá kết quả học tập thường xuyên bằng nhận xét, GV theo dõi HS sát sao hơn, đánh giá chuẩn xác hơn việc rèn luyện, học tập tích cực của HS. Nội dung, phương pháp đánh giá tại Thông tư cũng được chỉ rõ, nên GV dễ dàng thực hiện.
“Cũng từ cách đánh giá trên, chúng tôi nhận được sự đồng thuận, quan tâm phối hợp của cha mẹ HS nhiều hơn. Nhiều phụ huynh hiểu rõ cách thức học tập của con em mình, thấu hiểu được quá trình giảng dạy cũng như sự tận tụy chăm chút của thầy cô đối với HS. Sự cộng tác, phối hợp giữa nhà trường với gia đình trong việc rèn luyện, giáo dục HS được chặt chẽ và thúc đẩy quá trình phát triển mạnh mẽ hơn so với trước đây” – NGƯT Tô Ngọc Sơn cho hay.
Ở góc độ cán bộ quản lý (CBQL), cô Nguyễn Xuân Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bán trú A Long Thạnh, Tân Châu, An Giang nhận định, Thông tư 27 giúp CBQL nắm bắt kịp thời, chính xác kết quả học tập, rèn luyện của HS theo các mức độ; sự tiến bộ của HS qua từng tháng, từng học kỳ, đáp ứng yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018 trên cơ sở kế thừa những ưu điểm của Thông tư 22. Từ đó, giúp CBQL đề ra giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Để triển khai hiệu quả Thông tư 27, cô Nguyễn Xuân Hương cho rằng: Hiệu trưởng cần chỉ đạo tổ chức, tuyên truyền thực hiện đánh giá HS theo đúng quy định của Thông tư cho GV viên, HS, cha mẹ HS. Hướng dẫn cha mẹ HS cách đánh giá HS ở nhà, các nội dung và mức độ đánh giá. Với Trường Tiểu học Bán trú A Long Thạnh, Thông tư 27 được chia sẻ trên Zalo nhóm lớp và trang Facebook của trường để mọi người tiện theo dõi.
Ông Nguyễn Văn Chanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thụy Sơn (Thái Thụy, Thái Bình) chia sẻ những chuyển biến tích cực của học sinh, giáo viên khi triển khai đánh giá học sinh theo Thông tư 27. Theo đó, từ những tiêu chí cụ thể, giáo viên dễ dàng đánh giá học sinh hơn; không áp lực, không nặng nề về sổ sách, giấy tờ. Với học sinh, cách đánh giá mới cũng nhẹ nhàng, giúp các em tự tin hơn bằng việc tự nhận xét và tham gia nhận xét sản phẩm học tập của bạn, nhóm bạn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập…
“Có thể nói, Thông tư 27 đã bám sát chương trình, sách giáo khoa GDPT mới. Việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá đã song hành cùng đổi mới chương trình, sách giáo khoa – đúng tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT” – ông Nguyễn Văn Chanh nhận định.
Kết quả tuyệt vời nhất của cách đánh giá mới, theo NGƯT Tô Ngọc Sơn là HS tiến bộ rõ rệt. Các em năng động, tự tin, có khả năng tự nhận xét, tham gia nhận xét; tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ. Bên cạnh đó, việc giảm nhẹ mức độ đánh giá còn 3 mức, GV không còn áp lực, HS học tập cũng nhẹ nhàng hơn.
Hiếu Nguyễn – GIÁO DỤC VÀ THỜI ĐẠI