DỞ CHÀ (Mấy ai còn nhớ…)

Ngày ấy, khi chỉ tầm 10 tuổi là tôi đã bắt đầu theo Ba đi lặn sông bắt cá mỗi khi trong xóm có người dở chà.

Chà (đống chà) là một đống cây nhánh nhóc, thường là phần ngọn cây, khi người ta đốn cây cố tình cắt phần ngọn chừa dài một chút rồi phơi rủ hết lá, mang về chất thành đống dưới bãi sông. Đa phần các đống chà ở quê tôi là chà tràm (tức lấy ngọn cây tràm để chất). Một số ít dùng cây gáo hay cây me nước (có nơi còn gọi là me keo hay cù quanh) để chất chà. Me nước thì nhiều gai lắm. Có lúc tôi hỏi người ta sao lại dùng me nước để chất chà? Chủ chà trả lời gọn hơ là “có cây nào chất cây nấy chớ sao mậy!”.

Chà thường được chọn dở vào dịp nước kém (mùng 10 hoặc 25 âm lịch hàng tháng). Vì khi đó mực nước trên các sông rạch xuống rất thấp, tiện cho việc lặn hụp hơn. Với lại khi nước thấp thì lưu lượng giảm, cá cũng có xu hướng rút vào ẩn nấp trong các đống cây hơn là đi kiếm ăn bên ngoài. Dở chà lúc này là…hốt trọn ổ.

Khi dở chà, việc đầu tiên là người ta chống ghe ra cắm sai chung quanh. Sai là những cây sào dài bằng tre, dùng để cắm và cố định lưới.

Việc tiếp theo là bủa lưới bao quanh đống chà và viền trên được cột treo bám vào các cây sai đã cắm trước đó. Bủa lưới xong thì người ta phải lặn xuống để dằn chì sâu xuống bùn, mục đích là để không cho cá tìm đường thoát ra bên ngoài.

Việc chuẩn bị xong xuôi, người ta bắt đầu xếp thành những hàng người để chuyền những cây chà ra khỏi khu vực bao lưới; thường là chuyền thẳng lên bờ (nếu phía trên bờ có khu đất trống).

Mỗi lần dở chà thường có hàng chục đàn ông, thanh niên trai tráng tham gia. Họ lặn rất giỏi và chịu lạnh rất hay. Gần như họ có thể trầm mình dưới nước liên tục vài giờ là bình thường. Thỉnh thoảng họ leo lên ghe để giải lao, rít vài ngao thuốc rê rồi trở xuống lặn lấy chà tiếp tục. Có người chia sẻ “bí kíp” chịu lạnh là…uống chừng nửa chén nước mắm nhỉ trước khi xuống nước. Đây là một kinh nghiệm dân gian quê tôi rất thú vị.

Tuỳ đống chà lớn nhỏ mà dở lâu hay mau. Tuy nhiên, thường thì một đống chà mất khoảng 2-3 tiếng đồng hồ mới dở cây xong. Dĩ nhiên, để tránh tình trạng cá trong chà bị hoảng loạn, người ta thường chừa lại một cụm chà chừng chục mét vuông để gom cá lại, sẽ dở vào phút chót. Tôi rất khoái coi đám cá ngựa và cá mè vinh nhảy soi sói khi chà gạn gần xong. Chúng rất khôn, biết nhảy dò đường. Chúng nhảy lên khỏi mặt nước để quan sát xem đoạn lưới nào thấp thì những cú nhảy tiếp theo sẽ chuyển sang hướng đó để tìm cách bay qua khỏi lưới. Một số con không may nhảy vào sát vách lưới, ngạnh lưng của chúng dính vào lưới và bị treo lơ lửng, nhìn rất đã mắt.

Gạn chà chính là việc lặn xuống đáy sông, nắm viền lưới (có đóng chì) để kéo vào nhằm thu hẹp dần diện tích bủa lưới. Thường thì sau khi dở chà lên được một mớ, người ta lại gạn để thu hẹp khoảng trống dần. Chia làm từng đợt “dở chà – gạn lưới – dở chà – gạn lưới…” xen kẻ nhau như thế và diện tích ngày càng thu hẹp dần.

Đoạn hấp dẫn là đây!

Thường thì trong mỗi đợt gạn chà như vậy, một lượng cá nhất định cũng tìm đường thoát ra bên ngoài. Có thể vì một số điểm người ta không thể dằn chì kín kẻ. Nhất là ở phía nước sâu (nằm về hướng lòng sông). Khi gạn chà, người ta hô đồng thanh 1-2-3 rồi cùng lặn xuống. Họ lặn sâu, nín hơi và cùng phối hợp nắm viền lưới để kéo gạn vào, rồi phải dằn xuống bùn trước khi nổi lên mặt nước. Có người hơi dài thì việc dằn chì xuống bùn được làm kỹ lưỡng. Người hơi ngắn hoặc đang lúc mệt thì cũng đại khái qua loa, vì vậy mà cá thoát ra cũng không ít.

Nắm được đặc điểm này, Ba tôi và tôi thường đi “lặn cá bắt hôi” khi người ta dở chà lắm. Ngày ấy, cá rô biển là loài phổ biến nhất khi đi lặn chà. Cái cảm giác lặn xuống thật sâu, tay sờ sờ dưới mặt bùn, chạm phải con cá rô biển da nhám cào hời ơi nó đã! Có những con to mà tôi phải dùng 2 tay mới cầm và giữ nó được lên tới mặt nước.

Theo kinh nghiệm của Ba tôi thì khi lặn bắt hôi nên ở cách xa phía sau. Ba nói “khi cá vừa thoát ra khỏi lưới lúc người ta gạn chà thì nó sẽ dzọt ra phía xa rồi chúi xuống. Do vậy không cần lặn vào sát mép lưới mà vẫn bắt được nhiều cá.

Trong xóm tôi, Ba tôi nổi tiếng là chuyên gia bắt cá trê khi lặn chà. Cứ vài hơi lặn là Ba tôi lại lôi 1 em trê trắng hay 1 em trê vàng màu da vàng nghính lên. Ai bắt được cá to thích khoe thì cứ khoe. Riêng Ba tôi thì cứ lẳng lặng thảy vào xuồng rồi…lặn tiếp. Có 1 lần, hai cha con đạt kỷ lục (nhiều nhất trong các lần đi lặn chà) với hơn 24kg cá rô biển và 28 con cá trê. Tôi chỉ được 1 con cá trên choay choay trong số đó.

Ba tôi dạy, muốn bắt được cá trê thì phải ém được nó vào lỗ chân sai (những cái lỗ để lại sau khi người ta nhỗ mấy cây sai lên) thì mới bắt được. Dĩ nhiên tôi cũng cố gắng lắm, nhưng sau rất nhiều lần tôi mới bắt được con cá trê đầu tiên. Qua đó tôi đã hiểu được rằng, chẳng những hiểu được cách bắt, cách ém nó vào lỗ sai, cách đưa tay nắm đầu nó với 2 ngón tay trỏ và tay giữa bấu lấy 2 ngạnh của nó, thì điều kiện tiên quyết là hơi lặn phải thật lâu. Ngày đó, mỗi khi đi tắm sông tôi thường tập lặn để rèn luyện. Sau một thời gian khá lâu thì tôi nín hơi đạt được 2’45”. Nhờ vậy mà chuyện đi lặn chà cũng ngày càng khá hơn.

Sau mỗi buổi đi lặn cá chà về (dĩ nhiên có khi cũng chỉ được vài ký cá, khi thì được nhiều hơn) nhà tôi lại được bữa tiệc cá no nê. Những con cá rô biển bự hơn bàn tay được chiên tươi, chấm mắm tỏi ớt; số khác thì kho lạt hoặc nấu canh chua với cơm mẻ và bắp chuối…ta nói nó ngon không tả xiết.

Bây giờ thì…cá rô biển gần như tuyệt chủng. Cái loài cá này có lẽ do “bị đặt lộn tên” nên không tồn tại lâu dài thì phải. Thi thoảng thì ở chợ quê tôi người ta cũng có bán ít cá rô biển nhưng to cỡ 2 ngón tay là hết mức. Có lẽ nó không kịp lớn đã bị đánh bắt rồi.

Ngồi viết mấy dòng này mà bên tai tôi vẫn vang vang âm thanh tiếng của mấy con cá heo sông mỗi khi tôi trầm mình lặn chà bắt cá. Tiếng kêu của nó nghe “ột! ột! ột!!” lạ lắm!!! Vậy đó! Ai lớn lên từ thôn quê như tôi sẽ rõ! Âm thanh đó chắc chắn các bạn cư dân đô thành không dễ biết được đâu.

Minh Đông WinterMan/ Nguồn: https://www.facebook.com/minhdongwinterman/