Ảnh minh họa: Internet
1. Nhã nhạc cung đình Huế – Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (2003)
Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào ngày 07/11/2003. Tại Hội nghị lần thứ 3 Ủy ban Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể vào tháng 11/2008, Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình Huế được UNESCO chuyển vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nhã nhạc ra đời từ thế kỷ thứ XV đến giữa thế kỷ XX, là thể loại âm nhạc được trình diễn trong cung đình Việt Nam vào các cuộc tế, lễ gắn với các lễ kỷ niệm và những ngày lễ tôn giáo. Nhã nhạc đã trở thành một phần thiết yếu của nghi lễ cung đình Việt Nam với hàng trăm nghi lễ khác nhau hằng năm. Nhã nhạc còn là một phương tiện giao tiếp và thể hiện lòng tôn kính đối với thần linh và các vua chúa thời phong kiến, cũng như truyền tải được những tư tưởng triết lý và tri thức về vũ trụ của người Việt Nam.
2. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (2005)
Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào ngày 15/11/2005. Tại Hội nghị lần thứ 3 Ủy ban Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể vào tháng 11/2008, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO chuyển vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đăk Nông và Lâm Đồng, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là một bằng chứng độc đáo của truyền thống văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Cồng chiêng là một loại hình sinh hoạt gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần và tín ngưỡng của con người. Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên thể hiện trình độ điêu luyện của người chơi trong việc áp dụng kỹ năng đánh chiêng cũng như kỹ năng chế tác đồ vật.
3. Dân ca quan họ Bắc Ninh – Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (2009)
Dân ca Quan họ Bắc Ninh chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 30/9/2009, tại Kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh là hát đối đáp nam – nữ (liền anh – liền chị), tồn tại ở 49 làng ở Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang). Quan họ có các hình thức: hát thờ, hát hội, hát thi lấy giải và hát canh. Dân ca Quan họ có 213 giọng (làn điệu) khác nhau với hơn 400 bài ca, chủ yếu là phổ lời ca dao và thơ. Giá trị của Dân ca Quan họ Bắc Ninh thể hiện ở tinh thần nhân văn sâu sắc qua từng bài ca, lời ca và cách thức thể hiện.
4. Hát ca trù – Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (2009)
Ca Trù được UNESCO đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào ngày 01/10/2009, tại Kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tổ chức tại Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Ca trù là nghệ thuật hát thơ hình thành từ thế kỷ XV. Nhóm trình diễn Ca trù thường gồm một đào nương vừa hát vừa gõ phách, một kép đàn chơi đàn đáy, một quan viên đánh trống chầu. Trong một số diễn xướng Ca trù còn xuất hiện một vài điệu múa đan xen. Theo các nghệ nhân, Ca trù có 56 điệu hát, mỗi điệu gọi là một thể cách. Ngày nay Ca trù đang có nguy cơ bị mai một hoặc bị biến mất.
5. Hội Gióng – Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (2010)
Lễ hội Gióng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc của Việt Nam được UNESCO chính thức ra Nghị quyết ghi tên vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 16/11/2010.
Lễ Hội Thánh Gióng hay còn gọi là Hội làng Phù Đổng, là một trong những lễ hội lớn nhất ở đồng bằng Bắc Bộ, diễn lại sự tích Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, đánh thắng giặc Ân. Hội bắt đầu từ ngày 6/4. Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo…
6. Hát Xoan – Di sản Văn hóa phi vật thể Đại diện của nhân loại 2017)
Hát Xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại vào ngày 24/11/2011, tại Kỳ họp lần thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tổ chức tại Bali, Indonesia. Vào lúc 10h51 giờ Hàn Quốc tức 08h51 giờ Việt Nam ngày 08 tháng 12 năm 2017, tại Đảo Jeju, Hàn Quốc, Kỳ họp của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 đã đã nhất trí đưa Di sản “Hát Xoan Phú Thọ” ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và chuyển sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh trong danh sách cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO năm 2011. Sau 6 năm thực hiện nghiêm túc các cam kết với UNESCO, cộng đồng di sản, tỉnh Phú thọ được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã xây dựng hồ sơ gửi tới UNESCO. Tại Kỳ họp lần thứ 12 này các quốc gia thành viên Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 đã đánh giá cao quá trình bảo tồn, phát huy di sản của Phú Thọ và ủng hộ đặc cách để Hồ sơ Hát Xoan là trường hợp đầu tiên được chuyển từ danh sách di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp sang ghi danh tại danh sách di sản văn hóa đại diện của nhân loại..
Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các vua Hùng. Người Văn Lang xưa tổ chức các cuộc hát Xoan vào mùa xuân để đón chào năm mới. Có 3 hình thức hát xoan: hát thờ cúng các vua Hùng và Thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe; và hát lễ hội là hình thức để nam nữ giao duyên. Việc bảo vệ và phát huy giá trị của Hát Xoan sẽ góp phần tích cực cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và duy trì tính đa dạng của của văn hóa nhân loại.
7. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (2012)
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 6/12/2012, tại kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Paris, Pháp.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã phát triển mạnh và được chú trọng từ rất lâu trước khi chính thức được vinh danh vào thời Hậu Lê (1428 – 1788). Hiện nay, mỗi năm có hàng triệu lượt khách hành hương về đền thờ các vua Hùng tại tỉnh Phú Thọ để tỏ lòng tưởng nhớ và cầu xin may mắn, sức khỏe. Lễ hội tưởng niệm các vua Hùng kéo dài gần 1 tuần được tổ chức vào đầu tháng 3 âm lịch. Các làng xung quanh rước kiệu và các vật dụng thờ cúng quý giá nhất của nghi lễ, cùng trống và cồng chiêng tới đền thờ chính.
8. Đờn ca tài tử Nam Bộ – Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (2013)
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012 và được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tháng 12/2013.
Đờn ca tài tử Nam Bộ là loại hình nghệ thuật trình diễn phổ biến ở miền Nam Việt Nam, ra đời vào cuối thế kỷ XIX, từ nhu cầu của cộng đồng, phản ánh suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của những người dân mở đất phương Nam – vùng miệt vườn, sông nước, với lối sống cần cù, phóng khoáng, cởi mở, bình dị mà nghĩa hiệp, can trường.
9. Dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh – Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (2014)
Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tháng 11/2014. Ví, Giặm là hai lối hát dân ca (không có nhạc đệm) được người dân Nghệ Tĩnh sáng tạo lưu truyền từ trăm năm nay. Ví, Giặm được thực hành ở các làng quê, gắn bó với mọi việc của con người trong đời sống thường ngày: làm ruộng, chèo thuyền, chài lưới, làm nón, ru con… Hát Ví có một làn điệu, nhưng gắn bó với nghề nghiệp và không gian trình diễn khác nhau. Ngày nay, Ví, Giặm được nghệ nhân trình diễn trong các cuộc vui, liên hoan văn nghệ của cộng đồng và được các nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu.
10. Nghi lễ và trò chơi kéo co – Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (2015)
Nghi lễ và trò chơi kéo co của Việt Nam, Căm-pu-chia, Hàn Quốc và Philippine đã chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tháng 12/2015 tại Phiên họp lần thứ 10 của Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Ở Việt Nam, nghi lễ và trò chơi kéo co thường tổ chức như một phần của lễ hội làng vào mỗi dịp mùa xuân, đánh dấu sự bắt đầu của một chu trình nông nghiệp mới và biểu đạt những ước mong về một vụ bội thu.Ở một số địa phương, kéo co gắn liền với truyền thuyết về các vị anh hùng được thờ phụng, bởi công lao của họ trong khai khẩn đất đai, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ cho cuộc sống ấm no, phồn thịnh của người dân. Ngày nay, nghi lễ kéo co được biết đến phổ biến như một trò chơi dân gian vui khỏe và mang tính cộng đồng.
11. Tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phú, Tứ Phú của người Việt – Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (2016)
Ngày 01/12/2016, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại.
Quan niệm thế giới tự nhiên được chia thành các phủ: trời, rừng, nước và đất dưới sự cai quản của các nữ thần, người Việt theo tín ngưỡng thờ Mẫu thờ cúng các nữ thần cùng với cá vị thánh là những nhân vật trong lịch sử hoặc huyền thoại, có công với dân, đất nước và có quyền năng trong các điện thờ. Sức mạnh và ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ Mẫu chính là đáp ứng nhu cầu tâm linh của người Việt, cầu tài, cầu lộc, sức khỏe, làm ăn, buôn bán, những niềm mong ước tốt đẹp cho cuộc sống hàng ngày.
12. Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam – Di sản phi vật thể đại diện nhân loại (2017)
Ngày 7/12/2017, tại Hàn Quốc, hội nghị lần thứ 12 của UNESCO đã ra Nghị quyết đưa “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vui lớn đối 9 tỉnh, thành phố có di sản, gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Định.
Trong nghệ thuật Bài Chòi, thơ ca, âm nhạc, ngôn ngữ, phong tục, lối sống được chuyển tải một cách mộc mạc, tự nhiên, tạo sức hấp dẫn với công chúng. Rất nhiều tục ngữ, ca dao, bài vè… được biến tấu, diễn tả sinh động mọi cảnh đời, từ tình yêu đôi lứa đến những khúc mắc nhân tình thế thái, tạo nên sự riêng biệt của Bài Chòi. Với người dân các tỉnh Trung bộ, Bài Chòi đã trở thành một phần hồn cốt không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần.
Những người lưu giữ và thực hành nghệ thuật Bài Chòi được gọi là các “anh chị hiệu”. Bài Chòi có hai hình thức chính là chơi Bài Chòi và trình diễn Bài Chòi. Chơi Bài Chòi là hô, hát kết hợp với thẻ bài có ghi tên các con bài. Trong các buổi trình diễn, anh chị hiệu biểu diễn trên chiếu cói hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Họ hát, đối đáp về tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng, những bài học đạo đức.
13. Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam – Di sản phi vật thể đại diện nhân loại (2019)
Tại Phiên họp ngày 12/12/2019 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Bogotá, Colombia, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Việc UNESCO vinh danh hát Then là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã góp phần khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, cộng đồng, dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Theo quan niệm của tộc người Tày, Then có nghĩa là “Trời”. Hát Then là một loại hình diễn xướng âm nhạc tín ngưỡng dân gian, có nội dung thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin Then ban cho những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành. Vì thế, hát Then của người Tày vừa phản ánh chuyện đời sống, bản mường, đến chuyện tình yêu, ma chay, cưới hỏi… Hát Then là một màn trình diễn nghệ thuật lôi cuốn, có khả năng đưa con người chìm đắm vào miền siêu thực. Vì thế, khi nghiên cứu sâu các lễ Then cổ truyền, các nhà nghiên cứu thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan và bản sắc văn hóa của đồng bào Tày.
Dịp diễn ra các sự kiện quan trọng của người Tày, Nùng, Thái ở một số tỉnh vùng cao phía Bắc như: Lễ cầu mùa, cầu yên, cấp sắc… đồng bào dùng tiếng đàn tính để thay lời muốn nói, bày tỏ nỗi niềm… Khi thực hành nghi lễ, người hát Then không thể thiếu các dụng cụ như đàn tính, chùm xóc nhạc, quạt, thẻ âm dương, kiếm. Đàn tính được coi là nhạc cụ mang “hồn” dân tộc, là cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh…
Ở vùng Tây Bắc, Then của người Thái bắt nguồn từ cuộc sống lao động, nên Then thẩm thấu những giá trị văn hoá lâu đời, mang tính nhân văn sâu sắc. Hát Then không chỉ giải quyết vấn đề tín ngưỡng, mà còn răn dạy con người; ngợi ca đạo đức; phê phán thói hư tật xấu; thể hiện tình yêu nam nữ hay ngợi ca tình yêu thiên nhiên, đất nước…
Các nghi lễ cúng Then và hát Then của người Nùng thường diễn ra trong 2 ngày đêm với các nội dung như: Lễ cúng tổ tiên, hành trình lên mời Ngọc Hoàng… Trong thời gian diễn ra nghi lễ, âm nhạc luôn được biểu diễn với nhiều làn điệu phù hợp với từng phần lễ. Theo ông Hoàng Văn Páo, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian tỉnh Lạng Sơn: “Hát Then gắn liền với hình ảnh cây đàn tính trở thành bản sắc văn hoá của cộng đồng tộc người Nùng nơi đây”.
Nguồn: http://www.mofahcm.gov.vn/mofa/ Dinh Phương (sưu tầm)